- Dự thảo luật sửa đổi cân nhắc việc giải quyết ly thân như cách giải quyết văn minh hôn nhân, bảo vệ quyền lợi phụ nữ, trẻ em, song không ép buộc, mà chỉ giải quyết dựa trên nhu cầu.

Một trong những nội dung có ý kiến khác nhau tại phiên họp chiều 10/9 của UBTVQH liên quan dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 là ly thân.

Dự thảo lần đầu tiên đề cập những quy định về ly thân để đáp ứng những "những nguyện vọng chính đáng" vốn có trong xã hội chưa thể thực hiện do chưa có luật định liên quan.

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho hay: "Ly thân là vấn đề thực tiễn ở Việt Nam. Pháp luật không thể né tránh thực tiễn và nhu cầu này của người dân, đặc biệt trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em'".

{keywords}
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: Pháp luật không thể né tránh thực tiễn ly thân trong đời sống. Ảnh: Minh Thăng

Theo Bộ trưởng, trong thực tế, khi cần ly thân, người dân có thể có nguyện vọng lựa chọn ly thân thực tế hoặc ly thân pháp lý, nếu thấy việc ly thân pháp lý mang lại lợi ích cho mình thì họ mong muốn có sự công nhận của Nhà nước và pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật chưa quy định về ly thân cho nên nguyện vọng chính đáng đó không thực hiện được.

Tuy nhiên, ông khẳng định, việc quy định về ly thân trong luật Hôn nhân và gia đình không đồng nghĩa với việc bắt buộc các cặp vợ chồng muốn ly thân thì phải giải quyết theo quy định của luật này mà chỉ áp dụng khi họ yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo nguyện vọng.

'Luật quy định để đưa ra sự lựa chọn. Nếu họ chọn giải quyết theo quy định của luật thì văn minh hơn, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em tốt hơn. Nếu họ không lựa chọn thì thôi, không có gì cản trở cả" - Bộ trưởng nói.

'Hôn nhân treo'

Một trong luồng ý kiến mà cơ quan thẩm tra dự luật ghi nhận, đó là nên cân nhắc việc bổ sung chế định ly thân vào dự thảo luật vì chưa đủ căn cứ thực tế. Dù ly thân là một hiện tượng xã hội đã tồn tại từ lâu, nhưng với đặc điểm văn hóa Việt Nam, rất ít người muốn công khai tình trạng này. Vì vậy, cần có những nghiên cứu, khảo sát đầy đủ hơn, thu thập số liệu và phân tích, đánh giá.

Mặt khác, ly thân là sự thỏa thuận mang tính riêng tư của hai vợ chồng, vì vậy không cần thiết phải có sự can thiệp của Tòa án. Nếu cần giải quyết vấn đề tài sản thì dự thảo luật đã có quy định về chế độ chia tài sản chung và quyền không nhập tài sản riêng vào tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Hơn nữa, còn có những lo ngại việc lợi dụng ly thân, biến ly thân thành “hôn nhân treo” mà đối tượng chịu thiệt thòi thường là phụ nữ và trẻ em.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng nên cân nhắc chưa đưa vào luật do không thích hợp văn hóa phương Đông và nên coi ly thân là thử thách bình thường của cuộc sống. 

Phó Chánh án TANDTC Tưởng Duy Lượng muốn làm rõ mục đích của luật pháp tham gia giải quyết ly thân có được hiểu đúng nghĩa tốt theo ý củng cố hôn nhân hay khuyến khích tư duy nhận thức đổi mới đời sống vợ chồng?

Tuy nhiên, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội - cơ quan thẩm tra cho hay, việc bổ sung quy định này không ảnh hưởng đến quyết định việc ly thân được xem là quyết định riêng của vợ chồng và quyền lựa chọn của họ trong việc yêu cầu hoặc không yêu cầu cơ quan nhà nước công nhận.

Tuy nhiên, theo bà Mai, cơ quan soạn thảo cần làm rõ thêm căn cứ thực tiễn của việc quy định ly thân, thủ tục giải quyết yêu cầu ly thân, tính phù hợp của quy định “khi ly thân chấm dứt thì việc chia tài sản khi ly thân vẫn có hiệu lực”, việc thụ lý và giải quyết của Tòa án trong trường hợp một bên có yêu cầu ly hôn và bên kia có yêu cầu ly thân, con được sinh ra trong thời kỳ ly thân… Luật cũng phải dự liệu trường hợp lợi dụng quy định này để trốn tránh nghĩa vụ chung của vợ, chồng.

Ngoài ra, cần làm rõ nội hàm của quy định vợ chồng “có nghĩa vụ sống chung với nhau”. Nếu chưa có các tiêu chí xác định thế nào là sống chung thì khó có căn cứ để xác nhận tình trạng ly thân và quy định chế tài nếu không thực hiện nghĩa vụ liên quan.

Linh Thư