Bốn con tàu thuộc lực lượng phòng vệ bờ biển Trung Quốc (CCG) mới được thành lập đã được triển khai tại Hoa Đông gần khu vực tranh chấp. Người ta cũng thấy chúng xuất hiện ở quanh bãi ngầm Mischief ở Biển Đông.

Trong khi các tàu chính phủ Trung Quốc thường xuyên tiến vào các vùng tranh chấp ở Hoa Đông và Biển Đông, thì đây là lần đầu tiên, tàu thuộc lực lượng mới thành lập của họ làm như vậy.

Ngày 9/6, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đưa ra chỉ thị mới về việc tái cơ cấu cơ quan quản lý đại dương (SOA). Theo kế hoạch, lực lượng cảnh sát biển sẽ chia thành ba khu vực hoạt động mà Trung Quốc gọi là Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải với tổng cộng 11 đơn vị chỉ huy cùng đội tàu.

{keywords}
Ảnh: Diplomat

SOA được đảm nhận thêm nhiều trách nhiệm an ninh hàng hải khác như bảo vệ quyền hàng hải, thống nhất và quy chuẩn hóa hoạt động, soạn thảo quy định về sử dụng hàng hải cũng như các nỗ lực thực thi luật hàng hải.

Một cơ quan cảnh sát biển thống nhất sẽ tăng cường phối hợp các thủ tục thực thi pháp luật ở nhiều lĩnh vực mà trước đây bị phân tách và dư thừa. Nó cũng làm tăng hiệu quả thực thi chính sách ở các lĩnh vực. Tuy nhiên, mức độ thống nhất vẫn không hẳn là toàn diện, vẫn còn nhiều câu hỏi về đào tạo nhân sự, xây dựng đội tàu, thẩm quyền và nhiều chi tiết khác chưa được giải quyết.

Mập mờ?

Trước khi chuyển đổi cơ cấu, hầu hết các tàu thuộc 5 cơ quan hàng hải Trung Quốc không được trang bị (ngoại trừ số ít đặc thù). Trong khi chưa thấy vũ khí xuất hiện trên các tàu tuần tra ở quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mới đây, thì cũng không thể loại trừ rằng, các tàu CCG sẽ có vũ khí trong tương lai.

Xuất xứ tàu của CCG cũng không được nói rõ ràng. Có thể là tàu thuộc 5 cơ quan hàng hải trước khi sáp nhập, hoặc tàu mới hay nâng cấp. CCG cũng sẽ có thể có tàu hải quân, hay tàu thương mại cải tiến...

Số lượng các tàu, máy bay và nhân sự cũng trong tình trạng tương tự. Theo báo cáo của trường Đại học Hải quân Mỹ năm 2010, ước tính 5 cơ quan hàng hải Trung Quốc có 40.000 người. Riêng CCG đã chiếm khoảng 10.000 người và 480 tàu (dù thừa nhận phần lớn là tàu tuần tra ven biển, tàu tuần duyên nhỏ).

Nếu SOA chọn lựa cách sáp nhập nhân sự và phần cứng của những cơ quan khác, thì một cơ quan CCG mới sẽ là lực lượng ghê gớm, nhất là khi so sánh với cảnh sát biển trong khu vực. Nhật Bản có 446 tàu, 73 máy bay và 12.808 nhân viên. Tuy nhiên, theo quy định của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, CCG chỉ có 16.296 người. Nhân sự giảm bớt cũng là giới hạn đáng kể về số lượng tàu, máy bay trong khi hoạt động, giúp CCG tương xứng hơn với cơ quan cảnh sát biển khác trong khu vực.

Vấn đề khác đặt ra là liệu các cơ quan hàng hải tồn tại trước đây sẽ tiếp tục hoạt động. Quy định mà SOA đưa ra trong tháng 6 nói rõ, CCG mới sẽ chịu trách nhiệm về hành động thực thi pháp luật nhằm bảo vệ các quyền hàng hải, tạo điều kiện quản lý hơn cho các bộ khác nhau. Tuy nhiên, sự chồng chéo cũ mới vẫn không rõ ràng. Ví dụ ngay ở thời điểm hiện tại, đội tàu của cơ quan An toàn hàng hải vẫn không thuộc CCG mới trong khi các tàu hải giám cũ lại trực thuộc.

Việc hợp nhất các cơ quan nói trên một phần được xem là tích cực khi giới quan sát trong và ngoài nước đánh giá nó có thể giảm thiểu căng thẳng khu vực khi không còn chồng chéo về chức năng và tài nguyên hoạt động. Nó cũng khiến hành động của cảnh sát biển trở nên dễ đoán hơn.

Ngược lại, hợp nhất cũng làm căng thẳng leo thang. Một cơ quan thực thi luật pháp hàng hải phối hợp tốt sẽ tạo điều kiện tốt hơn trong việc bảo vệ tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, nguy cơ xung đột sẽ gia tăng nếu xảy ra đụng độ giữa Trung Quốc và cảnh sát biển nước khác. Nó cũng tạo nhiều cơ hội hơn để Trung Quốc đe dọa các láng giềng yếu hơn. Một yếu tố phức tạp là CCG sẽ phản ứng thế nào trước những người biểu tình theo chủ nghĩa dân tộc khi họ đổ bộ lên các đảo tranh chấp. Một nhóm các nhà hoạt động Hong Kong đã thông báo kế hoạch tới Senkaku/Điếu Ngư ngày 15/8. Việc ngăn chặn hay bắt giữ hoặc bảo vệ người biểu tình sẽ khiến sự cố có thể xảy ra.

Ảnh hưởng của CCG đối với an ninh hàng hải khu vực chưa thể hiển hiện. Các nước trong khu vực - nhất là có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc - không nên nhận thức về một lực lượng cảnh sát biển "yếu hơn" thông qua nhân sự và hạm đội. Thay vào đó, việc tái cơ cấu CCG sẽ tạo điều kiện để Trung Quốc chuẩn bị bảo vệ các yêu sách chủ quyền tốt hơn so với trước. Mọi thứ sẽ được xác định bằng việc CCG phản ứng thế nào với các tình huống xảy ra, cũng như những hành động ấy được bên ngoài đánh giá ra sao.

Thái An (theo Diplomat)