- Những sự vụ đang nóng bỏng trong xã hội được UB Thường vụ QH đưa ra để phác họa bức tranh về tình hình an ninh trật tự, phòng chống tội phạm năm qua.

Bảo kê, bỏ lọt tội phạm

Hôm nay (17/9), sau khi một loạt báo cáo của Toà án, Viện kiểm  sát, Chính  phủ mà đại diện là Bộ Công an và Tư pháp, cũng như thẩm tra của UB Tư pháp QH, các thành viên UB Thường vụ QH cho rằng cần bám sát tình hình thực tiễn để đánh giá.

{keywords}
Ông Phan Xuân Dũng: Người dân bức xúc mà tự xử lý tội phạm, để rồi chính họ trở thành tội phạm. Ảnh: Minh Thăng

Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường QH Phan Xuân Dũng thấy số vụ tội phạm có giảm như các báo cáo trên, nhưng mức độ nghiêm trọng thì người dân có thể cảm nhận rõ.

"Cướp lộng hành ngang nhiên ở TP.HCM, đánh bạc, trộm cướp ở Hưng Yên, Bắc Ninh, Hòa Bình, các điểm nóng dân tộc, tôn giáo, cát tặc lộng hành trên các sông lộ liễu, ngang nhiên, không che giấu...", ông Dũng chỉ ra. "Vậy mà địa phương bất lực, dù cấp xã, huyện đều có đủ bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể".

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước phản ánh: Nhiều nơi báo động mất rừng từ cách đây 20 năm, nhưng càng báo động càng mất, đến nay là mất sạch, đài báo đưa tin đều đúng, ai lên đó đều chứng kiến được, nhưng có xử ai đâu. Ông Phước cho rằng "cơ sở, cấp huyện, xã có vấn đề".

Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân mà các báo cáo trên chưa đề cập: Một bộ phận cán bộ có chức quyền trong các cơ quan quản lý nhà nước có biểu hiện bảo kê để doanh nghiệp, các băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen trên một số lĩnh vực như khai thác tài nguyên khoáng sản, vật liệu xây dựng, vận tải hành khách...

"Xử lý trách nhiệm người đứng đầu ở địa phương còn hạn chế, nhiều cán bộ công chức vì vụ lợi đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng...", ông Hiện nói.

Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm UB này chỉ ra cụ thể: Việc xử lý tin báo tố giác, việc trinh sát, điều tra còn yếu, đặc biệt với tội phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng. "Có tỉnh cả năm chỉ làm được 2 vụ tham nhũng", ông Quyền nói, "trong khi với tội phạm về an ninh quốc gia thì rất hiệu quả, phát hiện được hết".

Ông Quyền cho "có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm": Trả hồ sơ điều tra lên xuống, kéo dài án, áp dụng các điều khoản và tình tiết giảm nhẹ... Bà Lê Thị Nga, cũng là Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp, nói có việc bỏ lọt tội phạm thông qua xử phạt vi phạm hành chính.

"Nhiều tội phạm ngang nhiên diễn ra cạnh các cơ quan bảo vệ pháp luật như mại dâm, ma túy, xây dựng trái phép... mà không phát hiện được cho đến khi dân tố cáo hoặc công an cấp trên vào cuộc, ở đây có trách nhiệm của chính quyền địa phương", bà Nga nói.

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) bổ sung "không hành động cũng là thiếu trách nhiệm", lấy ví dụ vụ chôn thuốc sâu ở Thanh Hóa: Có thể bắt và khởi tố ngay chủ doanh nghiệp mà sao cứ để mãi.

Tự xử vì giảm lòng tin

ĐB TP.HCM nhận định: Kinh tế đi xuống, siết nợ thuê, xã hội đen tăng lên, có sự bảo kê, bao che và cả sự bất lực của chính quyền, dẫn đến những sự việc đau lòng như người dân tự thiêu hoặc cầm súng chống lại chính quyền.

{keywords}
Ông Ksor Phước: Khi lộn xộn xảy ra, chính quyền cơ sở ở nhiều nơi gần như tê liệt. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tình trạng người dân "tự xử" ngày càng tăng khiến UB Thường vụ QH rất lo ngại. "Người dân bức xúc mà tự xử lý tội phạm, để rồi chính họ trở thành tội phạm", ông Phan Xuân Dũng nói.

Việc đánh đến chết những kẻ ăn trộm chó ngày càng tăng ở các địa phương, việc người dân tự trang bị vũ khí vào tận công sở tấn công cán bộ... khiến Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn phải thốt lên: "Làm sao lại đến mức độ đó chứ?"

Theo ông Ksor Phước, việc người dân bất chấp, coi thường luật pháp, đến nỗi "mạng người không bằng mạng chó" như báo chí nhận định, có nguyên nhân từ chính các cơ quan công quyền và những người đứng đầu "không nghiêm, không kiên quyết".

"Khi lộn xộn xảy ra, chính quyền cơ sở ở nhiều nơi gần như tê liệt dù có đủ hệ thống chính trị", ông Phước nói.

Chính vì vậy Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhận định "xử nghiêm cũng là biện pháp phòng, chống tội phạm".

"Không phải do trình độ cán bộ không cao, mà thực ra phải trình độ cao mới tìm được kẽ hở pháp luật để lợi dụng", ông Hùng nói. "Sự không nghiêm chỉnh của các cơ quan nhà nước khiến người dân không muốn tố cáo, đấu tranh nữa vì chẳng có ích gì mà lại nguy hiểm cho mình".

Xử lý tội phạm không công minh, nhất là trong những vụ án tham nhũng, lãng phí, chức vụ, khiến lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước bị thách thức, ông Ksor Phước nhận định.

"Vì không tin vào pháp luật nữa nên dân mới tự xử một cách công khai, có tổ chức, chống người thi hành công vụ. Ta phải đối mặt với sự thật này, không thể cứ nói là không có vấn đề, dân vẫn tin tưởng tuyệt đối 100%. QH chính là nhân dân, phải thống nhất về cách nhìn nhận, không nên giấu diếm, để có được sự đoàn kết vượt qua khó khăn này".

Chung Hoàng