Sau 1/4 thế kỷ chiến tranh trên đất liền Trung Đông và sự sụt giảm mạnh mẽ trong chi tiêu hải quân của các cường quốc, sức mạnh biển đang trở lại để đối phó với sự trỗi đậy của Trung Quốc. Phương Tây đồng thời không muốn triển khai bộ binh trong các cuộc xung đột kiểu như Syria.


{keywords}
Ảnh: wordpress

Mối quan tâm ngày một lớn với lực lượng hải quân có thể cảm nhận được từ các hành lang của Washington đến khu vực săn lùng cướp biển châu Phi và các nhà máy đóng tàu ở châu Á.

Ấn Độ tháng trước đã trình làng tàu sân bay nội địa đầu tiên. Sẽ có hàng chục tàu như thế được hoàn thành trên khắp thế giới trong thập kỷ tới gồm hai tàu khổng lồ lớp Gerald R. Ford của Mỹ, hai tàu Anh, một tàu Nga nâng cấp cho Ấn Độ và một (hoặc nhiều hơn) tàu nội địa của Trung Quốc.

Hãng tư vấn AMI International tại Mỹ ước tính, sẽ có khoảng 800 tỉ USD được chi tiêu trên toàn cầu vào các chương trình hải quân trong 20 năm tới, 1/4 số này thuộc về châu Á - hiện đã vượt qua châu Âu đang 'khắc khổ' để trở thành thị trường hải quân lớn thứ hai sau Bắc Mỹ.

Trong năm tài khóa tính tới tháng 4/2014, Hải quân Mỹ đã giành phần ngân sách lớn nhất. Lầu Năm Góc dự kiến chi 155 tỉ cho lực lượng này - gần bằng 30% tổng ngân sách 527 tỉ USD không bao gồm chi tiêu cho Iraq và Afghanistan.

"Sức mạnh biển ngày càng trở nên quan trọng", phó đô đốc Mỹ Robert Kamensky, chỉ huy lực lượng tàu ngầm của NATO phát biểu London.

Washington đang điều chuyển các tàu từ Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương trong một nỗ lực đối trọng với quân đội Trung Quốc - với ngân sách quốc phòng không ngừng gia tăng ở mức hai con số nhiều năm qua. Bắc Kinh đã bắt đầu vận hành tàu sân bay đầu tiên (nâng cấp từ tàu Liên Xô) vào cuối năm ngoái. Họ cũng mạnh tay trong chế tạo tàu ngầm, tàu tuần tra và các loại tàu chiến khác.

Trong tháng 9, hãng Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc tuyên bố kế hoạch tăng 1,4 tỉ USD vốn thông qua bán cổ phiếu để mua tài sản sử dụng cho việc đóng tàu chiến. Đây là lần đầu tiên, Trung Quốc tìm tới thị trường vốn để tìm nguồn tài chính cho mở rộng quân sự.

Phục hưng hàng hải

Điều này khiến các quốc gia lân cận lo lắng, nhất là những nước có tranh chấp biên giới hàng hải với Trung Quốc. Họ đang nâng cấp từ hệ thống rađa tới tên lửa và ngư lôi. Nhật Bản năm tới sẽ chứng kiến khả năng gia tăng ngân sách quốc phòng lớn nhất trong 22 năm qua. Họ tăng tốc mua tàu tuần tra, trực thăng và thành lập một lực lượng hàng hải mạnh mẽ.

Australia cũng không đứng ngoài cuộc với các tàu tấn công mới. Trong khi Việt Nam vẫn tiếp tục mua tàu ngầm từ Nga, Philippines đang mở rộng đáng kể lực lượng hải quân với việc mua hai tàu tuần duyên cũ của Mỹ, các tàu tuần tra Nhật Bản và tàu chiến Pháp.

Các hãng quốc phòng phương Tây thì không ngừng chèo kéo, giành thị phần. BAE Systems đang làm việc với Thái Lan để chế tạo tàu tuần tra ngoài khơi trong khi các công ty nhỏ hơn thì bán vũ khí và thiết bị điện tử. Dĩ nhiên, các khả năng trên biển của Mỹ vẫn là "không có đối thủ" với hơn 10 tàu sân bay cỡ lớn, chiếm hơn một nửa tổng số toàn cầu.

5 tàu khu trục hải quân Mỹ và một số lượng không xác định các tàu ngầm vẫn hiện diện ở ngoài khơi Syria, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ một khi thỏa thuận Nga - Mỹ về giải giáp vũ khí hóa học Syria thất bại. Tuy vậy, nếu việc cắt giảm ngân sách tiếp tục diễn ra trong suốt thập niên, hải quân Mỹ có thể phải giảm bớt số tàu chiến cũng như hạm đội tàu sân bay xuống còn khoảng 8-9 chiếc.

Một số nguồn tin cho hay, việc cắt giảm ngân sách đang ảnh hưởng tới một số hãng đóng tàu lớn của Mỹ như Huntingdon Ingalls, với các dự án phải trì hoãn gồm việc xây dựng tàu sân bay hạt nhân mới USS John F. Kennedy.

Tại vùng Vịnh, lo lắng đội tàu của Iran và sự hiện diện sụt giảm của Mỹ khiến Ảrập Xêút, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất đẩy mạnh kế hoạch mua, chế tạo tàu tuần tra mới. Những hợp đồng quốc phòng thực sự rất có giá trị. Trong tháng 7, Ảrập Xêút yêu cầu mua 30 tàu tuần tra đặc nhiệm Mark V với giá trị 1,2 tỉ USD từ hãng Halter Marine Inc tại Mississippi.

Về số lượng tàu, rất nhiều hạm đội châu Âu - gồm cả Hải quân Anh từng chiếm ưu thế trong sức mạnh biển, giờ đây lại duy trì ở mức nhỏ nhất trong nhiều thế kỷ. Ba năm qua, Anh hầu như không có tàu sân bay hoạt động. Mặc dù nhỏ hơn nhưng hải quân một số nước châu Âu vẫn duy trì sức mạnh. Tây Ban Nha, Pháp và Italy đều có các tàu mới kể từ năm 2000.

Tàu sân bay khủng lớp Queen Elizabeth của Anh dự kiến ra mắt trong năm 2014, có thể được đưa vào biên chế phục vụ trong hạm đội của Hải quân Anh vào năm 2015. Cho dù nhỏ hơn tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ, nhưng đây vẫn sẽ là con tàu lớn nhất trong lịch sử lâu dài của Hải quân Hoàng gia Anh.

"Đây là thời kỳ phục hưng sức mạnh hàng hải", đô đốc Anh George Zambellas nói. "Hải quân đang thực sự trở lại".

Thái An (theo Reuters)