- Trước đề xuất của Bộ Tài chính cắt giảm 100.000 đồng lương tối thiểu như một giải pháp tránh hụt thu ngân sách, Thủ tướng yêu cầu dù khó khăn đến mấy cũng không được giảm lương.

>> Toàn cảnh: Tôi muốn sống bằng lương

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 29/9, trước tình trạng hụt thu ngân sách, Bộ Tài chính đề xuất ngoài các giải pháp tăng nguồn, triệt để giảm chi, có thể năm tới sẽ cắt giảm 100.000 đồng lương tối thiểu. Ý kiến này bị nhiều thành viên Chính phủ cho là "phản cảm".

{keywords}
3 năm qua, lương đã tăng 35%, ngang bằng mức trượt giá. Ảnh minh họa: Bình Minh

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói: "Cần cố gắng giữ lương. Không thể GDP tăng mà lại giảm lương để cho giảm chi ngân sách, như vậy tạo ảnh hưởng tâm lý xã hội".

Bộ trưởng LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền cũng đề nghị không nên giảm lương. Bà cũng cho hay, Bộ đã trình Chính phủ dự thảo nghị định phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2014 áp dụng đối với người lao động tại khối doanh nghiệp.

Theo đó, mức đề xuất cao nhất đối với doanh nghiệp tăng lên cao nhất 2,7 triệu đồng/tháng. Mức lương tối thiểu sẽ chỉ tăng từ 250.000 - 400.000 đồng/tháng, thể hiện tinh thần chia sẻ với doanh nghiệp. Đây là phương án cuối có điều chỉnh so với mức đề xuất của Hội đồng tiền lương quốc gia và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (đề xuất cao hơn) trước đó.

Không thể giảm

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tiền lương đã được điều chỉnh đều trong 3 năm qua, lên khoảng 35%, nhưng trượt giá cũng ở mức 35%. Do đó, ông khẳng định dù khó khăn đến mấy cũng không thể giảm lương.

Đề cập vấn đề này tại họp báo sau phiên họp thường kỳ chiều qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho hay, mức điều chỉnh lương phải đảm bảo cân đối, hài hòa.

"Vấn đề lương của doanh nghiệp có hai mặt, bao giờ chúng ta cũng muốn người lao động hưởng lương cao nhưng nếu cao quá thì sức hút đầu tư sẽ giảm đi. Chúng ta thường nói chúng ta có nhiều lợi thế thu hút đầu tư trong đó có lợi thế là người VN cần cù, sáng tạo và lương thấp. Vì vậy, điều chỉnh thì phải rất cân đối, hài hòa" - ông cho hay.

Bộ trưởng ước tính, với tốc độ tăng trưởng kinh tế ví dụ 5-6%, cùng với lạm phát ví dụ khoảng 7%, cộng lại khoảng 12%, cộng theo đà phát triển lên tiếp khoảng 2-3% nữa, thì bình thường các phương án mà các bộ, ngành và Tổng liên đoàn lao động đang tính là đề nghị mức lương tối thiểu tăng khoảng 14-15%…

Ông cũng cho hay, có sức ép rất lớn về tăng lương cao, đối với DN cần cân đối nếu tăng lương cao quá thì sẽ không còn sức cạnh tranh, còn khu vực lương dùng ngân sách nếu tăng cao thì ngân sách không có vì chi thường xuyên chiếm khoảng 65% tổng chi, trong đó hơn một nửa là chi cho lương.

Trong đó chi cho lương công chức, viên chức từ cấp huyện trở lên, số tròn là 9%, cho đội ngũ sự nghiệp (giáo viên, y tế) là trên 35%, lực lượng vũ trang khoảng 25% còn lại là người có công, đối tượng là cán bộ xã, cán bộ không phải là biên chế nhưng được hưởng định suất lương khoảng 6,5%...

Linh Thư