- Tập huấn các bộ, ngành, địa phương về Quy chế phát ngôn, ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin - Truyền thông, nêu một loạt bài học kinh nghiệm để cho thấy việc thông tin cho báo chí không thể chậm trễ.

Tại hội nghị triển khai thực hiện quyết định 25 Thủ tướng và Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí do Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức hôm nay (7/8), Cục trưởng Hoàng Hữu Lượng nhận định: Báo chí, thông tin chính thống mà chậm, tình hình dễ bị xuyên tạc.

{keywords}
Ảnh: VGP

Lấy ví dụ các vụ việc gây rối ở Tây Nguyên các năm 2001 và 2004, ông Lượng cho rằng sau 10 ngày mới có thông tin chính thống từ các cơ quan Việt Nam, phản ánh thực tế thương vong và thiệt hại không nghiêm trọng như các phương tiện truyền thông nước ngoài đưa, nhưng hiệu quả rất hạn chế vì ấn tượng xấu đã định hình trong nhận thức của công chúng.

Thông tin chậm, thiếu chuẩn xác do thiếu sự chuẩn bị của các cơ quan liên quan ở địa phương, gây hiểu nhầm và bức xúc trong dư luận, xung quanh vụ cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng, cũng là một bài học lớn, ông Hoàng Hữu Lượng nói.

Đến vụ nổ pháo hoa ở sân vận động Mỹ Đình ngay trước thềm Đại lễ 1000 năm Thăng Long năm 2010, là một sự tiến bộ lớn khi Công an Hà Nội đã cung cấp thông tin về nguyên nhân và thiệt hại chỉ vài giờ sau khi sự việc xảy ra, góp phần trấn an nhân dân và đảm bảo cho các hoạt động vui chơi giải trí diễn ra bình thường.

Tuy nhiên, trong thời đại thông tin hiện nay, khi mọi người dân đều có thể là một chủ thể cung cấp thông tin với những thiết bị công nghệ tiện dụng, thì tốc độ đáp ứng thông tin của các cơ quan nhà nước như vậy vẫn là chậm, Cục trưởng Cục Báo chí nhận định.

"Trong thời đại mới, không chỉ báo chí đưa tin mà người dân cũng là những nguồn chủ động thông tin, nên phát ngôn và thông tin báo chí không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ, mà còn là nhu cầu tự thân, lợi ích thiết thân của chính các cơ quan hành chính nhà nước", ông Lượng khẳng định.

Quyết định 25, thay thế cho quyết định 77 về quy chế phát ngôn sau 5 năm thực hiện, nhằm thúc đẩy các cơ quan hành chính nhà nước chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin cho báo chí.

Theo quyết định 25, có 3 đối tượng có thể phát ngôn: người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước; người được giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên, hay người phát ngôn; và người được ủy quyền phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể.

Trong trường hợp xảy ra vụ việc cần có ngay thông tin ban đầu của cơ quan hành chính nhà nước thì người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí chậm nhất 1 ngày sau khi vụ việc xảy ra.

Người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan mình kể cả khi đã ủy quyền.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn, quyết định 25 làm rõ hơn trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước định kỳ và đột xuất.

"Còn việc cung cấp thông tin cho báo chí, đã được quy định trong luật Báo chí, là việc thường xuyên, trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong các cơ quan hành chính nhà nước, không chỉ là việc của riêng người phát ngôn, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh, khoán hết cho người phát ngôn", ông Doãn nói.

Chung Hoàng