- Ngay đêm 4/10, nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, ở TP.HCM, các cựu chiến sĩ Điện Biên đã tập trung ở nhà Trung tướng Lê Nam Phong, dành một phút mặc niệm. 

Trung tướng Lê Nam Phong (87 tuổi), người từng sống và chiến đấu cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ, treo trong phòng riêng bức chân dung rất lớn của Đại tướng và sưu tập hàng tá cuốn sách viết về vị Tổng tư lệnh QĐND Việt Nam.

Trung tướng chia sẻ bằng giọng trầm buồn: Ông đang ngồi xem tivi thì được bạn ngoài Hà Nội báo tin Đại tướng mất. Đầu ông căng ra, lời nói của người bạn như tiếng thét bên tai, ông nhận ra mình đã mất đi một điều gần gũi như máu thịt.

“Trong đời lính, Đại tướng là người mà tôi thân thiết, gần gũi nhất, được sống và chiến đấu cùng ông. Từ một người lính đến hàm trung tướng, tôi vô cùng biết ơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chính ông đã dìu dắt tôi trưởng thành. Ông là tấm gương để tôi học tập và phấn đấu”, ông Phong chia sẻ.

{keywords}
Trung tướng Lê Nam Phong - người được Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đặt biệt danh "đại đội trưởng đầu trọc"

Trong một giờ đồng hồ sau đó, ông Phong - Trưởng ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ, gọi điện cho đồng đội để báo tin và bàn kế hoạch cử người ra Hà Nội viếng Đại tướng.

“Tôi muốn ra Hà Nội lắm nhưng sức yếu rồi. Anh em ai cũng xúc động vì cùng sống bao nhiêu năm với Đại tướng. Đúng là mình mất đi một người Anh Cả, thật đáng thương, đáng tiếc và đáng nhớ. Chúng tôi đã dành một phút mặc niệm Tướng Giáp”, ông Lê Nam Phong bộc bạch.

Trung tướng hồi tưởng, khi chưa gặp Tướng Giáp, ông chỉ nghe nói là người được Bác Hồ phát hiện và đề bạt. Đến khi gặp Đại tướng trong chiến dịch Biên giới 1950, ông nhận ra vị Tổng tư lệnh đúng là “người nhìn đã thấy có uy, có một sự tín ngưỡng thần tượng đối với tôi”.

“Nhiều lần được tiếp xúc và gần gũi Đại tướng, tôi cảm nhận đôi mắt ông vừa sắc sảo vừa ấm áp. Sắc sảo là tài thao lược, ấm áp là lòng nhân hậu. Sau mỗi trận đánh lớn nhỏ, Đại tướng đều hỏi về thương vong của quân ta, nhiều lần ông đã khóc. Tài năng và đức độ của người Anh Cả trong quân đội hòa quyện vào nhau, đó là hạnh phúc của toàn quân”, ông Phong nói.

Kỷ niệm sâu sắc nhất đối với ông Phong là lần ở chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đặt biệt danh cho ông.

Ông Phong kể: Khi cho quân đào chiến hào giữa thung lũng Mường Thanh mùa mưa ngập nước, thấy quân lính bị bùn đất bám vào tóc, ông nghĩ ra sáng kiến cạo trọc đầu, huy động cả đội làm theo.

Vào một đêm tháng 4, một trận mưa to cuốn đồ đạc và cả bộc phá trôi nổi khắp nơi trong chiến hào. Đúng lúc đó, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đi kiểm tra, thấy thế đã gọi đại đội trưởng Lê Nam Phong lên.

"Tổng tư lệnh hỏi tôi 2 điều: Tại sao anh để bộc phá và đồ đạc trôi nổi trong chiến hào? Tại sao anh cạo trọc đầu? Hồi đó còn ít tuổi, tôi trả lời Tổng tư lệnh xanh rờn, cạo trọc đầu để thề giải phóng Điện Biên", Trung tướng Lê Nam Phong kể.

Đáp lại, vị Tổng tư lệnh đặt cho ông biệt danh "đại đội trưởng đầu trọc". Gần 40 năm sau, khi gặp lại ở Hà Nội, Đại tướng vẫn gọi ông là "đại đội trưởng đầu trọc”.

"Tướng Giáp không chỉ là người thông minh, một nhà chiến lược, chiến thuật có tầm nhìn xa rộng, mà còn là một con người giản dị, đi sâu đi sát và yêu thương chiến sĩ, là người nhẹ nhàng, ân cần, dễ gần", Trung tướng Lê Nam Phong nói.

Đại tá Hoàng Minh Phương (85 tuổi) làm trợ lý cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ 1950 đến 1975. Ông bàng hoàng khi nhận tin về sự ra đi của Tướng Giáp từ Đại tá Nguyễn Huyên (Văn phòng Đại tướng).

Suốt đêm không ngủ được, ông dậy sớm sáng thứ 7 cặm cụi viết lại những kỷ niệm sâu sắc của mình với người Đại tướng.

{keywords}

Đại tá Hoàng Minh Phương (thứ hai từ phải qua). Ảnh: Tá Lâm

“Tôi gọi Đại tướng bằng cái tên anh Văn kính mến. Đối với tôi, Tướng Giáp không chỉ là vị Tổng tư lệnh kính yêu, mà tôi luôn coi ông là một người thầy, một người anh kính mến, đã dìu dắt tôi qua hơn 1/4 thế kỷ", ông Phương chia sẻ.

Kỷ niệm về Tướng Giáp cũng là kỷ niệm chung của cả gia đình ông. Mỗi lần Đại tướng vào TP.HCM, ông Phương đều đưa vợ con đến gặp và chụp ảnh lưu niệm với vị Tổng tư lệnh. “Các con tôi chủ trương dìu tôi, dù có phải ngồi xe lăn cũng phải ra Hà Nội viếng Đại tướng, nhưng vẫn lo vì sức khỏe của tôi không tốt lắm”, ông Phương nói.

Trong cuộc đời làm trợ lý, Đại tá Hoàng Minh Phương nhớ nhất hình ảnh tối 25/1/1954, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thức trắng một đêm để suy nghĩ cách đánh.

Sáng hôm sau, ông Phương lên thì thấy Đại tướng quấn lá ngải cứu quanh đầu. Đại tướng nói: "Mười một ngày qua mình trăn trở vì chủ trương đánh nhanh thắng nhanh và suốt đêm qua không ngủ được. Chiều nay trận đánh sẽ bắt đầu mà những yếu tố thắng lợi ta chưa nắm chắc. Cậu qua báo với trưởng đoàn cố vấn đề nghị xin làm việc sớm để mình thuyết phục cho kéo pháo ra, chuẩn bị lại theo phương châm đánh chắc tiến chắc".

“Nếu không có quyết định sáng suốt, thay đổi cách đánh, từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc của Tổng Tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa thì hậu quả thật khôn lường, không có ngày hôm nay”, người trợ lý lão thành khẳng định.

Tháng 4/1954, trận đánh đồi A1 chưa thành công, mùa mưa kéo đến, đường tiếp tế cho Điện Biên Phủ rất khó khăn. Đêm đêm mỗi khi nghe tiếng sấm, Đại tướng bước ra lán, nhìn những đám mây đen trên đầu núi, bồn chồn lo gạo, đạn không lên kịp. “Đó là sự thao thức của một vị chỉ huy đầy trách nhiệm”, ông Phương nói.

Tá Lâm