- Ai thực sự đứng sau chính biến ở Ai Cập, khi nếu không có sự hậu thuẫn tình báo và tiền bạc của bên ngoài thì quân đội khó đảo chính lật đổ Tổng thống Mursi?
Theo Debkafile - website chuyên về tin tình báo cho rằng đó là Arập Xê út và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE). Nhưng, như tờ USA Today và lãnh đạo của Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri thì chính Mỹ là chủ mưu đứng sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Ai Cập Morsi.
Arập Xê út và UAE đóng vai trò gì?
Debkafile cho rằng, quân đội Ai Cập đã có sự hậu thuẫn tình báo và tiền bạc của Arập Xê út, UAE, vì lãnh đạo của Arập Xê út và UAE đã ủng hộ giới tướng lĩnh Ai Cập nhằm lái “Mùa xuân Arập” theo hướng có lợi cho họ, sau khi họ đã thất bại ở Libya và ở Syria.
Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tư lệnh quân đội Abdel Fattah El-Sisi được cho rằng đã nhận hai cam kết quan trọng. Một, trong trường hợp Mỹ cắt khoản viện trợ quân sự hàng năm đối với Ai Cập trị giá 1,3 tỷ USD, Arập Xê út và UAE hứa sẽ bù đắp khoản thiếu hụt này. Hai, để tránh cho nền kinh tế Ai Cập bị sụp đổ, hai quốc gia này sẽ ngay lập tức bơm tiền cho chính phủ tạm quyền.
Với việc lật đổ Tổng thống Mursi từng được Mỹ ủng hộ, Quốc vương Abdullah của Arập Xê út đã “báo thù” cho vụ lật đổ “ông bạn” Hosni Mubarak hồi tháng 2/2011, một vụ lật đổ mà theo Quốc vương có bàn tay của Tổng thống Mỹ Obama.
Hỗn loạn ở Ai cập. Ảnh:Mosa'ab Elshamy |
Vì thế ngay sau khi chính biến nổ ra, UAE đã bày tỏ sự ủng hộ đối với quân đội Ai Cập, Ngoại trưởng UAE, Abdullah bin Zayed al-Nahayan, đã ca ngợi quân đội Ai Cập “một lần nữa chứng tỏ họ là rào chắn của Ai Cập, người bảo hộ, tấm chắn mạnh mẽ”.
Vai trò của Mỹ
Tờ USA Today thì cho rằng, cả 2 lực lượng, ủng hộ và phản đối Tổng thống Morsi, đều nghi ngờ Mỹ đã gây ra bất ổn, cản trở quá trình tự quyết của người dân Ai Cập, nhất là khi quân đội dường như đóng vai trò quyết định trong những biến cố vừa qua tại Ai Cập.
Lãnh đạo của Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri cũng khẳng định Mỹ là chủ mưu đứng sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Morsi, nhưng không đưa ra bằng chứng nào để biện dẫn cho cáo buộc trên.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, ngay sau khi nổ ra chính biến người ta đã đặt câu hỏi vì sao trong phản ứng của mình, Tổng thống Obama chỉ bày tỏ quan ngại về việc quân đội phế truất ông Morsi nhưng không hề dùng từ “đảo chính”. Điều đó nói lên sự ưu ái và mối quan hệ khăng khít của Mỹ từ lâu nay đối với giới quân nhân Ai Cập.
Ngay từ hững năm 1970 – 1981 dưới chính thể của Tổng thống Sadat, Mỹ đã đầu tư vào Ai Cập hàng tỉ USD, con số tăng dần từ 1,5 triệu USD hồi năm 1972, đến 370 triệu USD vào năm 1975 và 2,6 tỉ USD vào năm 1979. Từ năm 1980 đến nay, hằng năm, Washington luôn duy trì mức viện trợ từ 1,5 – 2,0 tỉ USD cho Cairo, nhưng chủ yếu cho viện trợ quân sự.
Mức viện trợ viện trợ quân sự của Mỹ cho Ai Cập tăng nhanh từ con số 0 trước năm 1982 lên 465 triệu USD vào năm 1983 - 1984. Và tăng vọt vào năm 1985, với mức hơn 1,0 tỉ USD mỗi năm và dần ổn định ở mức 1,3 đến 1,5 tỉ USD hằng năm cho đến nay.
Trong năm tài chính 2014, ông Obama đã yêu cầu viện trợ cho Ai Cập 1,55 tỉ USD, trong đó có 1,3 tỷ USD là viện trợ quân sự.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 2/7, ông Obama chỉ kêu gọi lực lượng quân đội Ai Cập hành động nhanh chóng trả lại quyền cho một chính phủ dân sự được bầu lên một cách dân chủ.
Ông cũng nói rằng ông đã chỉ thị cho “các bộ và các ngành” trong chính phủ liên bang đánh giá lại những tác động theo luật pháp Mỹ về những sự trợ giúp của Mỹ đối với chính phủ Ai Cập”.
Tương lai nào?
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay đối với chính phủ Ai Cập thời “hậu Mursi” là liệu Arập Xê út và UEA có giữ lời hứa tiếp tục hậu thuẫn tướng Al-Sisi và cung cấp những khoản tiền khổng lồ để vực dậy nền kinh tế Ai Cập? Mỹ có tiếp tục duy trì viện trợ quân sự cho quân đội Ai Cập hàng năm 1,3 tỉ USD?
Phong trào Huynh đệ Hồi giáo đến giờ không công nhận chính phủ Ai Cập lâm thời và chỉ ủng hộ ông Morsi là Tổng thống hợp hiến của Ai Cập.
Những thế lực hậu thuẫn cho quân đội Ai Cập hiện nay rất khó xử. Nếu kéo dài tình trạng đổ máu thì chính phủ tạm quyền đã phạm phải điều cấm kỵ là không bảo vệ được dân thường và LHQ buộc phải viện dẫn đến R2P (trách nhiệm bảo vệ), mà điều này lại trái với ý tưởng của cả Arập Xê út, UAE và Mỹ.
Những thế lực đứng sau cuộc chính biến ở Ai Cập dường như đã tự làm khó cho mình. Chỉ có người dân Ai Cập là “lĩnh đủ”. “Mùa xuân Ả Rập” giờ đây chưa thấy hoa hồng.
Nguyễn Nhâm