Mỹ tuyên bố sẽ triển khai các thiết bị quân sự mới tại Nhật Bản và nhắc lại cam kết ủng hộ quyền kiểm soát của Nhật về các đảo tranh chấp với Trung Quốc.


{keywords}
Ảnh: AP

Ngày 3/10, tại Tokyo, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đã có cuộc gặp với những người đồng cấp Nhật. Lần đầu tiên, các quan chức đã nhất trí sửa đổi các nguyên tắc hợp tác quốc phòng giữa hai nước kể từ năm 1997. Hai bên cũng chính thức hóa thỏa thuận chuyển một số lính Mỹ từ Okinawa tới Guam cũng như kế hoạch hợp tác trong phòng thủ mạng.

"Liên minh Mỹ - Nhật là nền tảng cho hòa bình và thịnh vượng khắp châu Á - Thái Bình Dương", ông Kerry nói với báo giới sau cuộc gặp. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, hai bên sẽ thiết lập một lộ trình chiến lược cho 15-20 năm tiếp theo.

Tuyên bố chung của hai chính phủ nói rõ, ông Kerry và Hagel đã gặp Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida và Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera để tái xác nhận cam kết của Mỹ "đối với an ninh Nhật thông qua các khả năng quân sự toàn diện của Mỹ kể cả hạt nhân và thông thường".

Mỹ - Nhật còn khẳng định tạo ra một "liên minh mạnh mẽ hơn" trong bối cảnh Trung Quốc tăng tốc chi tiêu quân sự, mở rộng tầm với hải quân; Triều Tiên gia tăng khả năng tên lửa đạn đạo và đe dọa láng giềng với các cuộc tấn công hạt nhân.

Trung Quốc đã lên án việc mở rộng liên minh, và cho rằng đó là chủ nghĩa quân phiệt Nhật kiểu mới. Căng thẳng giữa hai cường quốc châu Á vẫn ở mức cao kể từ khi Nhật mua lại một số đảo trong nhóm đảo tranh chấp với Trung Quốc ở Hoa Đông vào tháng 9/2012. Từ đó tới nay, tàu tuần tra Trung Quốc thường xuyên qua lại ở vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư để thách thức tuyên bố chủ quyền của Nhật.

"Quan điểm rõ ràng của Mỹ là, trong khi chúng tôi không can thiệp vào vấn đề chủ quyền Senkaku, thì chúng tôi công nhận sự quản lý của Nhật với quần đảo này. Chúng tôi thúc giục các bên không có bất kỳ hành động đơn phương nào", ông Kerry nhấn mạnh. Về phần mình, ông Kishida đã cảm ơn Ngoại trưởng Mỹ về sự ủng hộ này.

Với vấn đề Triều Tiên, ông Kerry cho rằng, Trung Quốc đóng một vai trò trong việc thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Quan chức Mỹ "thừa nhận sự khác biệt" trong quan hệ hai bên nhưng khẳng định "chúng tôi tìm kiếm những điều có thể hợp tác" như chia sẻ mối quan tâm về một Triều Tiên phi hạt nhân. "Một Trung Quốc trỗi dậy được hoan nghênh miễn là tuân thủ các chuẩn mực và giá trị quốc tế, làm việc một cách xây dựng", ông Kerry nói.

Trong cuộc gặp, Mỹ cũng thông báo về vị trí triển khai hệ thống rađa phòng thủ tên lửa thứ hai ở Nhật Bản. Hai bên cũng thảo luận về kế hoạch chuyển 5.000 lính Mỹ từ Okinawa tới Guam để tránh các tác động với cộng đồng địa phương. Theo kế hoạch này, Nhật sẽ chi trả 3,1 tỉ USD trong tổng chi phí ước tính 8,6 tỉ USD cho việc di chuyển.

Mỹ khẳng định sẽ điều động luân phiên máy bay không người lái Global Hawk tới Nhật kể từ năm 2014 và lần đầu tiên triển khai máy bay tuần tra hàng hải P-8 đến nước này từ tháng 12 năm nay.

Như một phần thúc đẩy liên minh sâu sắc hơn, hai bên cam kết mở rộng hợp tác trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và hải tặc trên toàn cầu; phối hợp hoạt động nhân đạo. Nhật và Mỹ dự kiến làm việc với ngành công nghiệp tư nhân để đối phó với các mối đe dọa an ninh mạng; tận dụng công nghệ không gian và vệ tinh để tăng cường an ninh hàng hải.

Thái An (theo Bloomberg)