- Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện tại, có những đơn vị vẫn duy trì được tiềm lực, phát triển, trở thành điểm tựa của nền kinh tế...

LTS: Năm 1976, Thứ trưởng Đồng Sĩ Nguyên được giao kiêm nhiệm phụ trách Tổng cục xây dựng Kinh tế trực thuộc Bộ Quốc phòng. Đây là bước thực hiện chủ trương giảm 28 vạn quân chuyển sang làm kinh tế của Đảng, Nhà nước sau giải phóng đất nước. Tổng cục này - lúc đầu hình thành dựa vào Bộ Tư lệnh Trường Sơn - có nhiệm vụ tham gia sản xuất nông, lâm, ngư, chăn nuôi, xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình công cộng, nhà ở, xí nghiệp... 6 binh đoàn và một số sư đoàn trực thuộc Tổng cục và Quân khu được thành lập để triển khai nhiệm vụ, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục này.

Trong nhiệm vụ kinh tế thời bình, các doanh nghiệp quân đội chủ trương làm kinh tế kết hợp với đảm bảo quốc phòng an ninh, đặc biệt là những địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo, không ít các doanh nghiệp quân đội đóng vai trò nòng cốt trong việc thực hiện nhiệm vụ kép như vậy. Cho đến đầu thập niên 90, thực hiện nghị định 388 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), đã có trên 300 doanh nghiệp quân đội được thành lập...

Nhiều đơn vị doanh nghiệp quân đội đã phát huy vai trò nòng cốt xây dựng các hệ thống các khu kinh tế - quốc phòng ở những địa bàn chiến lược. Nhiều khu kinh tế - quốc phòng đã trở thành điểm sáng, hình mẫu kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với việc củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện tại, có những đơn vị vẫn duy trì được tiềm lực, phát triển, trở thành điểm tựa của nền kinh tế. Câu chuyện của Tổng công ty 36 và nhiệm vụ kép luôn đi cùng năm tháng là một điển hình:

Cán mốc doanh thu ngưỡng hơn 3.000 tỷ đồng (2012), trong đó lợi nhuận 82 tỳ đồng, Tổng công ty 36 khởi sự từ một xí nghiệp thu lỗ cách đây 15 năm.

{keywords}
Đại tá Nguyễn Đăng Giáp: Điều cốt tử là tài chính doanh nghiệp phải sạch, minh bạch

"Có hay không một đặc quyền nào dành cho doanh nghiệp quân đội?" - câu hỏi dành cho Đại tá Nguyễn Đăng Giáp - Giám đốc Tổng công ty. Ông quả quyết: "Không một đặc quyền, ưu tiên nào cả. Doanh nghiệp quân đội phải hoạt động như mọi doanh nghiệp khác theo luật doanh nghiệp và các quy định pháp luật liên quan. Trong khi một doanh nghiệp lo lợi nhuận là tối thượng thì doanh nghiệp quân đội phải đạt được 3 hiệu quả đồng thời: hiệu quả kinh tế gắn liền hiệu quả chính trị và hiệu quả xã hội".

"Vậy đâu là lối đi, nhất là khi "sinh sau đẻ muộn" so với hàng trăm doanh nghiệp khác?". Ông khẳng định chắc nịch phương châm sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty này: "Luôn biết đến và đến những nơi cần đến. Biết nghĩ những điều chưa ai nghĩ, làm những việc chưa có tiền lệ!".

Lao vào cái khó

Năm 2003. Khi chân ướt chân ráo về với Xí nghiệp 36 - đơn vị tiền thân của Tổng công ty, ông Nguyễn Đăng Giáp quyết liều nhận một dự án động trời: thầu thi công nhà máy điện. Liều bởi khi đó "36" không có của nả gì ngoài 3 cỗ máy Liên Xô hỏng, một con xe ISUZU cũ kĩ và không một chút kinh nghiệm, kể cả phương tiện, thiết bị để thi công những công trình đặc thù.

Muốn làm được phải dấn thân. Đích thân ông giám đốc và những cộng sự thân thiết lặn lội vào Nghệ An để tìm hiểu về công trình thủy điện lớn nhất miền Trung (Bản Vẽ) sắp được xây dựng. Đi chẳng sợ, về càng không. Hành trình trở ra là rốt ráo thu xếp chuẩn bị cho việc đấu thầu thi công hạng mục cửa nhận nước của công trình với giá trị đầu tư gần 170 tỷ đồng cùng một số hạng mục như tràn xã lũ, trạm điện ngoài trời, đường công vụ...!

"Đi sau phải lao vào cái khó mới có cơ hội" - ông Giáp quả quyết. Sự quả quyết ấy đã làm không ít cộng sự và tập thể ngồi trên đống lửa, lo lắng vì công trình này quá "xương".

Theo những người thực hiện công trình, hạng mục thầu thi công của 36 nằm ở trên một đoạn hẹp của thượng nguồn sông Lam, còn gọi là sông Cả. Hai bên sườn núi dốc, lòng sông lộ đầy đá gốc... Chưa kể thời điểm công trình này được xây (năm 2004), mọi thứ hoang sơ, đi lại khó khăn, núi rừng heo hút. Mùa hè nóng như chảo lửa, mùa đông lạnh thấu xương...

Không chỉ phải lo lao động thi công, ông Giáp và cộng sự lao đi vay vốn để sắm các trang thiết bị phục vụ thi công thủy điện... 1 xe bơm, 2 xe vận chuyển bê tông, 2 xe cẩu tháp, 1 máy khoan thủy lực, 1 máy ép cọc... Nhưng có được máy móc thiết bị để đưa vào công trình còn gian khổ hơn nhiều. Không ít thiết bị phải tháo rời vận chuyển, vào đến nơi lại lắp ráp lại... Đường vào công trình để vận chuyển trang thiết bị, máy móc chưa có thì... mở đường.

Một trong những "kỷ niệm" mà sau này vị giám đốc xí nghiệp 36 thời đó và anh em thường kể lại, đó là tại công trình khai thác đá phục vụ xây dựng thủy điện do một doanh nghiệp ngoài quân đội đảm trách không may xảy ra sự cố tai nạn vùi lấp công nhân, ngay lập tức ông Giáp đã cho điều động tới một chiếc máy đào Comasu 750-8 thuộc loại hiện đại nhất để cứu người, kịp thời giải quyết sự cố... Gian khổ được đo bằng máu là điều có thực.

Phó giám đốc xí nghiệp 36 khi đó, Trung tá Nguyễn Văn Hùng, được ông Giáp giao trực tiếp phụ trách Đội 36 - đơn vị thực hiện công trình của xí nghiệp thấm thía cái giá lạnh của mùa đông, cái nắng lửa trong ngày hè của những ngày làm "Bản Vẽ".

"Gian khổ thật đấy nhưng công trình đã giúp anh em trong đơn vị lớn lên rất nhiều về mọi mặt, nhất là lĩnh vực xây dựng thủy điện"- ông Hùng tự hào kể.

Thử thách "Bản Vẽ" đã đưa đến cho xí nghiệp 36 một tầm vóc khác. Thủy điện Nậm Mô, Khe Bố... sau này do "36" đảm trách trở nên tự tin nhờ đã đi qua những thử thách "chưa từng có" đó và dần làm chủ những công nghệ thi công táo bạo mà trước đây chỉ có tổng công ty lớn độc quyền.

Sự quyết liệt đến cùng với những thử thách "chưa ai từng qua" của người đứng đầu 36 và tập thể cộng sự, cán bộ, chiến sỹ, công nhân sau này trở thành "truyền thống". Bất cứ công trình nào cũng đều có dấu ấn của sự từng trải đáng kinh ngạc, chưa từng ai dám làm: từ những con đường quốc lộ cho đến công trình dân dụng, công trình thủy lợi, nhà ga, sân bay, các công trình nhà nước, quốc phòng...

15 năm xây dựng và phát triển, "36" trở thành một thượng hiệu nhà thầu đa năng chuyên nghiệp với 26 ngành nghề.

6 năm trước, khi đến dự lễ ra mắt công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Đầu tư - Xây lắp - Thương mại 36 (nâng cấp từ xí nghiệp 36), Thượng tướng Phùng Quang Thanh khi đó là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã ra chỉ thị "36" sẽ là mô hình doanh nghiệp đầu tiên, có tính chất thí điểm của quân đội. "Trách nhiệm của công ty 36 là thực hiện thắng lợi mô hình này" - Tướng Thanh yêu cầu.

Chỉ sau 5 năm, họ đã khẳng định sự thành công của mô hình doanh nghiệp nhà nước trong quân đội với việc phát triển lên thành mô hình Tổng công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng. Từ thành công của mô hình "36", đến nay Bộ Quốc phòng đã triển khai thành lập được 84 doanh nghiệp theo mô hình này.

Giờ đây "36" đang kỳ vọng hoàn thành sứ mệnh cổ phần hóa tổng công ty - cũng theo một cách mà chưa doanh nghiệp quân đội nào từng làm. Tức cổ phần hóa công ty mẹ trước, mà không theo cách các đơn vị khác thường làm là cổ phần hóa công ty con trước. Như thế, "36" sẽ trở thành đơn vị doanh nghiệp quân đội đầu tiên tiên phong đi theo hướng này.

"Ở ngưỡng doanh thu đó, đã đến lúc phải may áo đo trên cơ thể đã lớn của nó. Để làm được điều đó, điều cốt tử là tài chính doanh nghiệp phải sạch, minh bạch. Cổ phần hóa cũng sẽ dễ bị thất bại nếu anh đi không đúng hướng" - ông Giáp tự tin nói về sự vững mạnh của tổng công ty do mình chèo lái trong nhiều năm.

'Thủ lĩnh ngồi trên lưng hổ'

Trong ngày đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2010, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp đã mô tả ngày đầu của mình và tập thể xí nghiệp "36" ở trong thế "ngồi trên lưng hổ". Một trong những khó khăn lớn nhất mà ông phải đối diện, đó là không còn cán bộ, công nhân giỏi, nhân lực thiếu nghiêm trọng, trong khi tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ xí nghiệp thì "chán nản", "bơ vơ"...

"Tại sao ông không kêu gọi hỗ trợ? Dẫu gì cũng là một doanh nghiệp nhà nước, khó khăn vẫn cần có tương trợ?" - câu trả lời được Đại tá Giáp quả quyết thêm một lần: "Không có đặc quyền, ưu tiên nào cả. Làm sao có thể đi xin học viện này cấp sỹ quan, tổng cục kia cấp nguồn lực. Tất cả phải tự thân".

Và theo cách không ai dám làm, ông Giáp đã đi tìm nhân lực ở một nơi... sắp tan rã. Công ty 56 - một đơn vị làm kinh tế của Bộ Quốc phòng năm 2008 chính thức sáp nhập vào 36 trong tình cảnh mà chỉ có ông Giáp mới chấp nhận được: ôm khoản nợ 134 tỷ đồng của đơn vị này để có được 400 sỹ quan, cán bộ thất nghiệp. Dù để tự nguyện đón nhận khoản nợ và khối nhân lực thất nghiệp lớn này, ông cũng phải lao đao, khốn khổ mới được việc.

Đại tá Trần Kết, Phó Tổng giám đốc công ty 36, một người cũ của công ty 56 kể lại, khi đó, tâm trạng của 400 sỹ quan, cán bộ, chiến sỹ thất nghiệp đó là mừng vì đã có công việc để làm. "Nếu ở 56 thì chúng tôi cũng đến lúc giải tán, nhận chế độ nghỉ hưu là hết" - ông Kết kể.

Đại tá Đoàn Minh Tuấn - Bí thư Đảng ủy - Phó Tổng giám đốc công ty 36, cũng là một người cũ của công ty 56, kể, 2 năm sau khi thu nạp, toàn bộ khoản nợ của đơn vị cũ được lo xong.

Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng sau này có những nhận xét tích cực về những quyết định táo bạo của Đại tá Nguyễn Văn Giáp. Câu chuyện thành công của "36" bắt đầu từ vai trò quan trọng của cá nhân, thủ lĩnh, nhất là người đó đã trải qua môi trường thử thách khắc nghiệt của quân đội trước chiến tranh.

"Đó là con người dám chấp nhận những khó khăn về mình, giống như người lính đi mở cửa, thường đi trước, nhận lấy phần khó khăn nhất của trận đánh hoặc ở thế đội "đi sau", mở đường, nhận lấy phần việc mà đơn vị trước không làm nổi nhưng vẫn dũng mãnh, sáng tạo xông lên và giành lấy thành công" - Đại tướng Trà nhận xét.

Xí nghiệp 36 cho đến công ty 56 sau khi ông Giáp tiếp nhận đều từng bước đi lên. Quy mô đã phát triển gấp 150 lần so với 6 năm trước lúc ông Giáp về làm giám đốc, với tổng tài sản từ chỗ không có gì nay có tới 3.500 tỷ đồng. Tạo được việc làm, thu nhập cho hơn 2000 cán bộ, công nhân viên quốc phòng và hơn 10.000 người lao động, nộp ngân sách hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Đại tá Nguyễn Đăng Giáp lý giải giản dị rằng đã là anh hùng thì phải có chiến công. Nhưng "biết mình và thắng mình" là nhân tố quan trọng nhất.

"Tôi quan nhiệm, chiến thắng chính bản thân mình là phải biết luôn tiến về phía trước, không hài lòng với những gì đạt được. Cuộc đời không phải là phép cộng cơ học những việc đã làm mà chính là khát vọng thực hiện" - ông chia sẻ.

Anh Thư - Ảnh: Lê Anh Dũng