Do ngân sách eo hẹp trong khi nhiều hạng mục cần tiếp tục đầu tư cho phát triển, tháo gỡ khó khăn kinh tế, Chính phủ dự kiến đề xuất nâng mức trần bội chi ngân sách từ 4,8% lên 5,3% trong năm tới.
Kết thúc các hoạt động ngoại giao tại Pháp và Mỹ, ngay sau khi về đến Hà Nội sáng sớm nay 29/9, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 9.
Ảnh: VGP |
Trọng tâm phiên họp là về tình hình kinh tế, xã hội tháng 9 và 9 tháng năm nay. Phân tích chung, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ tạm yên tâm trước những diến biến tích cực, những dấu hiệu lạc quan dần rõ nét khi kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng GDP quý 3/2013 cao hơn quý 2 ( đạt 5,54%).
Các chỉ số cho thấy ổn định khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 5,4%, kiểm soát lạm phát ổn định quanh 7%. Tuy nhiên chỉ đạo chung, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh các bộ ngành tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm tăng tính vững chắc của ổn định vĩ mô.
Lo cân đối ngân sách
Một trong những vấn đề Chính phủ dành nhiều thời gian thảo luận đó là cân đối thu - chi ngân sách, đặc biệt đảm bảo nguồn thu phục vụ chi cho kế hoạch phát triển năm 2014.
“Khó nhất là cân đối ngân sách” - Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành tính toán cân đối thu chi hiệu quả, theo các ưu tiên chi đầu tư phục vụ phát triển.
Các ý kiến trao đổi cho rằng, do ngân sách eo hẹp trong khi nhiều hạng mục cần tiếp tục đầu tư cho phát triển, tháo gỡ khó khăn kinh tế, Chính phủ dự kiến đề xuất nâng mức trần bội chi ngân sách từ 4,8% lên 5,3% trong năm tới.
Cần chi nhiều nhưng tiền thu từ đâu để chi trong khi tiến độ thu ngân sách đạt thấp so với kế hoạch? Bộ Tài chính cho hay, tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng năm nay đạt 543.835 tỷ đồng trong khi tổng chi 9 tháng đạt 684.590 tỷ đồng.
Có những ảnh hưởng nhất định đến ngân sách. Theo Bộ Tài chính, tổng cộng số tiền thuế, tiền thuê đất và tiền sử dụng đất được giảm, giãn thời hạn nộp cho doanh nghiệp đến tháng 9 năm nay là gần 9.470 tỷ đồng.
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đồng tình giải pháp trình Quốc hội phương án phát hành trái phiếu Chính phủ, đặc biệt vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA. Đây được xem là giải pháp “khơi thông” nguồn ODA chưa giải ngân được (như 5 tỉ USD của WB) do thiếu vốn đối ứng.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đề nghị khẩn trương sửa cơ chế đầu tư BOT, PPP (đối tác công - tư) nhằm thu hút vốn từ khu vực ngoài ngân sách, hạn chế chi công tác tu nghiệp nước ngoài.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiến nghị bổ sung vào danh mục siết đầu tư công như mua sắm xe , xây dựng trụ sở, phí đón tiếp, tổ chức…
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đồng tình việc hạn chế chi thường xuyên cho việc xây, sửa trụ sở bộ ngành, không làm mới dự án đầu tư công khi chưa thực sự cấp bách. Như Bộ Xây dựng chỉ cần sửa chữa, cải tạo trụ sở chứ không xây mới cũng có thể sử dụng trong 10-20 năm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý nguồn vốn ODA bị ách lại chưa thể giải ngân do thiếu vốn đối ứng. Song ông cũng nhấn mạnh việc rà soát lại danh mục các dự án sử dụng loại nguồn vốn này theo hướng hiệu quả, cần thiết, không phải cứ thấy ODA là nhận ngay vì đây là vốn mà các thế hệ tương lai phải “trả nợ”. Trong khi đó dòng vốn FDI cũng phải tính toán, lựa chọn những dự án thực sự cần thiết. Bên cạnh đó là rà soát, thu hồi cổ tức cổ phần hóa vốn doanh nghiệp…
Tại cuộc họp báo sau phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho hay nhiều kiến nghị đề cập kêu gọi các thành phần kinh tế khác cùng đầu tư để bớt ngân sách nhưng “kêu gọi rất nhiều nhưng vào rất khó”.
Ông ví dụ, muốn nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào đường thì phí thu được phải thật cao mới hoàn vốn được, nhưng nếu phí thu cao thì các công ty vận tải và người dân liệu có chịu? Hay giáo dục xã hội hóa khi có nhiều trường tư mở, đáp ứng nhu cầu của một số bộ phận người dân ở HN, TPHCM trong khi ở các tỉnh người dân khó có đủ khả năng trả học phí cho trường tư.
“Khi trình QH nâng mức bội chi ngân sách từ 4,8% lên 5,3%, Chính phủ đã xem xét đầy đủ các mối quan ngại. Nâng lên 5,3% là Chính phủ đã tính đầy đủ để đảm bảo mức trần nợ công. Còn câu chuyện sử dụng nguồn vốn ấy tiết kiệm hay không thì không chỉ việc nâng lên 5,3% mới quan tâm, mà kể cả không bội chi thì cũng phải quan tâm đến hiệu quả đầu tư” - ông cho hay.
Linh Thư