Bài viết của Điều phối viên
thường trú LHQ tại Việt Nam Pratibha Mehta nhân ngày 20/10.
Những định kiến hạ thấp giá trị phụ nữ và con gái đã dẫn đến thực trạng mất cân
bằng giới trong sinh sản. Việc lựa chọn giới tính trong thời kỳ mang thai khiến
tỉ lệ sinh hiện nay ở mức cứ 112 bé trai mới có 100 bé gái. Nếu xu hướng này
tiếp tục, vào năm 2035 số lượng nam giới sẽ nhiều hơn nữ giới 10%, làm tăng hiểm
họa buôn bán mãi dâm và bạo lực do giới.
Dù tỉ lê phụ nữ tham gia lực lượng lao động ở Việt Nam nằm trong nhóm cao nhất
của khu vực, nhưng quá nhiều người vẫn phải vật lộn với mức tiền công rẻ mạt,
với các công việc tổn hại. Nhiều người không hề có hợp đồng lao động chính thức
hay được tiếp cận bảo hộ lao động. Vào năm 2010, gần 70% phụ nữ có việc làm dễ
bị tổn thương so với con số chỉ hơn một nửa của lao động nam. Trong những năm
gần đây, khoảng cách tiền lương theo giới cũng giãn rộng.
Phụ nữ còn đối mặt với tỉ lệ bạo lực cao. Theo nghiên cứu quốc gia về bạo hành
gia đình năm 2010, cứ 10 phụ nữ trải qua hôn nhân thì có gần 6 người từng chịu
ít nhất một dạng bạo hành gia đình ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Hơn
một phần ba đã phải chịu bạo hành tình dục hoặc bạo hành thân thể.
Nhưng tình hình đang thay đổi. Năm ngoái Việt Nam đứng thứ 48 trong tổng số 186
quốc gia về bình đẳng giới. Chỉ trong vòng hai thập kỷ qua, giới nữ đã đạt được
những thành tựu lớn trong tham gia giáo dục. Khoảng cách giới ở cấp tiểu học đã
được xóa bỏ, và giới nữ đã đuổi kịp, thậm chí vượt qua nam giới về mặt bằng cấp
đại học.
Một điều đang ngày càng được thừa
nhận rộng rãi là phụ nữ sở hữu những kỹ năng và kinh nghiệm đặc biệt khiến họ
trở nên vô giá trong công cuộc xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Phụ nữ thường
đảm trách duy trì mái ấm gia đình và công việc kinh doanh vào những thời điểm
khó khăn. Phụ nữ còn có khả năng làm việc cùng nhau và giao thiệp xuyên qua mọi
rào cản và ranh giới.
Chúng ta cần phải giải phóng hoàn toàn tiềm năng này. Chúng ta phải đưa thêm
nhiều phụ nữ tham gia vào bàn đàm phán và lên những vị trí có tiếng nói quyết
định.
Năm 1997, Việt Nam được xếp hạng trong danh sách 10 quốc gia đứng đầu thế giới
về số đại biểu nữ trong Quốc hội. Nhưng đến năm nay, thứ hạng này của Việt Nam
đã rơi xuống vị trí 49 trên toàn cầu.
Việt Nam có hành lang pháp lý khá tốt và chủ trương nhất quán nâng cao tỉ lệ đại
diện của nữ giới, song vẫn chưa thực hiện được chỉ tiêu đề ra. Một mục tiêu đang
được hướng tới là đạt tỉ lệ 35% đại biểu nữ trong cuộc bầu cử 2016. Tuy nhiên,
có chênh lệch lớn giữa mục tiêu và tỉ lệ 24% hiện nay các đại biểu nữ.
Không bao giờ quá muộn để hành động. Điều quan trọng là cuộc bầu cử sắp tới cần
đảm bảo rằng ít nhất 50% các ứng viên ở mọi cấp. Theo Hội Liên hiệp phụ nữ,
trong cuộc bầu cử trước đó, ứng cử viên nữ chỉ chiếm có 34%.
Chúng ta phải chủ động tuyển dụng, trao quyền và thăng chức cho những phụ nữ dày
dặn kinh nghiệm vào các chức vụ cao trong chính quyền.
Các nhà hoạch định chính sách cũng nên xem xét sửa đổi luật về độ tuổi hưu trí.
Khi nhiều phụ nữ sẽ về hưu ở độ tuổi mà họ vừa được đề bạt lên vị trí cấp cao,
độ tuổi nghỉ hưu khác biệt hiện nay sẽ hạn chế quyền bình đẳng của phụ nữ được
làm việc, được thăng chức và an sinh việc làm. Nó cũng mâu thuẫn với các tiêu
chuẩn bình đẳng đã được đưa ra trong Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt
đối xử với phụ nữ.
Quan trọng hơn cả, đàn ông và các thanh niên đóng vai trò rất quan trọng. Những
người đàn ông thực thụ sẽ không xâm phạm, ngược đãi hay áp bức phụ nữ. Họ hết
sức tôn trọng phụ nữ trên mọi phương diện của cuộc sống. Họ cũng hiểu rằng vị
trí của một phụ nữ không chỉ bó hẹp trong gia đình, trên đồng ruộng hay trong
khu buôn bán, mà còn có mặt trong ban giám đốc, cơ quan công quyền, hệ thống tư
pháp và cả Quốc hội.
Khi ngày nay, những người chồng, người cha, những người anh và các con trai sẵn
lòng chia sẻ gánh nặng gia đình và chăm sóc trẻ em, tôi hy vọng kể từ nay trở đi,
đây sẽ không chỉ là “ngày duy nhất” trong năm. Nếu như công việc gia đình được
chia sẻ bình đẳng trên bình diện hàng ngày, phụ nữ sẽ có thể tham gia đầy đủ vào
việc xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, bình đẳng hơn và công bằng hơn.
Vì vậy, vào ngày Phụ nữ Việt Nam năm 2013, chúng ta hãy cùng đứng lên vì những
quyền cơ bản của phụ nữ. Chỉ khi tiềm năng của cả nữ giới và nam giới được giải
phóng hoàn toàn, nó mới có thể mang đến sự thay đổi ý nghĩa và lâu dài cho Việt
Nam.
Pratibha Mehta (Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam)