Động cơ mà Tổng thống Nga Vladimir Putin can thiệp vào cuộc khủng hoảng Syria và giúp người đồng cấp Mỹ cơ hội để “sửa sai” trong cách xử lý cuộc nội chiến Syria vẫn là một chủ đề gây hoài nghi lớn.


{keywords} 

Ảnh: Businessinsider

Các nhà quan sát cố đưa ra nhiều lời giải thích về mục tiêu của Putin: gây rắc rối cho Mỹ, làm sống lại ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông và ủng hộ đồng minh Syria.

Trên thực tế, canh bạc Syria của Putin là nhằm giải quyết hai vấn đề an ninh quốc gia do chính những chính sách của Mỹ gây ra cho Nga. Đầu tiên đó là các cuộc cách mạng màu có sự ủng hộ của phương Tây và cái gọi là “can thiệp nhân đạo”. Về mặt ngắn hạn, giảm bớt khả năng và quyết tâm can thiệp của phương Tây vào những quốc gia khác, Nga sẽ hạn chế được rủi ro của những bất ổn ở gần và bên trong phạm vi biên giới của họ.

Thứ hai, vấn đề quan trọng hơn là ông Putin đang phải giải quyết nguy cơ thánh chiến từ dòng Sunni đang ngày một gia tăng ở Nga. Bằng cách ngăn chặn sự sụp đổ của Tổng thống Syria Bashar Assad, Moscow hy vọng sẽ tránh được sự lớn mạnh của lực lượng chiến binh Sunni ở cái gọi là Tiểu vương quốc Caucasus (CE) với kinh nghiệm chiến đấu tích lũy ở Syria. Nếu cuộc không kích của Mỹ chống lại Assad diễn ra, sau đó phương Tây và Ảrập cung cấp vũ khí cho phiến quân thánh chiến để lật đổ Assad, đưa những người Hồi giáo lên nắm quyền lực ở Syria thì điều đó sẽ làm xói mòn ổn định ở khu vực Bắc Caucasus , đem lại cho các phần tử cực đoan thánh chiến ở đó những cơ hội mới.

Vài trăm chiến binh từ Nga và CE đang chiến đấu ở Syria. Phần lớn thuộc nhóm có quan hệ với al-Qaida mang tên Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL), và Jabhat al-Nusrah (JN), chiến đấu trong đơn vị có khoảng 1.000 người nước ngoài gọi là tắt là JMA.

Thủ lĩnh JMA, Abu Umar al-Shishani là một người Chechnya. Phó tướng của JMA cũng là người Chechnya. Hơn thế nữa, Shishani là chỉ huy mặt trận phía bắc của ISIL, điều này khiến viên thủ lĩnh và các chiến binh thánh chiến trở nên nổi bật trong số hàng ngũ phiến quân Syria. CE và các nhóm thanh chiến đến từ Bắc Caucasus, Nam Caucasus và Trung Á cũng đang đóng vai trò dẫn dắt trong số các chiến binh nước ngoài. Phe cánh Chechnya đang là một phần quan trọng trong lực lượng thánh chiến ở Syria.

 
Chiến thắng của những người thánh chiến trong cuộc nội chiến Syria sẽ tạo ra động lực lớn cho phong trào thánh chiến toàn cầu mà trung tâm của nó rất gần với mặt trận Caucasus.

Tránh thảm họa

Ban đầu, thủ lĩnh CE Doku Umarov tính nước đôi về việc triển khai thánh chiến ở Syria. Nhưng rồi Umarov sớm hiểu rằng, trong ngắn hạn, việc các chiến binh CE bị kéo tới Syria chiến đấu có thể ảnh hưởng tới phong trào thánh chiến vùng Caucasus, nhưng trong dài hạn, CE sẽ được hưởng lợi lớn hơn về lực lượng, các kênh cung cấp mới và thậm chí là nguồn vũ khí hoá học, sinh học của Assad.

Rất có khả năng tất cả các nhóm giúp những phần tử thánh chiến lên nắm quyền tại Syria sẽ yêu cầu chia sẻ kho vũ khí huỷ diệt hàng loạt của Assad. Điều đó sẽ giúp Umarov và CE tiến hành tấn công bằng vũ khí hoá học trước hoặc trong khi diễn ra Thế vận hội Olympic mùa đông ở Sochi tháng 2/2014 hay một nơi nào khác của Nga. Kể từ năm 2010, CE đã tuyên bố sẽ tấn công Thế vận hội Sochi. Lực lượng tình báo Nga đầu năm nay cho biết đã phá tan một âm mưu của CE nhằm vào Olympic. Mùa hè này, Umarov đã kêu gọi lực lượng tấn công Sochi để ngăn chặn Thế vận hội diễn ra.

Như vậy, mối đe doạ từ lực lượng thánh chiến sẽ cực kỳ nguy hiểmvới Nga, nhất là về mặt địa chính trị. Sự can thiệp của Mỹ và sau đó là rút lui, để lại nhiều quốc gia trong khu vực trong cơn hấp hối khi phải đối mặt với nguy cơ thánh chiến từ Nam và Trung Á tới Vịnh Ba Tư.

Tóm lại, có rất nhiều lý do để Putin hành động như ông đã thể hiện. Dĩ nhiên, Moscow khó có thể công khai mối đe doạ thánh chiến Nga trong sự ràng buộc với Syria. Tuyên bố như vậy sẽ là ảnh hưởng tiêu cực tới lãnh đạo Nga, thậm chí ảnh hưởng tới Thế vận hội mà Moscow mất nhiều tâm sức đầu tư.

Đối với phương Tây, nguy cơ thánh chiến ở Syria cũng đe doạ các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và Trung Đông. Về dài hạn, Assad và lực lượng của ông ít nguy hiểm hơn nguy cơ thánh chiến cực đoan tại Syria. Điều đó khiến Mỹ, châu Âu và Nga bắt tay cùng nhau để đối phó với nguy cơ.

Trong khi Putin có thể cố gắng đánh bại các nguyên tắc “can thiệp nhân đạo” vượt ra ngoài sự bảo hộ của LHQ, bảo vệ các lợi ích Nga tại Syria, thì thực sự mối quan tâm nhất của ông là ngăn chặn mối đe doạ thánh chiến với Nga. Kế hoạch giải trừ vũ khí mà Putin đưa ra với Syria còn rất nhiều khó khăn về mặt công nghệ, chính trị và quân sự. Nhưng với cả Nga và phương Tây, các chọn lựa thay thế khác chắc chắn chỉ đưa tới thảm hoạ.

Thái An (theo Moscowtimes)