- Đăng đàn sáng nay (26/3), Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Giàu giải trình thêm về quản lý vàng, ngoại tệ. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trao đổi về kiểm soát giá, tránh hiện tượng điều hành kiểu "đánh trận".

Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu: Dân đi nước ngoài đều dùng thẻ tín dụng

Từ năm 1990 đã cho phép đúc vàng miếng và phát triển nhanh trong hơn 20 năm qua. Lúc đầu chỉ thực hiện như tập quán lâu đời là tích trữ vàng nhưng dần dần phát triển lên và trở thành một phương tiện thanh toán dùng để định giá, ví dụ cái nhà này bán bao nhiêu cây, miếng đất này là bao nhiêu.v.v...

Kèm theo đó phát sinh thêm đầu cơ giá vàng làm giá vàng trong nước xáo trộn, có lúc tách rời giá thế giới. Chúng tôi đề xuất với Chính phủ ban hành nghị định quản lý kinh doanh vàng, đưa ra lộ trình tiến tới quản lý chặt chẽ vàng miếng.

Nghị quyết 11 nói rất rõ là tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do.

Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu.

Một số thông tin cho rằng cấm đoán việc lưu thông vàng miếng, làm tổn thất tài sản của nhân dân. Tôi khẳng định việc đó không có. Chúng ta sẽ triển khai thế nào phù hợp để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân chúng ta.

Mạng lưới được hoạt động thu đổi, mua bán ngoại tệ đến nay đã mở rộng đảm bảo phục vụ được cho dân. Tại Hà Nội, đến nay có 1.689 điểm hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng. Ngoài ra còn có 44 đại lý thu đổi ngoại tệ ủy nhiệm từ các tổ chức tín dụng. Mạng lưới này rất dày đặc.

Ở TP.HCM có 1.329 điểm của hệ thống các tổ chức tín dụng và 59 đại lý bàn thu đổi ngoại tệ được ủy nhiệm từ các tổ chức tín dụng. Thời gian qua sau khi quản lý chặt chẽ, nhất là tăng cường kiểm tra với công an thì thị trường tự do khép lại và đây cũng do diễn biến từ cung cầu, đến nay về cơ bản giá của thị trường tự do với giá công bố của Ngân hàng Nhà nước tương đối tiến gần nhau.

Vừa qua, các ngân hàng đã thông báo và tạo điều kiện bán một phần ngoại tệ tiền mặt cho các đối tượng có nhu cầu đi nước ngoài.

Hầu hết cán bộ hay dân đi công tác, học tập, chữa bệnh và du lịch hiện nay cơ bản sử dụng thẻ. Nhưng do thói quen phòng xa nên bà con vẫn muốn mang một ít tiền mặt theo phòng bất trắc.

Nhiều ĐBQH sợ rằng điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ gây khó khăn về vốn, xin nói, về thiết kế điều hành năm nay vốn tăng tuyệt đối tương đương với năm ngoái.

Năm ngoái chúng ta tăng trưởng tín dụng gần 470 nghìn tỷ thì năm nay tăng trưởng tín dụng dự kiến cũng khoảng 460 nghìn tỷ.

Trong gần 3 tháng đầu năm vốn tín dụng tăng trưởng trên nền kinh tế có chậm lại cũng vì khó khăn. Tuy nhiên, đến ngày 7/3 vừa qua Thủ tướng cùng các Phó Thủ tướng chủ trì họp giao ban trực tuyến với Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố  thì về cơ bản đến nay chưa có vướng mắc.

Về thị trường ngoại tệ,  từ 2008 trở về trước, cán cân tổng thể của chúng ta thặng dư. Bước sang năm 2009 cán cân thanh toán tổng thể quốc tế  thâm hụt lên tới 8, 8 tỷ. Năm 2010 với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, chúng ta đã giảm được thâm hụt cán cân tổng thể.

