Quan điểm chung của những người được hỏi là ngày càng lo ngại về sức mạnh kinh tế đang trỗi dậy của Trung Quốc.

Cuộc thăm dò do tổ chức quốc tế GlobeScan/PIPA thực hiện với 28.000 người tại 27 quốc gia. Theo đó, những người được hỏi đều cho rằng, việc Trung Quốc ngày càng có thế lực về kinh tế là “điều xấu” với những đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc – đặc biệt là các nước giàu.

So với cuộc thăm dò nội dung tương tự của BBC World Service năm 2005, quan điểm tiêu cực về sức mạnh kinh tế của Trung Quốc ngày càng tăng – và hiện tại quan điểm này chiếm đa số tại Mỹ, Pháp, Canada, Đức và Italy.

Ảnh: paper

Quan điểm tiêu cực cũng tăng lên đáng kể tại các nước như Anh và Mexico. Tuy nhiên, số người có đánh giá tích cực ở đây vẫn đông hơn.

Theo đánh giá chung của cuộc thăm dò, Trung Quốc vẫn được nhìn nhận tích cực. Nhìn về tổng thể, trung bình 50% người tham gia điều tra dư luận có cách nhìn tích cực về sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, 33% có quan điểm tiêu cực.

Hai quốc gia có số người đánh giá tích cực về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc nhiều nhất là ở châu Phi gồm Nigeria (82%) và Kenya (77%). Trên thực tế, phần lớn các nước tại châu Phi đều có số đông người được hỏi đưa ra nhìn nhận tương tự.

Trong cuộc thăm dò tại các nước đang phát triển, quan điểm tích cực về Trung Quốc nhiều hơn tiêu cực, ngoại trừ Mexico.

Vậy điều gì đứng sau những cảm giác về sức mạnh kinh tế Trung Quốc? Có thể đây là lời giải thích.

Trước khi cuộc thăm dò diễn ra, thế giới đã trải qua cuộc khủng hoảng tài chính nặng nề, rồi suy thoái kinh tế. Thế giới phát triển bị ảnh hưởng lớn. Sự phục hồi hiện tại trong nền kinh tế toàn cầu được dẫn dắt bởi các nước đang phát triển, đặc biệt là Trung Quốc.

Trong khi đó, công cuộc phục hồi ở những nước giàu lại khá chậm chạp. Tỉ lệ thất nghiệp gia tăng do suy thoái sẽ phải mất nhiều năm mới có thể đảo ngược.

Tom Friedman, biên tập nổi tiếng của Thời báo New York cho hay: “Chắc chắn rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc, trùng khớp với thời điểm trì trệ ở rất nhiều nền dân chủ hàng đầu phương Tây, sẽ gây ra tâm lý bất an”.

Bất công bằng thương mại

Còn một vấn đề kinh tế khác khá nổi bật trong cuộc thăm dò đó là chuyện công bằng thương mại. Người tham gia được hỏi họ có cho là thương mại Trung Quốc công bằng với các nước khác.

Kết quả cho thấy, quan điểm bất công bằng trong thương mại Trung Quốc chiếm trên 50% với người được hỏi tại Nhật, Hàn Quốc, Đức và Italy. Tại Mỹ, con số này là 45% so với 24% người nghĩ rằng có sự công bằng.

Chính sách tiền tệ của Trung Quốc thu hút rất nhiều chú ý. Các nhà phê bình cho rằng, việc nước này duy trì giá trị thấp với đồng nhân dân tệ đã khiến công nghiệp Trung Quốc giành lợi thế cạnh tranh bất công bằng so với quốc gia khác.

Vậy quan điểm tích cực về sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc ở thế giới đang phát triển là thế nào?

Tại một số nước đặc biệt là ở châu Phi, Trung Quốc đầu tư rất lớn. Sự đầu tư ấy mang lại việc làm, cải thiện cơ sở hạ tầng cho dù giới phê bình coi đó là cách để sở hữu nguồn tài nguyên giàu có của châu Phi (đặc biệt là năng lượng và kim loại).

Nhiều người có thể coi sự trỗi dậy của một nước đang phát triển sẽ là thách thức lớn với thế giới giàu có. Trong lĩnh vực kinh doanh, không ít người chỉ trích chính sách của Trung Quốc, nhưng nhiều người cũng coi nước này là một cơ hội. Hơn 1 tỉ người tiêu dùng sẽ gia tăng tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ khi mức sống của họ được nâng cao và các hãng của Trung Quốc không thể cung cấp tất cả.

  • Thái An (Theo BBC)