- Chỉ số công lý mới thực hiện bước đầu với 5.045 người dân tại 21 tỉnh, thành và công bố hôm nay (3/10) được kỳ vọng trở thành cuộc thảo luận công khai để người dân lên tiếng về việc pháp luật có bảo vệ họ không.

Chỉ số công lý là kết quả hợp tác giữa Hội Luật gia VN, Trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP). Chỉ số năm 2012 có được qua phỏng vấn trực tiếp người dân dựa trên bảng hỏi, phương pháp giống với các chỉ số gần đây như PCI, PAPI.

{keywords}
Lễ công bố chỉ số công lý 2012. Ảnh: UNDP Việt Nam

Người dân được hỏi về hiểu biết pháp luật, khả năng tiếp cận các thông tin và dịch vụ pháp luật, việc thực hiện các quyền con người và quyền công dân, về tính công bằng và liêm chính, tính tin cậy và hiệu quả của các cơ quan pháp luật… Họ trả lời bằng chính trải nghiệm và đánh giá của bản thân.

Mới thực hiện bước đầu với quy mô nhỏ, chỉ số công lý 2012 phản ánh một số thực tế sau: Bất bình đẳng về tiếp cận thông tin và các dịch vụ pháp lý đang cản trở việc bảo đảm các quyền cơ bản của người dân trên thực tế.

Khảo sát cho thấy những người học vấn thấp, người nghèo và phụ nữ gặp bất lợi trong việc thực hiện phần lớn các quyền cơ bản như cư trú, đi lại, hội họp, ngôn luận… Những người có vị thế xã hội thì lạc quan hơn về khả năng thực hiện các quyền trên.

Sự bất bình đẳng này ảnh hưởng tiêu cực tới niềm tin của người dân vào các thiết chế công quyền, dẫn đến việc tự giải quyết hoặc sử dụng các cơ chế không chính thức.

Ví dụ trong các tranh chấp đất đai, phần lớn người được hỏi tìm đến “cò” để giải quyết, còn nếu có bị xâm phạm quyền lợi về môi trường, họ thường bỏ qua.

Khảo sát cũng cho thấy người dân thường đến chính quyền cơ sở để tìm công lý, do đó họ mong những cơ quan này hiệu quả, đáng tin cậy, liêm chính, chuyên nghiệp và dễ tiếp cận.

Cải thiện những điểm này phải được coi là trọng tâm của tiến trình cải cách tư pháp trước mắt và lâu dài.

Những người thực hiện kỳ vọng kết quả này sẽ được ứng dụng trong việc đánh giá hiện trạng và phân tích chính sách của các cơ quan pháp luật, xác định những hạn chế và bất cập trong việc bảo đảm công lý cho người dân, xác định các mục tiêu cụ thể để cải thiện tình hình.

“Vì công lý không chỉ là việc thi hành đúng pháp luật mà còn là đảm bảo pháp luật phải đúng ngay từ đầu”, ông Đặng Ngọc Dinh,  Giám đốc CECODES, nói.

Những người thực hiện cũng kỳ vọng mở rộng quy mô và phạm vi khảo sát trong những lần triển khai tiếp theo để chỉ số này ngày càng chính xác và đáng tin cậy.

“Chỉ số này có thể trở thành một cuộc thảo luận công khai để người dân nói lên suy nghĩ của mình về công lý, về việc pháp luật có bảo vệ họ không”, ông Phạm Duy Nghĩa, ĐH Kinh tế TP.HCM, thuộc ban tư vấn của chỉ số, nói.

Chung Hoàng