Điều gì khiến tàu sân bay trở thành hấp lực với bất kỳ quốc gia nào? Câu hỏi được đặt ra sau khi Ấn Độ và Nhật Bản đều hạ thuỷ hàng không mẫu hạm, Trung Quốc thì dày đặc tin đồn đang đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên.

Tàu sân bay Ấn Độ chưa thực sự có thể làm được điều gì trong vòng năm năm tới, còn tàu sân bay Nhật Bản thì được cho như là tàu khu trục lớn, với sân bay ngoại cỡ. Nhật tuyên bố nó đủ cho 14 trực thăng, nhưng rất có thể đảm bảo cho các máy bay cánh cố định hoạt động tốt.

{keywords}

Tàu sân bay bản địa đầu tiên của Ấn Độ mang tên Vikrant. Ảnh: ndtv

Chưa ai dự đoán các tàu chiến hùng mạnh này sẽ tham gia tác chiến trong tương lai gần. Nhưng rõ ràng, tàu sân bay của Nhật (hay là tàu khu trục) xuất hiện như một phản ứng với việc Trung Quốc hạ thuỷ tàu sân bay đầu tiên - mua từ tàu cũ Ukraine và nâng cấp tại Trung Quốc nhưng chưa có máy bay trang bị, chủ yếu để thử nghiệm và đào tạo.

Khá thận trọng, Nhật Bản không trông đợi nhiều về con tàu Izumo nặng 19.500 tấn có thể đi vào hoạt động trong vòng 2 năm. Nhưng sự thành công của họ trong chế tạo một con tàu như vậy có thể giảm thiểu thách thức của Trung Quốc đối với quyền kiểm soát của Nhật về quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Không có gì phải hoài nghi rằng, các xưởng đóng tàu Nhật, sau nhiều thập niên sản xuất các tàu thương mại lớn, phức tạp nay đã có thể đi vào làm thêm nhiều tàu chiến lớp Izumo, thậm chí là tàu sân bay đích thực.

Ngay sau đó, Ấn Độ tổ chức lễ hạ thuỷ hoành tráng tàu Vikrant 37.500 tấn - tàu sân bay “bản địa” đầu tiên, với toàn bộ thiết kế và sản xuất tại Ấn Độ. Nhưng con tàu này còn cần thời gian để hoàn thiện mọi chức năng. Về cơ bản, nó còn cần sân bay, cầu hoạt động và nhiều thứ khác.

Về tàu Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. Đây là tàu thuộc hải quân Liên Xô cũ hạ thuỷ cách đây 25 năm. Nó được tái thiết và chạy quanh Hoàng Hải hơn một năm, nhưng phần lớn là đảm nhận vai trò tàu huấn luyện. Các xưởng đóng tàu Trung Quốc đang cố gắng làm vài mô hình tàu nội địa trong ít năm tới, trên cơ sở cải tiến công nghệ tương tự.

Trọng tải 55.000 tấn, Liêu Ninh có sân bay dài gần 300m, có thể mang hơn 50 máy bay chiến đấu so với 36 chiếc trên tàu Vikrant.

Trung Quốc rõ ràng là khó chịu về các đối thủ, nhất là Nhật Bản. Xứ anh đào đã chế tạo hàng trăm tàu buôn lớn nhưng chưa hề có một tàu quân sự nào lớn như Uzimov kể từ sau Thế chiến 2.

Ấn Độ chưa từng được biết tới là quốc gia đóng tàu cho dù sở hữu đường bờ biển dài. Việc hạ thuỷ tàu Vikrant là biểu tượng của niềm tự hào. “Sự tự hào với Hải quân Ấn Độ”, tờ Hindu viết. Tính chất tàu “bản địa” đầu tiên được nhấn mạnh rất rõ. “Ấn Độ sẽ gia nhập câu lạc bộ ít quốc gia - Mỹ, Anh, Pháp và Nga - có khả năng chế tạo và hoạt động tàu chiến ở quy mô này”, tờ Indian Express bình luận. Cho dù con đường phía trước còn dài trước khi hoàn tất, con tàu đã trải qua nhiều cuộc thử nghiệm trên biển và sẵn sàng cho nhiệm vụ.

Trên thực tế, Ấn Độ còn nhiều điều phải làm nếu định để tàu tham gia tác chiến. Tàu Vikrant sẽ không thể chiến đấu nếu không có đội tàu khu trục bảo vệ cũng như các tàu cung cấp hậu cần cho khoảng 1.500 thuỷ thủ đoàn.

Tại châu Á, một cuộc chạy đua tàu sân bay có lẽ đang diễn ra. Trong lúc đó, các tàu sân bay của Mỹ thường xuyên hiện diện ở vùng biển khu vực. Nếu như tàu sân bay của Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ chưa từng trải nghiệm chiến tranh, thì các tàu George Washington và Ronald Reagan, với trọng tải gần 100.000 tấn lại có nhiều trải nghiệm và phát huy được sức mạnh vượt trội. Đó là chưa kể tới một lớp siêu tàu sân bay mới bắt đầu với Gerald R. Ford, dự kiến hạ thuỷ năm nay.

Thái An (theo Forbes)