Sự thành công trong việc chế tạo tên lửa Agni V tầm bắn 5.000km phản ánh cố gắng tìm kiếm thực lực không biết mệt mỏi của Ấn Độ trong công nghệ tên lửa.
Ảnh: ibnlive |
Các nhà quan sát nỗ lực tự thiết kế, chế tạo, xây dựng trang bị quốc phòng của Ấn Độ có thể tự hỏi, tại sao chương trình tên lửa nội địa mà quốc gia Nam Á theo đuổi lại thành công hơn mọi dự án khác nằm dưới sự kiểm soát của Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO).
Thậm chí khi chương trình tên lửa đạn đạo đạt tới một đích cao khác vào ngày 15/9 với sự thành công lần thứ hai trong cuộc thử nghiệm Agni V thì các dự án khác của DRDO như xe tăng Arjun, máy bay chiến đấu Tejas Light hay hệ thống cảnh báo sớm... tiến triển cũng rất nhọc nhằn .
Bắt đầu năm 1983 với tên gọi Chương trình phát triển tên lửa hành trình tích hợp ( IGMDP), cung cấp cho quân đội các loại tên lửa chiến lược và chiến thuật khác nhau. Cho tới nay, các tên lửa gồm Prithvi (tầm bắn 350 km); phiên bản hải quân của nó là Dhanush; các tên lửa phóng dưới nước và chuỗi tên lửa Agni có tầm bắn từ 1.000 - 5.000km. Loại mới nhất Agni V sẽ đi vào hoạt động có thể thể mang đầu đạn hạt nhân chạm tới các mục tiêu khắp phía nam, đông nam, trung và tây Á, Trung Quốc, hầu hết châu Âu và phần lớn châu Phi.
Trong lúc đó, Ấn Độ đã bắt tay vào chế tạo bản "kế tiếp" của Agni V là Agni VI. Loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa này (ICBM), với tầm bắn hơn 6.000m, có trọng tải lên tới 3 tấn (Agni hiện tại chỉ là 1 tấn), gồm nhiều đầu đạn độc lập, mỗi đầu đạn có thể ngắm tới mục tiêu khác nhau và gây khó khăn cho hệ thống phòng không đối phương.
Ấn Độ đã thẳng thừng nói rõ rằng, các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật (TNW) của họ sẽ là bom loại nhỏ do tên lửa tầm ngắn cung cấp. Với khả năng ngăn chặn hạt nhân của Pakistan trông chờ vào tên lửa Hatf-9, với tầm bắn tối đa 60km, thì Ấn Độ có thể đáp trả mọi sự khiêu khích của Pakistan như tấn công khủng bố hay mưu sát chính trị thông qua nhóm tác chiến can thiệp sâu vào lãnh thổ đối phương.
Pakistan hy vọng có thể ngăn chặn các vụ trả đũa như vậy bằng TNW. Ấn Độ cũng như Trung Quốc tin tưởng rằng, TNW là thứ vũ khí nguy hiểm, có thể rơi vào tay khủng bố hoặc các chỉ huy quân sự nổi loạn. Vì thế, khả năng ngăn chặn hạt nhân của Ấn Độ, lại gồm các vũ khí tầm xa hướng tới các thành phố đối phương (mục tiêu giá trị) chứ không phải cơ sở quân sự (mục tiêu lực lượng).
Ngay cả khi tránh TNW thì chương trình tên lửa đạn đạo Ấn Độ cũng gồm rất nhiều hệ thống tên lửa phụ trợ. Nó bao gồm Shaurya - loại lai ghép từ cả tên lửa hành trình lẫn đạn đạo và tên lửa hạt nhân K-15 phóng từ tàu ngầm; tên lửa hành trình Nirbhay vừa bước vào giai đoạn thử nghiệm. Họ cũng sở hữu một chương trình chống tên lửa đạn đạo với hai loại tên lửa đánh chặn phá hủy tên lửa đạn đạo đối phương trước khi có thể gây tổn thất.
Cuối cùng là tên lửa đất đối không (SAM) Akash có thể dò tìm và nhanh chóng bắn hạ máy bay đối phương trong phạm vi 30km; tên lửa chống tăng tự động tìm mục tiêu Nag với tầm bắn 4km; tên lửa không đối không Astra có thể bắn hạ các máy bay chiến đấu hiện đại trong phạm vi 44km. Ấn Độ đang chế tạo Astra II, có thể đánh trúng máy bay kẻ thù trong phạm vi 80km.
Dĩ nhiên, có được thành công này không phải là điều dễ dàng. Quan chức hàng đầu DRDO như cựu phụ trách VK Saraswat nói rằng, nền tảng thành công của chương trình phát triển tên lửa này được thiết lập từ năm 1982, khi Thủ tướng Indira Gandhi đưa ra quyết định quan trọng: Ấn Độ phải phát triển hệ thống tên lửa bản địa.
Hồ sơ của DRDO cho thấy, IGMDP bắt đầu từ năm 1983 với 8 phòng thí nghiệm nhưng nhanh chóng mở rộng thành 24. Cho dù hiện tại, các cụm nghiên cứu chế tạo tên lửa chỉ còn lại 4 phòng thí nghiệm nhưng thực tế DRDO sở hữu các phòng thí nghiệm trên khắp Ấn Độ hỗ trợ cho chương trình tên lửa. Và khi các chương trình trở nên phức tạp hơn, sự giám sát lại càng chặt chẽ hơn. Kể từ đầu tháng 9, các cụm nghiên cứu tên lửa bắt đầu hoạt động dưới hình thức "một giám đốc" người có quyền điều hành những chương trình tên lửa khác nhau mà phòng thí nghiệm của họ theo đuổi.
DRDO ngày nay đã mở cửa với thế giới, hệ thống tên lửa chiến thuật mà họ đồng chế tạo tự tin sánh ngang với các đối tác nước ngoài. Ấn Độ đã thiết lập liên doanh BrahMos với Nga để chế tạo tên lửa hành trình siêu thanh (tầm bắn 295km); DRDO cũng đang hợp tác với ngành công nghiệp không gian Israel để phát triển hai loại tên lửa đất đối không. Washington thì đề xuất cùng phát triển với Ấn Độ phiên bản tiếp theo của tên lửa chống tăng Javelin.
Thái An (theo nationalinterest)