- Tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình, Hà Nội tháng 6 vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Ban chấp hành TƯ sẽ lấy phiếu tín nhiệm từ Tổng bí thư trở xuống. Đây chính là một bước tiến về dân chủ trong Đảng.

Việc đánh giá cán bộ không phải bây giờ chúng ta mới làm. Phê và tự phê trong Đảng là một hình thức đánh giá. Tuy nhiên lần này chúng ta làm công khai và có hệ thống theo tình thần nghị quyết TƯ 4. Tiếp theo việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội, việc lấy phiếu tín nhiệm những cán bộ chủ chốt của Đảng là việc làm cần thiết trong điều kiện hiện nay của Đảng. Tổ chức đảng hoàn thành nhiệm vụ tức là những cá nhân cụ thể hoàn thành nhiệm vụ và ngược lại.

{keywords}
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình, Hà Nội ngày 28/6. Ảnh: Minh Thăng

Dư luận cho rằng quan liêu, tham nhũng trong Đảng ngày càng trầm trọng. Đảng ta cũng đánh giá nguy cơ tham nhũng đe dọa sự tồn vong của Đảng Trong lần triển khai nghị quyết TƯ 4 vừa qua, bước đầu Đảng đã thực hành công khai dân chủ trong việc đánh giá cán bộ chủ chốt. Việc lấy phiếu tín nhiệm là bước tiếp theo của việc thực hiện Nghị quyết TƯ.

Tuy nhiên vẫn có người băn khoăn cho rằng nếu việc lấy phiếu tín nhiệm rơi vào hình thức, không phản ánh đúng thực chất phẩm chất, năng lực lãnh đạo, điều hành của những cán bộ trong cơ quan quyền lực cao nhất sẽ tạo nên tiền lệ không tốt đối với lòng tin của người dân.

Sau khi QH và HĐND các cấp lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, dư luận cho rằng việc thiết kế các mức như vậy là an toàn, không có cán bộ nào quá 50% tín nhiệm thấp. Người cao nhất cũng chỉ ở khoảng 40%.

Nói như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đây là bỏ phiếu tín nhiệm lần đầu và việc làm thận trọng cũng là điều dễ hiểu, “cái gì chưa phù hợp với thực tiễn thì cần có sự đánh giá và rút kinh nghiệm”.

Khi đưa ra chủ trương bỏ phiếu, quần chúng rất tin tưởng. Thực tế vừa qua ở nhiều lĩnh vực còn để xảy ra tham nhũng, thất thoát. Mà những vụ việc này có địa chỉ cụ thể. Người dân muốn những ai chưa hoàn thành nhiệm vụ phải được chỉ ra và cần có biện pháp xử lý.

Lần này bỏ phiếu trong Đảng, đảng viên và quần chúng cũng rất kỳ vọng. Đó cũng là đòi hỏi từ thực tiễn. Bỏ phiếu đánh giá đúng mới thúc đẩy sự phát triển.

Bỏ phiếu trước hết phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ, vị trí công tác được phân công. Từ đấy đối chiếu gắn với tình hình thực tế đang diễn ra như kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống nhân dân, quốc phòng an ninh... đã thể hiện năng lực của người đó ở mức độ nào so với chức trách, nhiệm vụ được giao.

Tình hình đất nước vừa qua, tình hình nhiệm vụ các bộ ngành người dân bây giờ đều nắm bắt được. Nói hoàn thành nhiệm vụ nhưng bộ ngành đó nhiều thiếu sót khuyết điểm thì cá nhân đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Đảng lãnh đạo bằng chủ trương nghị quyết nhưng Đảng cũng cử những cán bộ chủ chốt của Đảng lãnh đạo phụ trách ở những lĩnh vực cụ thể. Nói Quốc hội, Chính phủ làm tốt tức là các cá nhân được Đảng phân công phụ trách ở những lĩnh vực đó tốt và ngược lại. Một địa phương có nhiều sai phạm tiêu cực trước hết Bí thư ở đó phải chịu trách nhiệm trước Đảng.

Mỗi đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm ở những chức danh khác nhau, tính chất công việc đánh giá hoàn toàn khác nhau và mức độ tín nhiệm sẽ khác nhau. Thông tin từ bản báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm cộng với thông tin từ dư luận xã hội là cơ sở để bỏ phiếu. Tuy nhiên để đạt đến độ chuẩn mực, chính xác tương đối, cần sàng lọc thông tin về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm.

Như vậy việc đánh giá từng cá nhân cụ thể là phải căn cứ chức trách nhiệm vụ cụ thể. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm công việc mà Đảng phân công cho mình.

Đất nước trong những năm vừa qua sự phát triển dường như chững lại, cụ thể nhất là GDP, nhiều sai phạm diễn ra.

Về khách quan, tình hình kinh tế thế giới vừa qua nhiều biến động do cuộc khủng hoảng kéo dài. Nhưng ta không vin cớ vào đó để che giấu những yếu kém, khuyết điểm. Đảng lãnh đạo phải chịu trách nhiệm trước dân về điều đó, những nhân sự được Đảng phân công phải chịu trách nhiệm trước Đảng chứ không thể đổ lỗi chung chung. Đảng cần công khai kết quả phiếu tín nhiệm cho toàn dân biết.

Nếu sau cuộc lấy phiếu, Đảng đánh giá đúng từng con người cụ thể, từng lĩnh vực cụ thể mà người đó đảm nhiệm thì sẽ tạo được uy tín của Đảng, tạo được lòng tin của đảng viên và quần chúng.

Đảng lãnh đạo không chỉ bó gọn trong công việc của Đảng. Đảng lãnh đạo đất nước thì mỗi việc làm của Đảng đều tác động đến đất nước.

Nguyễn Đăng Tấn