- Ngày 17/10, tại hội nghị tiếp xúc cử tri của đoàn ĐBQH TP.HCM về dự án sân golf nằm trong sân bay Tân Sơn Nhất và dự án xây mới sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai), hầu hết cử tri đề nghị hủy ngay dự án sân golf và dừng xây dựng sân bay Long Thành cho đến khi có nhu cầu.
‘Sân golf chỉ phục vụ người ăn chơi’
Cử tri Lê Văn Sang cho rằng, quan điểm xây sân golf là không được sử dụng đất lúa, đất quy hoạch khu công nghiệp, khu đô thị, đất rừng và địa điểm xây dựng sân golf chủ yếu là ở vùng trung du miền núi, vùng bãi cát ven biển khu vực miền Trung… nhưng nay Bộ GTVT lại xây dựng trong khu sân bay Tân Sơn Nhất là không thể chấp nhận được.
“Cử tri chúng tôi là những sĩ quan thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất lấy làm đau buồn khi sân bay Tân Sơn Nhất thời mở cửa lại thu hẹp để làm sân golf kiếm lời. Thật là mất cảnh giác. Trên thế giới chẳng có nước nào lại đưa sân golf vào trong sân bay như nước mình”, ông Sang nói.
Ông đề nghị phá dỡ toàn bộ sân golf, nhà hàng, khách sạn đã xây dựng bên trong sân bay Tân Sơn Nhất.
Đồng quan điểm, TSKH Sinh học Nguyễn Đăng Diệp (80 tuổi, từng nhiều năm công tác ở nhiều sân bay) cho khẳng định, ông không hiểu tại sao Việt Nam lại xây dựng nhiều sân golf đến vậy (hiện có 140 sân). “Tại sao lại lãng phí như thế? Bây giờ lại làm sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất nữa?”, ông băn khoăn.
TSKH Sinh học Nguyễn Đăng Diệp |
Theo ông Diệp, sân golf thường người ta làm ở nơi đất xấu nhất, xa dân vì sử dụng thuốc trừ sâu diệt cỏ. Sân golf chiếm diện tích đất quá lớn. Việc xây dựng sân golf chỉ phục vụ cho kẻ giàu có, ăn chơi chứ không phục vụ cho lợi ích của đa số người dân nghèo.
Việc xây dựng sân golf trong sân bay lại càng nguy hiểm… Cụ thể, xây dựng nhà 12 tầng rất nguy hiểm cho máy bay cất và hạ cánh.
“Chúng tôi đề nghị hủy ngay dự án sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất”, ông Diệp nói.
Cử tri Lê Trọng Sành (81 tuổi, nguyên Trưởng phòng Quản lý bay sân bay Tân Sơn Nhất) kiến nghị, phải thu hồi giấy phép xây dựng sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất.
Không nên vội xây sân bay Long Thành
Báo cáo với Thủ tướng, Bộ GTVT cho rằng rất khó mở rộng để nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất vì quỹ đất hạn chế. Do đó, Bộ GTVT xây dựng sân bay quốc tế Long Thành.
Mô hình sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất |
Cử tri Nguyễn Đăng Diệp cho rằng, không nên xây dựng sân bay Long Thành vào thời điểm này vì phải có số tiền rất lớn (trên 13 tỷ USD), trong lúc nước ta còn quá nghèo, nợ công lớn.
Tiếp nữa, hiện nay sân bay nước ta còn quá nhiều so với các nước Đông Nam Á và có nhiều sân bay chưa sử dụng hết công suất như sân bay Cần Thơ, Phú Quốc, Liên Khương, Cam Ranh.
“Tại sao không mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất mà lại lấy đất làm sân golf? Tại sao không sử dụng và mở rộng sân bay Biên Hòa (dọc đường số 1 đã có sẵn và có diện tích rất lớn). Đã có nhiều chuyên gia đề xuất việc này, mất khoảng 1 tỷ USD nhưng Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu lại cho rằng, sân bay Biên Hòa nhiễm dioxin. Thật phi lý vì sân bay Đà Nẵng nhiễm nhiều hơn, ta vẫn làm được”, ông Diệp nói.
Trong khi đó, theo tính toán của Bộ GTVT, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và Biên Hòa có quá nhiều hạn chế. Ngay cả khi mở rộng 2 sân bay này ở mức tối thiểu thì chi phí cũng sẽ cao hơn hoặc tương đương xây dựng sân bay Long Thành. Theo đó, cần đến 9,1 tỉ USD để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và 7,5 tỉ USD cho sân bay Biên Hòa, trong khi sân bay Long Thành chỉ 7,8 tỉ USD. Kết luận, Bộ GTVT cho rằng xây dựng sân bay Long Thành trong giai đoạn này là hợp lý.
Cử tri Nguyễn Quang Thái cho rằng, sân bay Tân Sơn Nhất nằm trong nội thành đông dân cư ở TP.HCM nên quan điểm xây dựng sân bay mới là đúng nhưng vấn đề là vào thời điểm nào thì hợp lý?
“Việc xây dựng sân bay Long Thành là quy hoạch lâu dài, có thể bàn ở 30-50 năm sau, chứ không phải thời điểm này”, ông Thái nói.
Còn PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không (ĐH Bách khoa TP.HCM) cho rằng, không nên xây dựng Long Thành quá sớm vì như thế không hiệu quả kinh tế.
Tá Lâm