- Trải qua nhiều năm kiên trì đến với dân, đến khi cách mạng đã có chỗ đứng chân trong nhân dân rồi, Hồ Chí Minh mới giao cho Võ Nguyên Giáp nhiệm vụ tổ chức Đội Quân giải phóng.

{keywords}
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh với các cựu chiến binh quận Hai Bà Trưng, Hà Nội năm 1999. Ảnh tư liệu

LTS: Đại tá Trần Trọng Trung là tác giả cuốn "Võ Nguyên Giáp - danh tướng thời đại Hồ Chí Minh". Với tư cách một nhà nghiên cứu lịch sử chiến tranh cách mạng, ông đã dày công viết về sự nghiệp của Đại tướng.

Được sự cho phép của ông, VietNamNet trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số trích đoạn của cuốn sách:

“Nhà chính trị đi trước nhà quân sự” - đó là cách định nghĩa của Đại bách khoa toàn thư Pháp (1987) về Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Người Việt Nam có thể hiểu đó là một cách nói lên sự thấm nhuần của Võ Nguyên Giáp về một điểm cơ bản của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh ngay từ những năm đầu thập kỷ 40 của thế kỷ XX, cụ thể là về mối quan hệ giữa chính trị và quân sự, nhân dân và quân đội, người và súng, tinh thần chiến đấu và trang bị kỹ thuật. 

Người trước - súng sau là quan điểm Cụ Hồ đã nhấn mạnh ngay từ những ngày đầu Võ Nguyên Giáp gặp Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Hầu hết cán bộ quân sự Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp đều bắt đầu cuộc đời cách mạng bằng những hoạt động chính trị và khi chuyển sang lĩnh vực quân sự thì một số khá đông đã là đảng viên cộng sản, những cán bộ chính trị mặc áo lính, hoạt động quân sự nhằm mục tiêu chính trị của Đảng, mục tiêu giải phóng dân tộc thống nhất đất nước. 

Ông Giáp là một trường hợp điển hình. Ông đã từng là đảng viên cộng sản, một nhà chính trị nhiều năm trước khi lãnh sứ mệnh cầm quân.

Quá trình vận động chính trị quần chúng mà Cụ Hồ gọi là “nhóm lửa”, suốt mấy năm trèo đèo lội suối đem ánh sáng cách mạng đến với đồng bào vùng cao trong liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng, là quãng thời gian ông Giáp nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò cách mạng của quần chúng. 

Trong đông đảo nhân dân các dân tộc được ông giác ngộ, không ít người đã trở thành cán bộ lãnh đạo ở địa phương hoặc trở thành chiến sỹ Quân giải phóng sau khi nhận thức được mục đích chính trị của việc cầm súng. Từ đó, yếu tố nhân dân càng “bám rễ” sâu vào tư duy quân sự cách mạng của Võ Nguyên Giáp.

Trải qua nhiều năm kiên trì đến với dân, đến khi cách mạng đã có chỗ đứng chân trong nhân dân rồi, Hồ Chí Minh mới giao cho Võ Nguyên Giáp nhiệm vụ tổ chức Đội Quân giải phóng. 

Buổi đó Cụ dặn: Dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì không kẻ thù nào có thể tiêu diệt được. Cho nên thật dễ hiểu vì sao bản lĩnh của nhà quân sự Võ Nguyên Giáp trước hết là bản lĩnh của nhà chính trị Võ Nguyên Giáp, người nhận thức đúng đắn về vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng, nhận thức về mối quan hệ giữa hoạt động quân sự với mục đích chính trị của Đảng, nhận thức về quan hệ cá - nước giữa lực lượng vũ trang với quần chúng nhân dân. 

Ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ tổ chức quân đội, ông đã dạy cho Đội vũ trang tuyên truyền nhỏ bé mới lọt lòng biết rằng mọi hoạt động quân sự đều phải nhằm mục đích phát triển phong trào chính trị quần chúng và không được làm tổn hại đến phong trào chính trị quần chúng. 

10 lời thề

Ngay từ buổi đầu, trong Mười lời thề, ông đã dạy cho các chiến sỹ du kích những điều cần làm và những điều cần tránh để duy trì mối quan hệ quân - dân - cá - nước. 

Trong quá trình chuẩn bị tiến lên khởi nghĩa vũ trang, mọi hoạt động của Đội vũ trang tuyên truyền đều hướng vào mục tiêu chính trị là động viên toàn dân đứng lên đánh Pháp đuổi Nhật, giải phóng dân tộc. 

Tuy thời kỳ tiền khởi nghĩa chỉ diễn ra trong vòng gần nửa năm, nhưng khẩu hiệu khơi thêm nước cho cá vẫy vùng do Tổng bộ Việt Minh đề xướng đã giúp cho Đội Quân giải phóng hiểu môi trường chính trị quần chúng quan trọng như thế nào đối với sự tồn tại, phát triển và họat động của đội vũ trang.

