- Đó là văn phòng làm việc độc đáo có các bộ phận từ hành chính, hậu cần, chuyên môn, không quy định tuổi nghỉ hưu. Mọi người luôn sẵn sàng làm việc cả đêm trắng, không nghỉ lễ theo Đại tướng.
Văn phòng đó “đóng đô” suốt mấy chục năm qua ở địa chỉ 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) - cũng là nơi ở của gia đình và con cái của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
“Đã gần 40 năm rồi…” - Đại tá Nguyễn Huyên, 83 tuổi, mái tóc thưa trắng, đếm thời gian ông gắn bó với văn phòng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể từ 1975.
Ông Huyên đã không hưởng tuổi nghỉ hưu, là Đại tá già nhất trong quân đội vẫn còn đương nhiệm cho đến khi Tướng Giáp trút hơi thở cuối cùng.
Nhiều người ghép danh cho ông như “thư ký trung thành”, “người giúp việc thân cận nhất”, “thư ký riêng” của Đại tướng bởi sự cận kề trọn vẹn bên Đại tướng cho đến tận cuối đời.
Đại tá Nguyễn Huyên: Tôi may mắn được làm việc với Đại tướng. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Ông Huyên thuộc mọi góc trong căn phòng làm việc của Đại tướng, từng góc ngồi của từng vị khách trong và ngoài nước, đồng bào, chiến sĩ, nhân dân, các nguyên thủ quốc tế từ 5 châu đến thăm, thuộc từng kỷ vật và câu chuyện gắn với chúng trong phòng làm việc này….
“Những người làm việc ở văn phòng thường gắn bó suốt đời. Tất cả mọi người về do phân công của Đảng và Nhà nước, hết sức quý trọng Đại tướng. Họ đã làm việc không những vì trách nhiệm mà còn vì tình cảm. Tôi may mắn được làm việc với ông” - Đại tá Nguyên Huyên chia sẻ.
Hành chính, y tế… là những bộ phận giúp việc khác nhau. Văn phòng làm việc của Đại tướng có đầy đủ người chuyên trách từ hành chính, công vụ, chuyên môn, hậu cần, y tế, nấu ăn…cao điểm có 17 người. Riêng bộ phận chuyên môn được chia riêng rẽ từng người theo dõi kinh tế, khoa học, chính trị, công việc của Đảng, Nhà nước, tư liệu họp hành…
Chức năng khác nhau nhưng tất cả như trong một gia đình. Sau này, khoảng 3 năm cuối đời khi Đại tướng chuyển vào Viện 108 để chăm sóc sức khỏe, văn phòng còn lại 9 người. Những người nghỉ hầu hết do tuổi cao, sức khỏe, có những người đã mất.
Một trong những cách làm việc của Đại tướng, đó là luôn tận dụng tư vấn chuyên môn. Mỗi bộ phận trong văn phòng giúp việc đều kết nối với các cơ quan chuyên ngành.
Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Phong Doanh |
“Đại tướng luôn sử dụng các cán bộ chuyên gia đầu ngành các lĩnh vực tập hợp, thuộc ngành nào thì phải có ý kiến của thứ trưởng, bộ trưởng, ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu, chứ không bao giờ chỉ căn cứ vào ý kiến của mình” - Đại tá Huyên cho biết.
Khi công tác về khoa học kỹ thuật, Đại tướng từng gửi gần 100 lá thư cho các nhà khoa học tham khảo ý kiến để phát triển nền khoa học.
“Đó là cách làm việc khoa học quân sự, cộng với kinh nghiệm nắm bắt nhanh và có cách làm việc tập hợp trí tuệ, làm giàu cho trí tuệ” - Đại tá Huyên nhận xét.
Đại tá Phạm Văn Ngà, người từng là bác sĩ riêng của Đại tướng trong 30 năm cũng cho hay, để đảm bảo kiến thức, kinh nghiệm, thông tin khoa học y tế, dược được cập nhật, hàng tuần ông chuyên môn với các bác sĩ giỏi nhất của từng chuyên khoa cần tham khảo từ các bệnh viện, qua đó hội chẩn, lấy ý kiến về tình trạng sức khỏe của Đại tướng.
