- Kết quả khảo sát ý kiến của người dân về chính quyền địa phương cho thấy, đa số đề nghị chủ tịch UBND cấp xã và cấp huyện nên do người dân bầu trực tiếp.

Vấn đề này được nêu tại hội thảo giới thiệu kết quả nghiên cứu về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở Việt Nam hôm nay (19/8).

Khảo sát do Trung tâm thông tin, thư viện và nghiên cứu khoa học thuộc Văn phòng Quốc hội thực hiện với 800 người, bao gồm đại biểu HĐND, thành viên UBND và cán bộ, công chức (CBCC) đang làm việc tại HĐND và UBND các cấp, người dân 5 địa phương.

Nội dung khảo sát đề cập đến sự tham gia của người dân trong quá trình quyết định việc thay đổi về đơn vị hành chính, qua tham vấn ý kiến hoặc trưng cầu ý dân; chính quyền địa phương gồm HĐND và cơ quan hành chính địa phương, quy định ngay trong Hiến pháp hoặc do luật định; người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp do nhân dân trực tiếp bầu....

Các ý kiến trả lời khảo sát cho rằng, quy định hiện hành về các đơn vị hành chính không còn phù hợp với thực tiễn đã có nhiều thay đổi của xã hội và đặc tính dân số.

{keywords}
TPHCM - nơi đang muốn hướng tới một mô hình chính quyền đô thị mới. Ảnh: Đoàn Qúy

Trong khi đó, Hiến pháp hiện hành cũng không quy định chặt chẽ về thẩm quyền, tiêu chí, điều kiện, thủ tục thành lập mới, sáp nhập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính - lãnh thổ, dẫn đến sự dễ dãi, thậm chí vượt quá thẩm quyền hiến định trong việc chia, tách, thành lập mới các đơn vị hành chính như thực tế ở nước ta những năm vừa qua.

Theo đó, các ý kiến đề xuất 3 mô hình chính quyền địa phương, bao gồm: mô hình chính quyền địa phương chỉ có cấp tỉnh; mô hình hai có 3 cấp hành chính, trong đó chỉ có 2 cấp có cả hội đồng dân cử và cơ quan hành chính; và mô hình có cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã, mỗi cấp có HĐND và cơ quan hành chính.

Kết quả điều tra khảo sát của nghiên cứu cho rằng vẫn cần có mô hình chính quyền địa phương được tổ chức theo cả 3 cấp gồm tỉnh, huyện và xã đối với các đơn vị hành chính lãnh thổ có đặc tính nông thôn.

Theo đó, có khoảng 60% ý kiến đồng tình với kiến nghị cần có cách thức quy định phân biệt giữa chính quyền địa phương ở đô thị và ở nông thôn do có sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị về chức năng, nhiệm vụ, điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa, mức sống, phong tục tập quán, ngành nghề của cư dân… Riêng đối với cấp huyện, chỉ có 9,7% số CBCC được hỏi cho rằng nên tổ chức HĐND ở cấp này.

Đối với việc hình thành chức danh Chủ tịch UBND ở cả 3 cấp, kết quả khảo sát ý kiến của người dân cho rằng, Chủ tịch UBND cấp xã và cấp huyện nên do người dân bầu trực tiếp. Ý kiến cho rằng nên bổ nhiệm Chủ tịch UBND cả 3 cấp chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với ý kiến cho rằng nên bầu chức danh này.

"Matryoshka" hay kiểu mới?

Từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu đề xuất 2 phương án về mô hình chính quyền địa phương. Theo đó, phương án 1, để phân biệt chính quyền đô thị với chính quyền nông thôn, ở các tỉnh, chính quyền địa phương có 3 cấp, trong đó mỗi cấp có HĐND và cơ quan hành chính.

{keywords}
TS Nguyễn Sĩ Dũng. Ảnh: Chung Hoàng

Ở thành phố lớn trực thuộc trung ương có cả quận và huyện, không thiết lập HĐND ở quận, nhưng vẫn cần thiết lập HĐND huyện và xã, phường. Người đứng đầu cơ quan hành chính cấp xã, thị trưởng thành phố/thị xã do người dân bầu trực tiếp.

Phương án 2 là việc thành lập chính quyền địa phương các cấp do luật định.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho hay, hiện chính quyền địa phương của Việt Nam đang thiết kế theo mô hình Xô Viết. Theo đó, có sự lặp lại chức năng của chính quyền cấp trên và cấp dưới, từ trung ương đến tận xã, "như con búp bê Matryoshka" đặc trưng của Nga.

"Trong một mô hình như vậy, nếu cấp trên làm thật, cấp dưới chả có gì mà làm. Cấp trên không làm thì lại chồng chéo, không rõ trách nhiệm", ông Dũng nói đồng thời khẳng định mô hình này thực chất không còn tồn tại bao nhiêu trên thế giới nữa.

Theo ông, có lẽ đây là thời điểm để Việt Nam chọn một mô hình hợp lý hơn. Lựa chọn mô hình nào phải dựa trên căn cứ lịch sử của Việt Nam.

Chung Hoàng