- Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết do đề án mã số định danh công dân mà Bộ tâm đắc liên quan nhiều đến ứng dụng toán cao cấp, Bộ đã liên hệ với GS. Ngô Bảo Châu.

Sự tham gia của người làm chuyên môn sẽ góp phần vào hiệu quả của đề án, qua đó có thể thuyết phục được QH và nhân dân, Bộ trưởng Cường lạc quan.

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan giải thích thêm: Việc cấp mã số định danh là ngẫu nhiên, dựa trên những thuật toán tinh vi phức tạp mà người làm hành chính đơn thuần không thể nắm hết. Do đó cần sự phản biện của những người có chuyên môn và trình độ về toán học.

Ông Phan cho biết, khi nhận được đề nghị, GS. Ngô Bảo Châu cũng như giới toán học đều bày tỏ tinh thần sẵn sàng hợp tác.

{keywords}
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tiên lượng tất cả các khả năng để sử dụng tiền vốn và công sức cán bộ phù hợp. Ảnh: Chung Hoàng

Chưa biết có thể bớt giấy tờ gì

Bàn những bước đầu tiên triển khai Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020 hôm nay (6/9), Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường không ngại nhắc lại việc bị Thường vụ QH "phê" khi xem xét dự thảo luật Hộ tịch, trong đó mã số định danh là một nội dung, tại phiên họp tháng 8 vừa rồi.

Thường vụ QH muốn đề án này làm rõ "khi có mã số định danh thì giảm được bao nhiêu giấy tờ mà công dân phải mang theo". Vì chưa trả lời được, ông Cường bị Chủ tịch QH "nặng lời" là "giấy gì cũng giữ mà bảo cải cách hành chính cho dân".

Bộ trưởng Tư pháp cho biết chưa có câu trả lời là vì từ nay đến cuối năm mới rà soát xong: "Đến khi đó mới hình dung được có thể cắt giảm loại giấy tờ nào".

Bên cạnh đó, Thường vụ QH cũng băn khoăn việc sử dụng ngân sách hiệu quả trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay: Dự kiến cần đến 3.500 tỷ đồng đầu tư mà chưa rõ hiệu quả, chưa kể theo "thông lệ" các dự án ở nước ta, khi hoàn thành thường đội vốn lên gấp đôi.

Theo Bộ trưởng Tư pháp, để đạt mục tiêu mỗi công dân có một mã số định danh cá nhân vào năm 2020, điều kiện tiên quyết là có một cơ sở dữ liệu dân cư hoàn chỉnh và cập nhật.

"Cơ sở dữ liệu cho toàn quốc chưa có, nhưng nhiều địa phương như Đà Nẵng, Hải Phòng... đã tiên phong hoặc làm thí điểm. Nếu không sớm làm tập trung cả nước thì vốn đầu tư tiếp tục bị phân tán, sau này lại chắp vá thì còn tốn kém hơn", ông Cường nói.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cũng nhận định: Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội, Ngân hàng Nhà nước... từ nhiều năm nay đã đầu tư rất nhiều tiền xây dựng cơ sở dữ liệu, "bật lên là có hết".

Ông Trung kiến nghị sớm đánh giá thực trạng các cơ sở dữ liệu ngành này, đối chiếu với những mục tiêu của đề án, xem thiếu gì, thừa gì, để không lãng phí.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý bài học của đề án 112, yêu cầu các cơ quan tham gia đề án lần này "tiên lượng tất cả các khả năng để sử dụng tiền vốn và công sức cán bộ phù hợp".

Ông Phúc yêu cầu rà soát các việc đã triển khai ở bộ, ngành, địa phương, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, chọn mô hình phù hợp để áp dụng vào Việt Nam.

"Ta không làm mới hoàn toàn cơ sở dữ liệu, mà nghiên cứu sử dụng những hạ tầng đã có để tiết kiệm, tránh lãng phí, chồng lấn", Phó Thủ tướng nói. "Đây là việc quốc gia đại sự, việc triển khai thành công đề án này sẽ quyết định sự thành công của mục tiêu tổng thể cải cách hành chính".

Chung Hoàng