- Trao đổi với báo chí tại Brunei ngày 11/9, Tổng thư ký Lê Lương Minh cho biết ASEAN muốn tập trung xây dựng cách ứng xử trên Biển Đông hơn là dàn xếp các tranh chấp chủ quyền.

Trao đổi với phóng viên các nước ASEAN trong khuôn khổ tọa đàm do Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) tổ chức tại Bandar Seri Begawan, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh đề cập một số vấn đề liên quan Biển Đông.

Khi nhậm chức cách đây khoảng 7 tháng, ông cho biết ưu tiên của mình là giải quyết những căng thẳng trên Biển Đông. Đến nay, vấn đề đã được giải quyết như thế nào, ASEAN có thể làm gì hơn để hóa giải căng thẳng. Và ông đánh giá gì về vai trò trung tâm của ASEAN trong vấn đề này?

Giải quyết những xung đột gần đây giữa một số nước thành viên ASEAN và Trung Quốc trên Biển Đông có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Đối với ASEAN, tôi nhấn mạnh việc thực thi hiệu quả và đầy đủ những giải pháp hòa bình để giải quyết vấn đề này.

{keywords}

Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Biển Đông không phải là vấn đề duy nhất trong quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc. Về tổng thể, quan hệ hợp tác hai bên đang rất đáng khích lệ và tốt đẹp. Năm nay chúng ta kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc.

Trong 10 năm qua, kim ngạch thương mại hai bên tăng từ 55 tỷ USD lên 400 tỷ USD. Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn và quan trọng nhất của ASEAN. Hai bên cũng đang tiến hành nâng cấp Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN - Trung Quốc.

Thương mại, đầu tư, hợp tác an ninh chính trị, hợp tác văn hóa xã hội và nhiều lĩnh vực hợp tác khác đều có vai trò quan trọng trong quan hệ hai bên. Để đảm bảo Biển Đông không ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác toàn diện, Trung Quốc cần ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong vấn đề này.

ASEAN đã đưa ra bản nguyên tắc 6 điểm dựa trên việc tôn trọng luật pháp quốc tế như Công ước LHQ về luật biển (UNCLOS) 1982, cam kết giai quyết căng thẳng thông qua các biện pháp hòa bình, kiềm chế không sử dụng vũ lực.

ASEAN và Trung Quốc cũng đã có chung Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) từ năm 2002, là nền tảng quan trọng để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC) mà hai bên đã thống nhất tiến hành ngay các bước tham vấn chính thức để hoàn thiện càng sớm càng tốt.

Trong hai ngày cuối tuần này, quan chức cấp cao hai bên sẽ có cuộc họp tiếp theo tại Trung Quốc để thảo luận các biện pháp thực hiện hiệu quả DOC, khởi động xây dựng COC.

Liệu việc Philippines kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế về những tranh chấp chủ quyền có thể làm suy giảm vai trò của ASEAN trong vấn đề này?

Hai yếu tố trong vấn đề Biển Đông giữa một số nước thành viên ASEAN với Trung Quốc là dàn xếp các tuyên bố chủ quyền và thiết lập cơ chế ứng xử để tránh căng thẳng và xung đột. Bản nguyên tắc 6 điểm mà các nước ASEAN thống nhất chính là nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định, tránh đối đầu trên Biển Đông.

ASEAN tôn trọng quyền của 4 nước thành viên liên quan trong việc tìm kiếm các biện pháp pháp lý để dàn xếp tranh chấp chủ quyền theo quy định quốc tế.

Tuy nhiên, việc dàn xếp này phải được thực hiện giữa các bên liên quan. Ở đây có sự khác biệt trong cách tiếp cận của Trung Quốc và ASEAN. Quan điểm của Trung Quốc là giải quyết tranh chấp trên cơ sở song phương, trong khi quan điểm của ASEAN là giữa tất cả các bên liên quan. Có thể là hai, ba hoặc nhiều bên, tùy thuộc vào địa điểm xảy ra tranh chấp.

Nói chung, quan điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông là duy trì hòa bình và ổn định, tập trung đảm bảo cách ứng xử phù hợp trên Biển Đông hơn là dàn xếp các tuyên bố về chủ quyền.

Chung Hoàng (ghi)