- "Văn phòng JICA hôm nay mất điện lần thứ 3 trong tuần, nhưng chúng tôi không biết than phiền với ai, nên tôi xin phép rời hội thảo sớm về giải quyết", Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam nói.

Câu chuyện thực tế của ông Mori Mutsuya đã khởi động cho 2 ngày hội thảo chia sẻ kinh nghiệm tổ chức chính quyền địa phương của Nhật Bản bắt đầu hôm nay (22/8).

Mong nhận được những lời khuyên từ Nhật Bản, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm VP Quốc hội, cũng nhận định: "Cuộc sống của nhân dân thịnh vượng, an toàn như thế nào phụ thuộc rất lớn vào việc thiết kế chính quyền địa phương. Mọi vấn đề trong cuộc sống hàng ngày, từ điện, nước, rác, giao thông, trật tự... đều gắn với chính quyền địa phương".

"Thực tế có khi đường phố ngập mà người dân không biết kêu ai, vì hệ thống chính quyền địa phương hiện nay đang trùng lặp chức năng từ trên xuống dưới, không biết ai chịu trách nhiệm việc gì", ông Dũng khẳng định nhu cầu cải cách chính quyền địa phương ở Việt Nam đã quá chín muồi.

{keywords}

Hội thảo được tổ chức với mục đích cung cấp thông tin cho ban soạn thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi khi viết chương Chính quyền địa phương, chương hết sức quan trọng mà đến kỳ họp QH tháng 5 vừa rồi, các ĐB vẫn chưa hài lòng vì nội dung sơ sài, chung chung.

TS Nguyễn Sĩ Dũng chỉ ra những băn khoăn lớn của Việt Nam: chọn mô hình nào trong các mô hình phổ biến trên thế giới về tổ chức chính quyền địa phương; phân chia chính quyền địa phương thành mấy cấp; phân quyền giữa trung ương và địa phương như thế nào; các bộ phận cấu thành chính quyền địa phương, cơ quan hành chính và cơ quan dân cử, quan hệ với nhau ra sao.

"Trả lời tất cả các câu hỏi trên cũng vẫn sẽ vô nghĩa nếu không trả lời được câu hỏi cuối này: làm thế nào xác định chế độ trách nhiệm của chính quyền địa phương trước nhân dân địa phương, chế độ khuyến khích để chính quyền địa phương phục vụ nhân dân địa phương.

Tự quản địa phương?

Một trong những vấn đề mà TS Nguyễn Sĩ Dũng đặt ra tại hội thảo: tự quản địa phương được coi là thành tựu lớn về dân chủ trên thế giới, Liên minh châu Âu thậm chí không kết nạp thành viên mới nếu chưa có tự chủ địa phương, vậy mà để có điều này ở Việt Nam là rất khó.

GS. Koda Masaharu, ĐH Chuo, đặc điểm lớn của chính quyền địa phương Nhật Bản là chế độ tự trị, được quy định trong Hiến pháp và luật Tự trị địa phương.

Chính quyền địa phương ở Nhật chia làm 2 cấp (đô - đạo - phủ - tỉnh và thành phố - thị trấn - làng), mỗi cấp có hội đồng và người đứng đầu cơ quan hành chính. Cả hai thiết chế này đều do người dân bầu cử trực tiếp.

"Tự trị địa phương được xây dựng dựa trên 'tự trị người dân' và 'tự trị tổ chức'. Theo đó, người dân bên cạnh mong muốn còn có trách nhiệm đối với nhu cầu hành chính địa phương. Còn chính quyền địa phương phải độc lập với chính quyền nhà nước, xử lý các công việc của địa phương trong phạm vi trách nhiệm, thông qua các cơ quan chính quyền địa phương", GS. Koda nói.

Theo luật pháp Nhật Bản, QH không thể ban hành luật đặc biệt áp dụng riêng cho một chính quyền địa phương nếu không nhận được hơn phân nửa phiếu đồng ý của người dân tại địa phương đó. Điều này cũng nhằm tránh lạm dụng quyền lập pháp của chính quyền địa phương.

Đặc biệt, Hiến pháp Nhật Bản còn đảm bảo quyền tham gia quản trị trực tiếp của người dân thông qua những hình thức như tập hợp chữ ký để đưa ý kiến về một điều luật hay chính sách, đề nghị bãi miễn quan chức hành chính hoặc thành viên hội đồng mà mình bầu...

"Vì những người được bầu mà có quá nhiều quyền lực cũng có thể có những hành động không có lợi cho dân, nên cần có một cơ chế kiểm soát", GS. Koda nói.

Luật Tự trị địa phương của Nhật có quan điểm xuyên suốt là những công việc hành chính gần với người dân thì giao cho chính quyền địa phương, chính quyền trung ương không can thiệp. Đây không phải phân cấp mà là phân quyền địa phương, và Nhật Bản vẫn đang tiếp tục cải cách để hoàn thiện.

Theo GS. Koda, tự trị người dân và tự trị tổ chức ở địa phương là 2 bánh của một chiếc xe, là một quan hệ dựa trên sự tin tưởng mật thiết giữa người dân và chính quyền địa phương.

Điểm mạnh của quản trị địa phương Nhật Bản là tính dân chủ, tương tác, hỗ trợ được đảm bảo thông qua bầu cử trực tiếp và cơ chế kiềm chế lẫn nhau. Song, điểm yếu là trong trường hợp người đứng đầu và hội đồng đối lập thì có thể rơi vào tình trạng không đảm bảo chức năng.

Chung Hoàng