Gần đây tràn ngập thông tin về việc Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng tàu sân bay thứ hai. Con tàu hiện tại của Bắc Kinh mang tên Liêu Ninh là tàu sân bay cũ tậu từ Liên Xô được nâng cấp.

{keywords}

Hình ảnh được mô tả là một phần chiếc tàu sân bay do Trung Quốc tự đóng. Ảnh: Diplomat

Nếu thông tin đưa ra trên các diễn đàn quân sự Trung Quốc là xác thực, thì con tàu thứ hai sẽ là tàu sân bay nội địa đầu tiên - một dấu mốc quan trọng.

Thực tế, động thái này đã được dự báo trước. Trong vài thập niên qua, Trung Quốc đã mua nhiều tàu sân bay “bỏ đi” trong một nỗ lực tìm hiểu động cơ, máy móc thiết bị và công nghệ phức tạp của nó để nắm bắt và làm chủ con tàu nổi mang tính biểu tượng về sức mạnh này. Nhiều báo cáo đưa ra vài năm gần đây cho thấy Trung Quốc sẽ chế tạo nhiều tàu sân bay hơn nữa.

Các bức ảnh công bố trực tuyến dường như dẫn tới nhiều câu hỏi hơn là trả lời: Liệu tàu sân bay chạy bằng nhiên liệu thông thường hay hạt nhân? Có bao nhiêu máy bay chiến đấu trên đó? Máy bay có phải là chiến đấu tàng hình thế hệ 5 hay không? Trung Quốc đang làm tàu sân bay thứ ba? Và nhiều nhiều nữa.

Đổ ra biển

Rõ ràng là, trong khi Trung Quốc tăng cường các khả năng chống tiếp cận, thì họ đã dần tích lũy được những tài sản hải quân cần thiết để xây dựng cái gọi là “hải quân biển xanh”.

Nhìn lại một thập kỷ qua, người ta có cảm nhận rằng, Trung Quốc đang đổ ra biển không chỉ nhằm khuếch trương sức mạnh mà còn để bảo vệ các lợi ích sống còn của họ. Trong khi phần lớn lịch sử, Trung Quốc là một cường quốc lục địa thì vào lúc căng thẳng với Liên Xô nay là Nga giảm bớt, Bắc Kinh đã thay đổi những ưu tiên quốc phòng từ khả năng tác chiến mặt đất với Moscow sang xung đột ở vùng biển gần mà họ gọi là chuỗi đảo thứ nhất.

Dù tăng cường mua sắm nước ngoài, đầu tư vào công nghiệp đóng tàu nội địa, nghiên cứu phát triển và đào tạo, Bắc Kinh vẫn không quên tăng cường một lực lượng hải quân đẳng cấp thế giới, nhanh chóng gia nhập hàng ngũ các hạm đội tốt nhất thế giới.

Trung Quốc dần dần bắt đầu thể hiện sức mạnh hàng hải, thể hiện các khả năng ngày một phát triển không chỉ ở vùng biển gần, mà còn trên phạm vi toàn cầu. Bắc Kinh đã tiến hành nhiều cuộc diễn tập quy mô lớn với các đối tác khu vực; các hoạt động chống hải tặc tại vịnh Aden; gửi tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường tới Libya đã tham gia chiến dịch giải cứu công dân Trung Quốc năm 2011 hay vươn xa tới tận Biển Đen.

Trong khi xu hướng chung về sức mạnh biển của Trung Quốc là khó phủ nhận, thì các thách thức rõ ràng là vẫn còn. Các nhà hoạch định hải quân nước này trong những thập niên tới sẽ phải đối mặt với vô số khó khăn lớn tác động và định hình tới chiến lược, mua sắm, khả năng và đặc trưng của lực lượng.

Một trong số đó là nguồn tài chính. Sự trỗi dậy của lực lượng hải quân Trung Quốc được hưởng lợi ích từ bùng nổ kinh tế. Lãnh đạo Bắc Kinh vì thế cũng có thể thông qua việc gia tăng ngân sách quốc phòng liên tục ở mức hai con số. Nhưng, kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm lại, Bắc Kinh có thể sẽ gặp áp lực phải thay đổi nguồn tài chính phục vụ các chương trình nội địa, cải cách kinh tế theo hướng tiêu dùng và hướng đến mô hình ổn định bền vững hơn.

Thách thức

Trong khi Nga ngày nay được coi là một đối tác khu vực và không phải là mối đe dọa với biên giới Trung Quốc, thì lịch sử minh chứng rằng, tình hình có thể thay đổi nhanh chóng. Bắc Kinh có thể đổ nguồn lực khủng khiếp vào các tài sản hải quân một phần vì quan hệ Trung - Nga đã thay đổi những năm gần đây.

Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chọn Moscow là điểm đến đầu tiên khi nắm giữ cương vị lãnh đạo. Sự tụt hậu của Trung Quốc trong công nghệ quân sự được xem xét nhiều ở phương diện họ mua sắm thiết bị quân sự từ Nga. Nhưng, xem xét lịch sử đối đầu giữa hai cường quốc và cả cuộc tập trận quân sự gần đây của Nga (mà nhiều người tin rằng một phần ngắm tới Trung Quốc), thì câu chuyện về đối tác chiến lược thực sự sẽ còn phải bàn cãi.

Chừng nào quan hệ Nga - Mỹ còn căng thẳng vì vụ việc Edward Snowden, lá chắn tên lửa và các vấn đề khác, thì Moscow còn có lý do chiến lược rõ ràng để tìm kiếm mối quan hệ ấm hơn với Bắc Kinh. Song không có gì đảm bảo rằng, một đối tác như vậy có thể khả thi trong thời gian dài. Nếu lúc nào đó nó trở nên lạnh nhạt, thì Trung Quốc cần đổ tiền của vào các nguồn lực trên đất liền và tài sản hạt nhân.

Trong tương lai, chúng ta có thể thấy lực lượng vũ trang Trung Quốc đạt được nhiều dấu mốc quan trọng. Rõ ràng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã khiến cho quân đội nguồn lực cần thiết để theo kịp các tham vọng đặt ra. Trên thực tế, tàu sân bay mới của Trung Quốc chính là ví dụ hoàn hảo cho việc cân nhắc thực trạng của PLAN hiện nay - đầy đủ khả năng phát triển nhưng chưa hoàn tất với những thách thức phía trước.

Thái An (theo Diplomat)