Không ngừng nghỉ
Một trong những điều mà bất cứ ai giúp việc cho Đại tướng đều “kêu” rất nhiều, đó là Đại tướng làm việc không bao giờ nghỉ. Sáng từ 6h30 và có thể kéo dài đến suốt đêm.
Nơi lưu giữ nhiều kỷ vật. Ảnh: Minh Thăng |
Cũng bởi vậy nên không ai trong văn phòng chỉ làm theo giờ hành chính. Bất kể khi nào, ngày lễ, ngày Tết, đêm hôm, khi Đại tướng làm việc, công tác trong và ngoài nước, bộ phận giúp việc cũng lên đường theo Đại tướng.
Với tay chỉ lối đi trống trong căn phòng đang sử dụng để tiếp khách và trưng bày kỷ vật, Đại tá Huyên kể: “Chỗ lối đi này tôi vẫn nhớ như in dáng Đại tướng chắp tay sau lưng đi đi lại lại trong đêm để suy nghĩ về công việc. Mình ở cạnh chỉ nhắc khẽ anh nghỉ để sớm mai làm việc tiếp. Nhiều lần nhắc vậy lắm, nhưng cũng chỉ để nhắc thôi. Ông chẳng bao giờ chịu nếu chưa giải quyết xong công việc”.
Đại tá Ngà cho hay, ông cũng đã không biết bao lần “thót tim”, “căng thẳng” về cách làm việc triền miên của Đại tướng. Ông nhớ một lần trong chuyến công tác Liên Xô năm 1973, nhằm đúng 30 Tết, Đại sứ quán Việt Nam tổ chức tiệc và đón Đại tướng đến dự nhân dịp Đại tướng sang thăm nước bạn. Nhưng do làm việc quá sức nên ngay khi vừa đến, Đại tướng bị lịm xỉu, mặt tím tái. Sau 1 tiếng cấp cứu, Đại tướng tỉnh trở lại và dự tiệc bình thường.
Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2006. Ảnh: Reuters |
"Mình đắng mồm đắng miệng, không ăn được gì cả, thế mà ngay sau tối về, Đại tướng năn nỉ tôi: bất cứ giá nào đồng chí cũng phải cho tôi về ngay Việt Nam vì có đồng chí Fidel Castro sang thăm" - ông kể.
Trên máy bay, Đại tướng lại tiếp tục làm việc, không chợp mắt một phút cho đến khi về Hà Nội. Vừa về đến Hà Nội, ngay lập tức ông lại lên ô tô đi gặp Fidel trong bối cảnh hai miền Nam - Bắc chiến tranh căng thẳng.
Nơi trưng bày kỷ vật
Văn phòng làm việc của Đại tướng cũng là nơi đón tiếp đồng bào, chiến sĩ, nhân dân cả nước, các vị khách nguyên thủ trong và ngoài nước, quốc tế từ khắp nơi đến thăm. Nơi đây qua ngày tháng trở thành một bảo tàng thu nhỏ với muôn vàn những kỷ vật, tranh, ảnh mọi người yêu mến kính tặng Đại tướng.
Những hiện vật đồng bào, chiến sĩ, nhân dân cả nước dành tặng Đại tướng. Ảnh: Phong Doanh |
Đại tá Huyên cho hay, do văn phòng không đủ chỗ nên nhiều hiện vật, tranh, ảnh phải cất tạm trong kho. Mỗi thứ đều có những câu chuyện, kỷ niệm không thể nào quên về tình cảm của không chỉ Việt Nam mà cả thế giới yêu mến dành tặng Đại tướng.
Mong muốn lớn nhất của ông là sau này văn phòng sẽ trở thành một bảo , văn phòng lưu niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, để đây là nơi mọi người vẫn có thể đến để chia sẻ tình cảm yêu mến, là nơi lưu giữ những công trình nghiên cứu của Đại tướng để lại cho thế hệ mai sau.
Linh Thư