- Được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đặt hàng đề án bộ chỉ số và phương pháp đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Kế hoạch - Đầu tư vận dụng quan điểm của nhà quản trị học danh tiếng Michael Porter.

Lúng túng làm cái riêng

TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) thuộc Bộ KH-ĐT, cơ quan được giao soạn thảo đề án, cho biết quan điểm của Porter được áp dụng phổ biến trên thế giới.

Porter nhìn nhận năng lực cạnh tranh của một quốc gia gồm các yếu tố lợi thế tự nhiên (tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý), năng lực cạnh tranh vĩ mô (thể chế, chính sách) và vi mô (doanh nghiệp, các ngành kinh tế, môi trường kinh doanh).

Dựa trên quan điểm này, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) chia các quốc gia thành 3 giai đoạn phát triển: các nền kinh tế dựa trên các yếu tố sản xuất sẵn có, các nền kinh tế lấy hiệu quả là động lực phát triển và các nền kinh tế lấy đổi mới, sáng tạo là động lực.

{keywords}
Ông Lê Đăng Doanh: Không nên tốn kém tự đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia. Ảnh: Chung Hoàng

TS. Nguyễn Đình Cung cho biết Việt Nam đang ở giai đoạn 1 - nền kinh tế được thúc đẩy bởi các lợi thế sẵn có như lao động rẻ, thị trường lớn, giá bán thấp. Việc duy trì năng lực cạnh tranh chủ yếu xoay quanh cải cách thể chế, cải thiện hạ tầng, ổn định kinh tế vĩ mô và nguồn nhân lực trình độ phổ thông.

Đặc trưng của nền kinh tế giai đoạn 1 là thu nhập đầu người không quá 2000USD và dựa nhiều vào tài nguyên khoáng sản.

Theo ông Cung, chủ trương tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, với mục tiêu chuyển nền kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, là hướng đúng để đưa Việt Nam bước sang giai đoạn 2.

“Lựa chọn 3 khâu đột phá gồm cải cách thể chế, phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là hợp lý”, ông Cung nói. “Nhưng nói nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu vì chưa đo lường được mức độ đột phá”.

Theo báo cáo xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu giai đoạn 2013-2014 vừa được WEF công bố hôm nay (4/9), Việt Nam xếp thứ 70, tăng 5 bậc so với năm ngoái.

Báo cáo đối với 148 nền kinh tế toàn cầu này được coi là bảng xếp hạng uy tín nhất. Thực tế, đến nay chưa có quốc gia nào xây dựng bộ chỉ số riêng, mà dựa vào các tiêu chí quốc tế để tìm cách cải thiện những hạn chế của mình.

Do đó, TS. Nguyễn Đình Cung thừa nhận “lúng túng” với đặt hàng của Chính phủ. Trước mắt, CIEM đưa ra phương án tập trung đánh giá, phân tích và khuyến nghị với 6 trụ cột của nền kinh tế giai đoạn 2, để phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam.

Các trụ cột này gồm giáo dục đào tạo bậc cao, thị trường hàng hóa, thị trường lao động, thị trường tài chính, quy mô thị trường và mức độ sẵn sàng về công nghệ.

Làm ra rồi “xịt”?

Ủng hộ phương án này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM thấy “không nên rỗi hơi và tốn kém xây dựng một một bộ chỉ số và phương pháp đánh giá riêng”.

{keywords}
Bà Phạm Chi Lan: Giá như ngày đó ta tiếp thu một vài điểm... Ảnh: Chung Hoàng

Song điều ông Doanh băn khoăn là “làm báo cáo rồi có thể biến kết quả thành thay đổi chính sách không”.

“Năm 2010, GS. Michael Porter đến Việt Nam, đã đưa ra nhiều khuyến nghị trực tiếp. Báo chí thời điểm đó đưa tin ồ ạt, nhưng chính sách của ta chạy theo hướng hoàn toàn khác, Việt Nam liên tục tụt hạng về năng lực cạnh tranh”, ông Lê Đăng Doanh chỉ ra.

“Ông Porter không hài lòng khi thấy khắp nơi các dự án xây dựng, thì sau đó hàng tỷ đồng chảy vào bất động sản. Ông ấy khuyên bớt dựa vào các lợi thế tự nhiên, thì ta kéo nhau khai thác khoáng sản, phá rừng...”

Thấy ý kiến của cha đẻ thuyết cạnh tranh còn “xịt”, nguyên Viện trưởng CIEM lo lắng cho số phận của báo cáo được đặt hàng này: “Báo cáo này sẽ nặng cân bao nhiêu?”

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đồng tình không nên lãng phí những sản phẩm đã có.

Dù có ý kiến rằng thế giới vẫn nhìn nhận trái chiều về quan điểm của Michael Porter, bà Phạm Chi Lan nhận định những khuyến nghị của ông năm 2010 là có giá trị thực tiễn.

“Giá như ngày đó ta tiếp thu một vài điểm thì nền kinh tế có lẽ sẽ không khó khăn, ngành nào cũng đi xuống như hiện nay”.

Chung Hoàng

Loạt bài Cha đẻ thuyết cạnh tranh đến Việt Nam năm 2010:

GS.Michael Porter: Tư nhân phải là khu vực dẫn đầu nền kinh tế
Việt Nam cần nhắm tới tính cạnh tranh dài hạn

Bắt chước Trung Quốc, Việt Nam sẽ không thể thành công
Cảnh báo về những "cái bẫy" trong cạnh tranh