- Nếu Hiến pháp sửa đổi không quy định một cửa mở thì rất khó mở đường cho các mô hình chính quyền mới - Hiệu trưởng ĐH Luật TP.HCM Mai Hồng Quỳ nhận định.

Ngày 28/8, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp tổ chức tại TP.HCM tọa đàm tiếp thu, chỉnh lý chế định chính quyền địa phương trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

{keywords}
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và các đại biểu giờ giải lao buổi tọa đàm

HĐND là cơ quan quyền lực hay đại diện?

Bà Mai Hồng Quỳ trăn trở trước câu hỏi, các cơ quan của chính quyền địa phương (trong đó có HĐND) là cơ quan quyền lực nhà nước hay cơ quan đại diện cho người dân?

“Chúng tôi cho rằng, các cơ quan của chính quyền địa phương phải là cơ quan đại diện để thực hiện quyền lực của nhân dân. Nếu khẳng định đó là cơ quan quyền lực nhưng quyền lực mà không đại diện cho ý chí của người dân thì quyền lực đó để mà làm gì”, bà Quỳ nói.

Về phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ, bà đề nghị, phải có phần mở trong các phương án của chương Chính quyền địa phương.

“Các phương án hiện nay có hạn chế nếu như chúng ta qui định một cách cứng không có biên độ nào cả. Chúng ta qui định phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ thành tỉnh và các TP trực thuộc TƯ và các cấp sau đó mà không mở ra một biên độ thì rất khó mở đường cho các mô hình chính quyền mới”, bà Quỳ lý giải.

Bà lấy ví dụ từ mô hình chính quyền đô thị ở TP.HCM và đi đến nhận định, “nếu Hiến pháp lần này không được sửa, không qui định một cửa mở thì mô hình ở TP.HCM rất khó có khả thi vì về sau lại đụng vào Hiến pháp, đụng vào các văn bản”.

Do đó, bà Quỳ đề nghị, Hiến pháp nên phân định rõ việc phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ và mô hình tổ chức chính quyền ở các đơn vị hành chính lãnh thổ là hai vấn đề liên hệ chặt chẽ với nhau nhưng không đồng nhất với nhau.

“Hiến pháp chỉ nên qui định những vấn đề mang tính nguyên tắc, còn tất cả những vấn đề chi tiết, về tiêu chí thành lập, tiêu chí xác nhập, tiêu chí để đưa ra các mô hình mới ta nên để luật qui định. Khi đó, sẽ dễ dàng giải quyết các vấn đề mà mô hình của TP.HCM hay các tỉnh thành khác đang gặp phải”, bà Quỳ nhận định.

Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch cũng khẳng định, việc phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ không nhất thiết phải “cứng” mà nên “mềm”.

3 cấp hay 2?

Chia đơn vị hành chính thành 3 cấp hay 2 cấp (tỉnh và cơ sở) cũng là nội dung được các đại biểu tranh luận nhiều.

Ông Trần Du Lịch nhận định, đây là vấn đề cần đổi mới căn bản tổ chức nền hành chính quốc gia nên cần thống nhất quan điểm tổ chức chính quyền địa phương chỉ 2 cấp với cơ chế phân quyền, tự chủ, tự chịu trách nhiệm một cách minh bạch.

“Chính quyền 2 cấp sẽ xóa được tình trạng dân chủ hình thức, đảm bảo được tính chất chính quyền của dân, do dân và vì dân. 2 cấp cũng sẽ tinh gọn bộ máy hành chính, tạo điều kiện để cải thiện tiền lương cho cán bộ, công chức”, ông Lịch lý giải.

Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, tổ chức 3 cấp hay 2 cấp phụ thuộc vào quan niệm của ta. “Chúng ta muốn xã hội lớn và nhà nước nhỏ thì có 2 cấp, còn nếu muốn chính quyền can hiệp nhiều hơn thì có 3 cấp. Hầu hết các nước trên thế giới đều 2 cấp gồm cấp tỉnh ở trên và dưới là cấp cơ sở”, ông Dũng nói.

Còn theo Bí thư tỉnh Quảng Ninh Phạm Minh Chính, mô hình chính quyền ở đô thị nên là chính quyền 2 cấp, ở nông thôn 3 cấp. Các đơn vị hành chính ở hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thì nên theo mô hình chính quyền 1 cấp và không tổ chức HĐND.

2 phương án cho TP.HCM

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho hay, chính quyền địa phương là một trong những nội dung quan trọng và khó nhất trong sửa Hiến pháp 1992.

Theo ông, việc nghiên cứu chế định chính quyền địa phương phải đảm bảo gắn kết giữa chính quyền với cơ sở và nhân dân, sao cho gần dân hơn, hiểu dân hơn và qua bộ máy nhà nước, người dân thể hiện được quyền làm chủ của mình.

Do đó, ông Hùng đề nghị Ban biên tập sửa đổi Hiến pháp 1992 tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để soạn lại.

Riêng đối với mô hình chính quyền đô thị ở TP.HCM, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, có 2 phương án cho TP.HCM lựa chọn: Hoặc quận vẫn tổ chức HĐND, phường bỏ hoặc quận - phường không tổ chức HĐND thì huyện và xã phải tổ chức “vì ở đây đang nông thôn thật và chưa biết bao giờ mới đô thị hóa”.

Theo ông Hùng, thành công hay không là ở việc phân cấp quyền hạn, trách nhiệm và tổ chức quản lý của TP. Vì thế, TP.HCM nên tập trung vào vấn đề phân cấp chức năng, quyền hạn rộng hơn, tổ chức lại bộ máy sao cho hiệu lực, hiệu quả và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Tá Lâm