Qua các trang viết của Võ Nguyên Giáp về những năm 1940-1945, cụ thể là các tác phẩm Khu giải phóng, Kinh nghiệm Việt Minh ở Việt Bắc, người ta thấy nổi lên một điều, đó là yếu tố chính trị quần chúng luôn được ông hết sức coi trọng trong suốt quá trình vận động chính trị quần chúng tiến lên vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền.

Sau Tổng khởi nghĩa, việc xây dựng cơ sở chính trị quần chúng làm chỗ đứng chân cho cách mạng, nơi nương tựa để hoạt động của các tổ chức vũ trang, lại được ông tiếp tục coi trọng trong điều kiện mới, điều kiện đất nước đã giành được chính quyền, nhưng ngay sau đó chính quyền non trẻ ở nhiều địa phương không tồn tại trước sức ép từ nhiều phía của các loại kẻ thù.

Kiên trì cử các đội vũ trang tuyên truyền lên Tây Bắc ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng để gây dựng cơ sở chính trị quần chúng; gợi ý cho cấp chỉ huy chiến trường Khu 5 phân tán một số đơn vị vũ trang đi vào vùng địc kiểm soát ở Nam Trung Bộ để vũ trang tuyên truyền, tranh thủ nhân dân, duy trì cho được thế mất đất không mất dân; đặc biệt quan tâm chỉ đạo cuộc đấu tranh để duy trì và phát triển cơ sở chính trị và vũ trang trong vùng sau lưng địch trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là các vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên, Đông Bắc và Tây Bắc Bắc Bộ, ở Thượng Lào ở vùng đồng bào Công giáo đồng bằng nam sông Hồng, tất cả các biện pháp chiến lược đó đều chứng minh sự quan tâm của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đến cơ sở chính trị quần chúng trước và trong chiến tranh. 

Khi quân ta chuyển lên đánh lớn, nhất là khi mở những chiến dịch trong hoặc gần vùng đông dân, bao giờ mục đích chiến dịch cũng có một nội dung quan trọng là tranh thủ nhân dân. Chiến dịch mở ra trong những vùng dân cư đặc biệt, như Tây Bắc, Thượng Lào, Hà - Nam - Ninh, bên cạnh mệnh lệnh quân sự bao giờ cũng kèm theo những điều quy định về kỷ luật dân vận.

Điều đó giải thích vì sao khi quân ta về chiến đấu trong vùng như Phát Diệm, đồng bào giáo dân sớm nhận thấy bản chất anh bộ đội Cụ Hồ khác hẳn những điều mà bà con bị chính quyền tay sai tuyên truyền xuyên tạc và các tầng lớp giáo dân sớm tỏ thái độ đồng tình và ủng hộ kháng chiến. 

Sau mỗi chiến dịch, trong chỉ thị của Tổng Tư lệnh về củng cố vùng mới giải phóng, bao giờ cũng đề cập đến nhiệm vụ bảo vệ nhân dân, đề phòng địch trở lại khủng bố càn quét, đồng thời với nhiệm vụ nhanh chóng ổn định đời sống chính trị - xã hội của địa phương, cải thiện đời sống nhân dân. 

Nhìn trên phạm vi toàn cục, quan hệ quân - dân - cá - nước đã trở thành truyền thống của quân đội và nhân dân ta, trong thời chiến cũng như trong thời bình. 

Đạt được kết quả đó, ngoài yếu tố có tính quyết định là sự lãnh đạo và giáo dục chung của Đảng và các tổ chức chính trị trong Mặt trận, việc Tổng Tư lệnh kiêm Bí thư Quân ủy Trung ương Võ Nguyên Giáp quan tâm chỉ đạo các tổ chức đảng và hệ thống công tác chính trị trong quân đội để giữ vững kỷ luật dân vận có ý nghĩa rất quan trọng để duy trì và củng cố mối quan hệ quân dân doàn kết giết giặc cứu nước. 

Điều đó giải thích vì sao, ở tiền tuyến cũng như ở hậu phương trong tác chiến cũng như trong xây dựng, bộ đội Cụ Hồ dưới quyền chỉ huy của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp luôn được nhân dân ủng hộ. Ông đã đã giáo dục cho quân đội thấm nhuần một chân lí mà Cụ Hồ đã dạy: yếu tố chính trị quần chúng là chỗ dựa không thể thiếu trong bất kỳ hoạt động quân sự nào của quân đội cách mạng, quân đội nhân dân.

  • Trần Trọng Trung

Bài 2: Võ Nguyên Giáp: 'Ngọn núi lửa phủ tuyết'