- Sáng 7/10, cả ngàn người tập trung rất sớm trước số nhà 30 Hoàng Diệu mong được tiếp tục vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Truyền hình trực tiếp từ 30 Hoàng Diệu).

 


Tối 6/10. Cả ngàn người vẫn tập trung trước số nhà 30 Hoàng Diệu mong được tiếp tục vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dù gia đình đã thông báo giờ nghỉ.

Trước sự thiết tha của người dân, gia đình đã để cửa mở quá giờ dự kiến dù đại diện ban tổ chức lễ viếng khuyên “bà con mệt rồi nên về nghỉ và mai quay lại”, nhắc lại thông báo còn mở cửa đến cuối tuần, trước khi quốc tang Nhà nước tổ chức. Buổi chiều chủ nhật, đã có khoảng 20.000 được vào viếng vị tướng mà họ vô cùng yêu mến, kính trọng.

Một phụ nữ đến từ Bắc Giang xếp hàng từ chiều không may mắn đến lượt vào trước khi gia đình Đại tướng tạm đóng cửa. Đôi mắt đỏ hoe, ngấn trào nước mắt, chị bảo “ngày xưa Bác Hồ mất thế nào thì bây giờ Bác Giáp cũng vậy”.

{keywords}
Cả ngàn người tập trung tối 6/10 trước số nhà 30 Hoàng Diệu, Hà Nội. Ảnh: Doãn Tấn

Chốc chốc kiễng chân lên để nhìn vào bên trong nhà Đại tướng, chị nói, sẽ trở lại sáng sớm mai để vào viếng Bác.

Hàng loạt người dân đứng trước cổng rào cũng ngó vào bên trong, thỉnh thoảng lại có người dân dưới lòng đường ghé vào hỏi cảnh vệ: Mấy giờ thì có thể vào viếng?

Anh Nguyễn Quốc Việt (Ninh Bình) tay cầm bó hoa cúc vàng cho biết ban ngày phải đi làm nên bây giờ đã muộn không được vào.

“Ngày mai tôi lại phải đi làm, nên có lẽ tối nào cũng ra đây để có thể nhìn vào bên trong ngôi nhà của Đại tướng” - anh Việt ngậm ngùi.

{keywords}
Ảnh: Phạm Hải

Bên vỉa hè trước cổng nhà Đại tướng ở Hoàng Diệu, có hai bố con đứng lâu ở đây, chẳng phải chờ đợi xếp hàng bởi cửa đã đóng vì muộn. Họ đứng đó như để nắm giữ điều gì đó.

Đứa trẻ hỏi bố “linh hồn là trí tưởng tượng hả bố?”. Người bố giải thích “người nào làm nhiều việc tốt sẽ luôn được mọi người quý trọng, cho dù linh hồn là tưởng tượng thì ông Giáp chết nhưng linh hồn của ông vẫn còn sống mãi với nhân dân”.

Một cựu binh lớn tuổi từng ở đoàn tàu 0 số của đơn vị hải quân cũng kịp về đến Hà Nội từ 6h sáng chủ nhật 6/10.

{keywords}
Ảnh: Phạm Hải

Ông chia sẻ: “Đại tướng mất đi là tổn thất to lớn của đất nước, quân đội chúng tôi. Tôi đến đây từ 6h nhưng cảnh vệ chưa cho vào, lúc đó còn rất đông người xếp hàng, bây giờ quay lại cũng chưa được viếng, ngày mai con gái và cháu sẽ tới cùng, dù đông nhưng vẫn sẽ chờ, không kịp vẫn sẽ chờ, chờ một vài ngày nữa, nhất định phải vào viếng”.

Ông cũng bày tỏ tự hào đã được gặp Đại tướng một lần khi bảo vệ cầu Long Biên năm 1967. 

{keywords}
Ảnh: Doãn Tấn

Một tốp học viên từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Cao Bằng cũng đến đây không kịp giờ. Họ không có phương tiện để đi lại nhưng đều hẹn nhất định phải trở lại.

Ông Phan Mạnh Hòa đến xếp hàng từ 3h30 chiều nhưng cuối cùng không đến lượt vì quá đông. Trong thời gian xếp hàng, ông được một cựu chiến binh đưa cho tờ giấy trong đó có bài thơ “ Anh Cả ơi” của một cựu binh tên Nguyễn Khắc Viết. Bài thơ của cựu binh này được truyền tay nhau ở đây.

“Khi đọc bài thơ đó tôi rất xúc động, tình cảm với Đại tướng lại càng lớn lao hơn” - ông nói và chìa bài thơ cho mọi người cùng xem:

“Anh Cả ơi
Nghe tin anh cả mất rồi!
Vô cùng thương tiếc một đời “đại nhân”
Nghe tin Anh Cả từ trần!
Trẻ già ngơ ngác bần thần tiếc thương,
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương”
Nhân dân ghi nhớ khôn lường công Anh!
Một đời cống hiến hy sinh,
Một đời vì Đảng trọn tình vì dân,
Một đời học Bác chuyên cần!
Một đời tích đức, tu thân một đời,
Trăm năm đi trọn cõi người,
Thác không ăn uổng cơm trời ban cho,
Quảng Bình quê nội đón chờ!
Anh về vui với nơi thờ Mẹ Cha!”

{keywords}

{keywords}

 

{keywords}Ảnh: Phạm Hải

Hồng Nhì - Thủy Chung