Đến cuối năm 2010 cán cân của chúng ta thâm hụt chỉ còn 3,7 tỷ. Dự kiến cán cân tổng thể thanh toán kinh tế của chúng ta năm 2011 thặng dư lớn. Theo kế hoạch cũ là Chính phủ điều hành nhập siêu dưới 18% so với kim ngạch xuất khẩu. Lúc đó chúng tôi cùng với các ngành xây dựng cán cân thặng dư là 700 triệu. Nhưng bây giờ Thủ tướng yêu cầu các bộ, các ngành tập trung giảm nhập siêu, dự kiến điều hành dưới 16% thì năm nay cán cân của chúng ta có thể thặng dư trên 2 tỷ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: Nhập siêu từ Trung Quốc 95%

Chỉ số giá của năm 2010 và những tháng đầu năm 2011 tăng cao do nhiều nguyên nhân.

Năm 2010 tất cả các quốc gia trên thế giới đều lạm phát tăng rất cao trong đó Châu Âu tăng từ gấp 2 đến 2,5 lần so với kế hoạch mục tiêu đặt ra, Trung Quốc tăng hơn 2 lần và Ấn Độ tăng hơn 2 lần.

Ba tháng đầu năm tình hình còn diễn biến phức tạp. Giá cả thế giới tăng tác động đến giá cả trong nước ở hai mặt. Mặt bất lợi thì do chúng tôi nhập khẩu lớn và nhập siêu lớn. Chúng ta nhập siêu từ Trung Quốc rất cao, có những thời điểm nhập siêu tới 95%.

Giá trong nước tăng làm cho đời sống người lao động, cán bộ công nhân viên khó khăn, gây ra tâm trạng lo lắng. Nhưng khía cạnh có lợi là chúng ta có một nền kinh tế xuất khẩu lớn. Các mặt hàng nông sản, lâm sản, thủy hải sản và xuất khẩu tăng giá, chúng ta  được lợi.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh.

Thứ hai, cân đối kinh tế vĩ mô ở trong nước chưa vững chắc, dễ tổn thương, giá cả hàng hóa của chúng ta cạnh tranh với Trung Quốc rất bất lợi. Nhập siêu lớn, ví dụ như xăng dầu trước năm 2009 chúng ta phải nhập 100%, bây giờ chúng ta nhập khoảng 70% sau khi có nhà máy lọc dầu Dung Quất. Tuy là đã giảm từ 29,3% năm 2007 xuống 28,8% năm 2008, xuống 22,5% năm 2009 và xuống 17,5% năm 2010 nhưng vẫn còn rất cao.

Áp lực tăng chi vẫn còn rất lớn. Ngay tại hội trường từ sáng đến giờ cũng đã có nhiều yêu cầu tăng chi. Biến động giá vàng, ngoại tệ thời gian qua, rồi lãi suất còn cao, cân đối ngoại tệ căng thẳng. Những vấn đề đó tác động đến chỉ số giá. Hiện chúng ta đang thực hiện các giải pháp kiềm chế.

Sắp tới sẽ phấn đấu chống thất thu, chống gian lận thuế, chống buôn lậu, tăng cường thanh tra, kiểm tra ở những DN khai lỗ nhiều, có dấu hiệu chuyển giá.

Năm 2010 Chính phủ đã đề nghị giảm bội chi từ 6,2% kế hoạch xuống 5,6%. Năm 2011 đề nghị giảm từ 5,3% xuống dưới 5%.

Chi thường xuyên không cắt hàng loạt. Sẽ không giảm các khoản trợ cấp xã hội cho người có công với cách mạng, gia đình thương binh, liệt sỹ, an sinh xã hội. Tiết kiệm các khoản như hội họp, công tác phí, xăng dầu, điện nước. Về đầu tư sẽ sắp xếp lại bốn kênh là ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, kênh tín dụng Nhà nước, kênh DNNN.

Năm nay sẽ không có tạm ứng, trừ lũ lụt, trừ những công trình khắc phục hậu quả lũ lụt thiên tai và cũng không cho phép chuyển nguồn nếu chi chưa hết, kể cả năm 2010 sang 2011 và 2011 sang 2012.

  • Lê Nhung (ghi)

  • Ảnh: Lê Anh Dũng