Cả hai cùng lên kế hoạch cho một cuộc xung đột mà họ luôn hy vọng có thể tránh được. Nỗi ám ảnh về ngày tận thế kinh tế làm cho cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ dường như là điều không thể tưởng tượng nổi, giống như ngày tận thế hạt nhân của cuộc chiến Xô - Mỹ.


{keywords}
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: AP

Trong thực tế, các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc và Mỹ đều đang suy nghĩ một cách chi tiết về những gì họ sẽ làm, và làm thế nào để chiến thắng trong một cuộc xung đột như thế. Vấn đề ở chỗ, hai cường quốc đang cố tìm mọi lý do để né tránh chiến tranh.

Từng trải qua sự bất lực và hổ thẹn khi hai tàu sân bay Mỹ xuất hiện trong cuộc khủng hoảng Đài Loan năm 1996, quân đội Trung Quốc (PLA) kết luận, cách tốt nhất thoát khỏi hổ thẹn là tấn công phủ đầu, trước khi họ bị Mỹ động tới. Trong khi không tìm kiếm chiến tranh, thì người Trung Quốc vẫn lo ngại về sức mạnh quân sự Mỹ sẽ chiếm ưu thế. Bởi vậy, họ soạn thảo các kế hoạch và thúc đẩy mọi khả năng để vô hiệu hoá tàu sân bay Mỹ, mạng lưới chỉ huy và kiểm soát, thiết bị vệ tinh cảnh báo sớm.

Trung Quốc giờ đây đã có sức mạnh kinh tế và công nghệ như kế hoạch ấy đòi hỏi, và nó cũng là ưu tiên quốc phòng hàng đầu của nước này. PLA đang phát triển hàng loạt tên lửa (kể cả sát thủ tàu sân bay), các tàu ngầm khó phát hiện, bộ cảm biến tầm xa để lần theo dấu và nhằm mục tiêu vào lực lượng Mỹ, vũ khí chống vệ tinh, mạng lưới công nghệ số để phối hợp tấn công và các vũ khí chiến tranh ảo làm tê liệt các mạng lưới Mỹ. Khi Lầu Năm Góc đưa ra chiến lược “trục xoay châu Á” vào năm ngoái, họ xác định rõ ràng rằng, các khả năng ấy của Trung Quốc là tâm điểm tập trung của quân đội Mỹ.

Bảo vệ lực lượng chống lại những khả năng của Trung Quốc là rất khó khăn và tốn kém, các chiến lược gia của Lầu Năm Góc đưa ra ý tưởng chiến tranh mới (gọi là Tác chiến Không Hải) nhằm làm tê liệt những lực lượng như bệ phóng tên lửa, căn cứ không quân, bến tàu ngầm và các trung tâm chỉ huy, kiểm soát - trước khi chúng có thể phát huy tác dụng. Dù không nói ra, nhưng hầu hết các mục tiêu này đều ở Trung Quốc. Cũng như kế hoạch chiến tranh của Trung Quốc, ý tưởng Mỹ là để tác chiến tốc độ, nhanh chóng, ít cảnh báo.

Cả Trung Quốc và Mỹ đều lập kế hoạch đối phó với "cuộc khủng hoảng bất ổn", trong đó nhấn mạnh cái giá phải trả nếu không tấn công phủ đầu. Mỗi bên dường như nắm rõ tư duy của phía còn lại và vì thế làm mọi cách để khuyến khích việc ra tay trước nếu chiến tranh bùng nổ. Tuy nhiên, các tướng lĩnh hay đô đốc không phải là người ra quyết định chiến tranh; lãnh đạo cao nhất làm việc đó. Và các nhà lãnh đạo chính trị của hai bên đều cố gắng giảm thiểu căng thẳng và không muốn hạ lệnh tấn công phủ đầu trước.

Ở đây, một số sự cố có thể gây ra khủng hoảng: Trung Quốc quấy nhiễu các tàu Nhật Bản ở Hoa Đông khiến Mỹ phải biểu dương lực lượng để hỗ trợ đồng minh; Hải quân Mỹ có thể phản đối một nỗ lực của Trung Quốc do hạn chế tự do đi lại ở Biển Đông; bất ổn tại Triều Tiên khiến cả Trung Quốc và Mỹ cân nhắc can thiệp; Trung Quốc có thể tranh cãi về sự hiện diện của tàu chiến, máy bay Mỹ với cáo buộc "rình mò" bờ biển của họ...Trong những tình huống này, một sự cố hay hiểu lầm có thể biến những tư duy logic tránh chiến tranh thành logic tránh thất bại.

PLA giờ đây đang có tiếng nói mạnh mẽ ở những quyết định chiến tranh và hòa bình và có xu hướng nắm bắt cơ hội để thể hiện rằng, Trung Quốc không để xung quanh gây sức ép - bằng chứng là những hoạt động hăm dọa gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông. Nếu xảy ra khủng hoảng, các nhà lãnh đạo quân sự Trung Quốc sẽ khuyên giới lãnh đạo chính trị rằng, lực lượng Mỹ sẵn sàng cho cuộc chiến, và cơ hội duy nhất của Trung Quốc để tránh thất bại là tấn công phủ đầu thì liệu Bắc Kinh có nói 'không'?

Và nếu cùng lúc đó, cả Tham mưu trưởng hội đồng liên quân, Tư lệnh bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ cùng kiến nghị với tổng thống rằng, người Trung Quốc đang hướng tới một cuộc tấn công phủ đầu trừ khi Mỹ hành động nhanh chóng thì liệu Washington có thể mạo hiểm để mất các tàu sân bay, căn cứ, quân đội và sự tín nhiệm bằng cách hoãn binh chờ đợi?

Nghĩa là, một cuộc chiến giữa hai bên không chắc sẽ xảy ra, nhưng cũng không phải là bất hợp lý

Thái An (theo Latimes)