"Châu bản triều Nguyễn" - bộ tài liệu thể hiện các hoạt động quản lý nhà nước của toàn bộ hệ thống chính quyền của triều Nguyễn - sẽ được trình UNESCO xem xét công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới của tổ chức này.

Để đảm bảo chất lượng hồ sơ Châu bản triều Nguyễn đáp ứng các tiêu chí về di sản tư liệu của UNESCO, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã phối hợp với Hội Khoa học lịch sử tổ chức hội thảo khoa học “Châu bản triều Nguyễn - tiềm năng di sản tư liệu” ngày 30/8 tại Hà Nội.

Vô giá

Châu bản triều Nguyễn là một loại văn bản hành chính của các vương triều phong kiến Việt Nam dưới thời các vua nhà Nguyễn. Trên nhiều văn bản này còn lưu lại các dấu tích bút phê của nhà vua bằng son đỏ.

{keywords}
GS Phan Huy Lê: Châu bản có đầy đủ tiêu chí báu vật quốc gia

Theo GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, số lượng châu bản triều Nguyễn được sắp xếp thành 735 tập với hàng ngàn đơn vị văn bản gốc, nhưng trong chiến tranh do điều kiện phương tiện bảo quản không đủ nên nhiều châu bản bị thất lạc, hư hỏng ở mức độ khác nhau.

Ông nhấn mạnh, đây là văn bản chính quy, phản ánh trung thực tình hình xã hội đất nước, quan hệ bên trong và quan hệ bang giao với các nước trong khu vực của triều Nguyễn. Có thể nói là độc bản, một châu bản vô giá, không phải thuộc loại ‘quý hiếm’ mà là “duy nhất” trong các văn bản của các vương triều để lại cho thế hệ ngày nay.

Theo bản tham luận ‘Châu bản triều Nguyễn - Những giá trị sử liệu độc đáo vô giá” của thạc sĩ Nguyễn Văn Kết (Tạp chí văn thư - lưu trữ Việt Nam), khối tài liệu hành chính này được tạo lập trong suốt 143 năm tồn tại, có tính xác thực cao, thể hiện các hoạt động quản lý nhà nước rõ ràng, cụ thể của toàn bộ hệ thống chính quyền của triều Nguyễn.

Đặc biệt, qua khối tài liệu này, các hoạt động quản lý nhà nước với tư cách một quốc gia biển được thể hiện rất có trách nhiệm, theo đúng tập quán quốc tế.

Theo nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Phan Thuận An, khi tìm hiểu về tính xác thực của châu bản triều Nguyễn qua phương thức làm việc của văn phòng nhà vua thì tư liệu gốc này đã thực hiện một cách bài bản theo một phương thức làm việc chặt chẽ, có sự liên đới chịu trách nhiệm giữa Vua với các trực thần ở nội các.

{keywords}

PGS.TS Vũ Thị Phụng, Đại học KHXH&NV nhấn mạnh, những quy định cụ thể và khoa học trong hệ thống pháp luật hành chính Nguyễn về loại hình, công dụng, thể thức, văn phong… của văn bản hành chính đã góp phần đảm bảo giá trị pháp lý và độ tin cậy cao cho các thông tin có trong văn bản.

Hoàng Sa, Trường Sa trong châu bản

Trong châu bản, nhiều nội dung liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đó là việc hàng năm, nhà Nguyễn đều cử người ra Hoàng Sa khảo sát, đo đạc và vẽ bản đồ.

Châu bản triều Nguyễn ngày 21 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) có nội dung: Bộ Công tâu trình đoàn đi khảo sát Hoàng Sa lần này có Đỗ Mậu Thưởng, Thị vệ Lê Trọng Bá là người của Bộ. Đoàn khảo sát được 25 đảo thuộc vùng thứ 3, vẽ được 4 bản đồ mang về (có 3 bức vẽ riêng từng vùng, một bức vẽ chung). Bộ Công tâu xin cho họ chỉnh sửa hoàn thiện để dâng trình.

Hay tới việc nhà Nguyễn thưởng, phạt việc thực thi công vụ ở Hoàng Sa và nhà Nguyễn cứu hộ tại Hoàng Sa, Trường Sa cho thấy cùng với nhiều căn cứ pháp lý khác, tài liệu lưu trữ châu bản triều Nguyễn thực sự là một căn cứ vô cùng quan trọng khẳng định vương triều Nguyễn đã có chủ quyền rõ ràng với hai quần đảo này.

Theo GS Phan Huy Lê, do các tài liệu hầu hết đều được sinh ra đồng thời với các sự kiện lịch sử nên phản ánh khách quan, chân thực sự kiện nên đây như là một "báu vật quốc gia".

“Tôi tin rằng châu bản có đầy đủ tiêu chí báu vật quốc gia và chúng ta sẽ hoàn thiện, nghiên cứu để xây dựng hồ sơ gửi vào mục di sản tài liệu thế giới”, ông chia sẻ.

Hồng Nhì