- Nhiều DN lâm vào tình trạng phá sản nhưng không thể mở được thủ tục giải quyết phá sản, giống tình trạng “chết chưa chôn được”, đặt ra yêu cầu bức thiết sửa luật.

Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu tại phiên họp sáng 13/9 của UBTVQH về dự án luật Phá sản (sửa đổi). Ông thắc mắc tiêu chí xác định DN lâm vào tình trạng phá sản như dự thảo luật nêu. Đó là khi “không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn từ 200 triệu trở lên trong 3 tháng”.

Phó Chủ tịch cho hay, quy mô DN rất khác nhau, có DN vốn hàng tỷ đồng, nhưng có DN chỉ vài trăm triệu. Người lao động đến thời hạn nhận lương từ DN nhưng không được thanh toán cũng là chỉ dấu cho thấy DN lâm vào tình trạng khó khăn.

{keywords}
Ảnh minh họa: Minh Thăng

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đặt câu hỏi nếu thực hiện đúng tiêu chí thì số DN phá sản sẽ nhiều lên?

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng tiêu chí trên đồng nghĩa xác định quy mô DN. Như thế “đá quả bóng” về phía tòa án, chỉ có lợi cho cơ quan tòa án, không có lợi cho thực tiễn DN.

“Nếu chiểu theo tiêu chí xác định như dự thảo luật thì 90% DN hiện nay phá sản. Định nghĩa này nên bỏ, DN không làm ăn thanh toán được thì coi như phá sản, chứ không phải đưa ra một mức không hợp lý thực tiễn. Đề nghị thận trọng” - ông Hiển phát biểu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho hay, việc đưa ra tiêu chí cần phải xác định kỹ lưỡng, bởi nhiều khi tính toán cho phá sản còn phải bảo vệ quyền lợi của công nhân, lao động, trật tự an toàn xã hội, an ninh chính trị.

Xung quanh tiêu chí, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề xuất nên thiết kế các quy định về cảnh báo phá sản, trong đó có mức cảnh báo nguy cơ.

Thủ tục phá sản nặng

Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng cho rằng, nếu khoản nợ quá hạn không thanh toán được phải dựa vào vốn đăng ký kinh doanh.

“DN có vốn vài chục triệu thì khác; còn DN có vốn vài ngàn hay vài trăm ngàn tỉ thì 200 triệu nợ quá hạn làm sao đã lâm được vào tình trạng phá sản? Quan trọng là loại hình DN và vốn kinh doanh. Tốt nhất là không quy định cụ thể về số tiền” - ông Hiện phát biểu.

Giải trình thêm, đại diện cơ quan soạn thảo, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Sơn cho hay, việc đưa ra một hạn mức nợ cùng thời gian cụ thể để các bên có thể có thời gian thương lượng được với nhau.

Luật hiện hành không thể giải quyết phá sản cho DN vì tổ thanh lý, quản lý tài sản mỗi người một nơi công tác nên khó, nói cách khác sự gắn kết giữa các cơ quan tòa án và thi hành án rất khó khăn. “Đây cũng là chỗ mâu thuẫn nhất” - ông Sơn phát biểu, đồng thời nhấn mạnh khó khăn về thủ tục hành chính để phá sản vẫn còn nặng.

Một trong những nội dung quy định cũng gây tranh cãi là dự thảo luật thiết kế chương đặc thù về phá sản của DNNN với lý lẽ đây là một định chế rất cần thiết góp phần cấu trúc lại DNNN.

Hầu hết ý kiến không đồng tình khi cho rằng, DNNN phải bình đẳng với mọi loại hình DN về phá sản.

Thường trực Ủy ban kinh tế - cơ quan thẩm tra dự luật - cho rằng không nên có sự phân biệt giữa DNNN và DN thuộc các thành phần kinh tế khác. Nếu quy định một chương riêng với nội hàm như trên sẽ dẫn tới, và thực tế có tình trạng đảo nợ, giấu nợ, bơm thêm vốn duy trì DN kém hiệu quả, phản ánh không trung thực hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, không thể ưu đãi phá sản riêng cho DNNN. “Như thế chúng ta không làm đúng với cam kết quốc tế WTO”- ông nói.

Ngoài nội dung trên, nhiều nội dung của dự thảo luật cũng có nhiều ý kiến khác nhau. UBTVQH giao cơ quan soạn thảo luật sớm chỉnh lý, hoàn thiện nội dung cho phù hợp.

Linh Thư