Một số ĐBQH của Hà Nội như Trần Thị Quốc Khánh, Nguyễn Đức Nhanh và Nguyễn Hồng Sơn tha thiết mong Luật Thủ đô được thông qua trong kỳ họp này vì đã trì hoãn quá lâu và nhiều vấn đề của thủ đô đã trở nên rất bức xúc. Nhưng với nhiều ĐB khác, dự thảo luật này vẫn còn nhiều điểm chưa thỏa đáng cần điều chỉnh thận trọng trước khi thông qua.
Sắp có nhiều quy định mới về nhập cư Hà Nội
Luật Thủ đô 'ra ngô ra khoai', Hà Nội 'cứ thế mà làm'
Việt Nam cần luật đô thị hay luật thủ đô?
Đặc thù phải cụ thể, làm luật phải nhìn rộng ra
Đa số các ĐB cho rằng tính chất
đặc thù của thủ đô chưa được thể hiện rõ nét trong dự luật. ĐB Trần Du Lịch
(TP.HCM) thấy Hà Nội có hai điểm có thể coi là đặc thù: thứ nhất là những điều
kiện chính trị và pháp lý mà chỉ thủ đô mới có, nhưng
muốn điều chỉnh điểm này phải sửa cả Hiến pháp và pháp luật
liên quan.
ĐB Nguyễn
Minh Thuyết: Nếu thông qua mà làm chưa kỹ, không phát huy tác dụng thì đừng
thông qua vội. Ảnh: Lê Anh Dũng
"Những việc các địa phương đã làm rồi, giờ đưa vào Luật Thủ đô, nay mai luật có hiệu lực, các địa phương khác không phải thủ đô có được làm nữa không?", ông Lịch đặt câu hỏi. ĐB này lấy ví dụ việc TP.HCM đã từng "không xin tiền, chỉ xin cơ chế", nếu Luật thủ đô sắp tới quy định cơ chế tự chủ tài chính cho Hà Nội, TP.HCM liệu còn được làm.
ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đồng ý với những đặc thù về tài chính cho thủ đô, song đề nghị quy định cụ thể phân bổ chi ngân sách cao hơn các địa phương khác bao nhiêu phần trăm, ưu tiên bố trí vốn ODA theo nguyên tắc nào, để tránh phát sinh cơ chế xin cho. Theo ông, luật cũng phải nhìn rộng ra cả nước, các địa phương khác thu vượt ngân sách, đóng góp lớn cho ngân sách thì được giữ lại bao nhiêu phần trăm phần thu vượt, có vậy mới khuyến khích các địa phương và sát với thực tế.
Theo ĐB Thuyết, Hà Nội có vốn đất rất lớn, đặc biệt sau khi mở rộng, lại là "đất vàng", "đất kim cương", nhưng quy hoạch còn lộn xộn. "Tôi nghe có người nói trước khi mở rộng, đất đã có công ty này công ty kia nhận cả rồi, phải chăng quy hoạch của Hà Nội đang vụn quá?", ông Thuyết nói.
Ông mong thủ đô có thể đẹp và được quy hoạch đàng hoàng như những đô thị mới ông đã tận mắt trông thấy ở Bình Dương. Muốn vậy, đông đảo nhân dân phải được tham gia kiểm soát và có ý kiến đối với các phương án quy hoạch của thủ đô, không thể chỉ thông qua HĐND.
Các điều kiện nhập cư vào nội thành là nhằm giải quyết sức ép dân số nhưng ĐB Thuyết e rằng không giải quyết được gốc gác vấn đề, vì lao động tự do vẫn đổ về Hà Nội sống và làm việc mà không cần hộ khẩu. Ông cho rằng nên tính cả những giải pháp khác như mở rộng đô thị để kéo dãn dân, thu phí giao thông, phí môi trường với người tạm trú, hạn chế lưu thông xe thô sơ trên một số tuyến đường trong những giờ nhất định, phát triển các loại hình dịch vụ để tăng cạnh tranh về chất lượng lao động...
ĐB Trần Du
Lịch: Nhiều điểm được coi là đặc thù cho thủ đô trong dự luật thực ra là đặc thù
của một đô thị có quy mô lớn.
Ảnh: Lê Anh Dũng
ĐB Trần Du Lịch cũng đồng tình rằng trong kinh tế thị trường, không thể quản lý dân cư bằng hộ khẩu, mà nhập cư là vấn đề của quy hoạch, xây dựng và động lực phát triển kinh tế. "Không muốn tăng dân số nội thành nhưng vẫn xây cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại thì sao tránh được mật độ dân số tăng", ông Lịch phân tích. Bên cạnh đó, muốn thay đổi chất lượng nhập cư, cũng là thay đổi cơ cấu kinh tế, thì không thể "chỗ nào cũng phát triển kinh tế vỉa hè".
Nếu không thay đổi tư duy về quy hoạch và điều hành kinh tế thì chặt chẽ về hộ khẩu cũng không giải quyết được gì, ngược lại còn biến người nhập cư vì không có hộ khẩu thành công dân loại hai, trong khi họ vẫn sống và lao động hợp pháp đóng góp cho kinh tế thủ đô.
ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắk) cũng thấy có những điểm bất hợp lý trong dự luật, ví dụ quy định không được mở rộng diện tích sử dụng đất, nhưng "đất có đâu mà mở rộng", trong khi không nói đến việc nâng tầng, mở rộng không gian. Hay dự luật quy định không được tăng số giường bệnh và phải di dời bệnh viện ra ngoại thành, ông Dũng e rằng như vậy "sẽ không còn 2 người chung 1 giường bệnh nữa, mà là 3 người chung 1 giường".
Theo ông Thuyết, dự luật cũng chưa tính đến các đô thị ngoại thành như Sơn Tây, Xuân Mai... cũng có tương lai quá tải, "nếu không tính sớm, chúng ta sẽ lại phải tiếp tục giải quyết những bài toán đã nhìn thấy trước". Đồng ý với nhận định này, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho biết khi đi giám sát, ông thấy các làng nghề ngoại thành Hà Nội cũng chật chội và quy hoạch lộn xộn như khu phố cổ.
ĐB Nguyễn Minh Thuyết còn thấy để tăng cường đảm bảo an ninh và trật tự xã hội cho thủ đô, dự luật chỉ đưa ra một biện pháp là "tăng phí xử phạt", ngoài ra không có một biện pháp nào khác. Vùng nông thôn rộng lớn của Hà Nội cũng chưa được dành cho một quy định nào trong dự luật, ông Thuyết nói.
Thông qua luật không phải để chào mừng cái gì
Dự thảo Luật Thủ đô được trình trước QH khoá XII từ kỳ họp thứ 7 nhưng đến kỳ họp cuối này, vẫn là một trong những dự luật có nhiều ý kiến tranh cãi nhất. Tuy đồng tình về sự cần thiết phải có luật, song đa số ĐB không hài lòng với chất lượng của dự luật.
ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) thấy dự luật chưa quy định rõ trong từng lĩnh vực, trách nhiệm thuộc về bộ quản lý ngành hay của UBND thành phố Hà Nội. "Về mặt quản lý nhà nước như vậy là không ổn, khi có vấn đề xảy ra với thủ đô, ĐB biết chất vấn trách nhiệm của ai?", ông Lợi nói.
ĐB Trần Du Lịch đề nghị, chính vì có nhiều điểm "không hề mới" như đã phân tích, ban soạn thảo cần nghiên cứu nâng tầm luật lên cho xứng đáng là Luật Thủ đô, "chứ như thế này thì chỉ mới là giải quyết những bức xúc hiện tại của một đô thị đặc biệt do quy mô lớn".
ĐB Ngô Quang Xuân (Đồng Tháp) cũng cho biết trên thế giới không có nhiều nước có luật riêng cho thủ đô, hầu hết đều dựa trên luật về quy hoạch đô thị, vì vậy "nếu ta muốn có Luật Thủ đô thì luật phải xứng tầm".
ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên) cũng thấy "cứ thế mà thông qua thì hơi vội vàng". "Nếu có thể hãy để luật này chậm lại, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các ĐB và tham khảo thêm, làm cho luật thật hoàn chỉnh và có trách nhiệm", ông Hải nói.
Trước một dự luật còn "ngổn ngang về nội dung và câu chữ, muốn thông qua trong kỳ họp này thì phải sửa chữa rất nhiều", ĐB Thuyết mong nếu có thông qua thì là để "tạo điều kiện cho thủ đô phát triển chứ không phải để chào mừng cái gì cả". "Nhưng nếu thông qua mà làm chưa kỹ, không phát huy tác dụng thì đừng thông qua vội", ông Thuyết nói.
Thuỷ Chung