- Đường Hồ Chí Minh (song song với quốc lộ 1A) có tổng chiều dài 3.183km, đi qua 28 tỉnh, thành (với điểm đầu là Pác Bó, Cao Bằng và điểm cuối là Đất Mũi, Cà Mau) có tổng mức đầu tư khoảng 350.000 tỷ đồng (17 tỷ USD).

Chiều 26/10, UB Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội họp toàn thể thẩm tra tờ trình của Chính phủ điều chỉnh nghị quyết 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Chậm tiến độ 3 năm, vốn tăng vọt

Theo tờ trình của Chính phủ, tổng chiều dài toàn tuyến đường Hồ Chí Minh được điều chỉnh từ 3.167km thành 3.183km (trong đó tuyến chính là 2.499km, nhánh phía Tây 684km), tránh các thành phố, thị xã, thị trấn để giảm khối lượng giải phóng mặt bằng.

Đường sẽ có mặt cắt ngang đường được quy hoạch theo từng đoạn với quy mô từ 2-6 làn xe, nền đường và khoảng 2/3 tuyến được quy hoạch thiết kế theo tiêu chuẩn của đường cao tốc.

Báo cáo thẩm tra của UB Khoa học, công nghệ và môi trường cho thấy giai đoạn 1 đã cơ bản hoàn thành, giai đoạn 2 bị chậm 3 năm so với yêu cầu.

Việc chậm phê duyệt quy hoạch và tổng mức đầu tư cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ dự án cũng như khiến mức đầu tư tăng vọt do lạm phát.

Theo tờ trình của Chính phủ, từ nay đến năm 2020, tổng vốn cho viêc thực hiện thông tuyến 2 làn xe đường Hồ Chí Minh là khoảng 91.462 tỷ đồng. Tuy nhiên, UB Khoa học, công nghệ và môi trường lưu ý với Chính phủ rằng tổng mức đầu tư để thông tuyến đã tăng gần 3 lần so với mức dự toán trong quy hoạch tổng thể năm 2007.

Có thể lấy ví dụ về cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống. Hiện nay, tổng mức đầu tư cho 2 cây cầu này rơi vào khoảng trên dưới 6.000 tỷ đồng/cầu, tăng 4 lần so với dự toán ban đầu.

Trả lời câu hỏi của ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) về việc trong thi công đã phát sinh chênh lệch bao nhiêu tiền so với dự toán, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết con số này là khoảng trên 3.000 tỷ đồng và “chủ yếu do trượt giá”.

Trong khi ông Thăng nhấn mạnh khó khăn về vốn khiến dự án chậm tiến độ thì UB Khoa học, công nghệ và môi trường lại cho rằng ngay từ đầu, dự án chưa được chuẩn bị chu đáo, chủ quan trong dự báo khả năng thu xếp tài chính nên khi thực hiện đã phát sinh nhiều vấn đề.

Chống “rơi rụng” tiền từ kho bạc đến công trình

Phân tích chi phí thực hiện dự án, ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) chỉ ra rằng Chính phủ đã sử dụng vốn trong đại dự án này chưa tốt.

{keywords}

Đại biểu QH Nguyễn Phi Thường. Ảnh: Minh Thăng

Ví dụ: Giá đầu tư cho 1 km đường tăng rất cao và tăng liên tục từ dự toán theo nghị quyết 38 của QH đến giá đầu tư trên thực tế, ở tất cả các giai đoạn.

Giai đoạn 1, dự toán 9,9 tỷ đồng/km nhưng thực tế là 10,8 tỷ đồng/km. Đến giai đoạn 2 (2007-2015) mức này là 42,3 tỷ đồng/km, giai đoạn 3 là 86,3 tỷ đồng/km.

ĐB Thường còn chỉ ra sự chênh lệch lớn về giá đầu tư trên 1 km trong cùng giai đoạn giữa các chặng. Ví dụ ở giai đoạn 2, giá đầu tư chặng Pác Bó - Hà Nội 47 tỷ/km nhưng chặng Chơn Thành - Cà Mau 26 tỷ/km, chặng Rạch Sỏi - Bến Nhất lên tới 65 tỷ đồng/km.

Ông Thường nhận định: Tiến độ chung của dự án đã chậm nhưng khối lượng thực hiện cũng thấp, hầu hết đều trong tình trạng chờ giải ngân. Trong khi giai đoạn 1 chưa giải ngân hết số tiền dự toán (còn dư 700 tỷ) thì đã yêu cầu giải ngân tiếp 250 tỷ để hoàn tất giai đoạn này.

“Tôi có cảm giác tăng vốn đầu tư là giải pháp chính để thúc đẩy tiến độ, hoàn tất dự án. Cần thay đổi tư duy từ chỗ đòi chi thêm tiền để kịp hoàn thành dự án sang tư duy giải ngân kịp đủ tiền để hoàn thành dự án để tránh tăng vốn”, ông Thường nói.

Giải thích về việc các chặng đường có giá xây dựng khác nhau tại cùng một giai đoạn, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết giá xây đường phụ thuộc địa chất và nhu cầu sử dụng.

“Có đường cần cầu vượt, cần hầm ngầm cho cả ô tô đi được thì suất đầu tư phải khác dẫn đến giá có sự chênh lệch”, ông Thăng nói.

Bà Bùi Thị An cho biết hiện cử tri kêu ca nhiều về chất lượng đường không đảm bảo, nhanh xuống cấp. Bà đề nghị với đường Hồ Chí Minh nói riêng và các con đường, các công trình xây dựng khác nói chung, Chính phủ cũng như Bộ GTVT cần có giải pháp để “tránh “rơi rụng” tiền vốn từ kho bạc đến khi xong công trình.

“Đường 21 do Cuba làm từ năm 1972 đến giờ vẫn tốt. Các đường khác thì sao? Cần nghiệm thu cho đúng chất lượng, không phải nghiệm thu xong rồi lại đi chắp vá ngay thì không ổn”, bà An đề nghị.

Dự án đường Hồ Chí Minh được chia làm 3 giai đoạn (2000-2007, 2007-2015 và giai đoạn đến 2020, sau 2020).

Vốn cho giai đoạn 1 là 13.312 tỷ đồng. Giai đoạn 2: 42.113 tỷ đồng (thời giá năm 2010. Mức được phê duyệt năm 2007 là trên 27.000 tỷ đồng).

Tổng mức đầu tư cho giai đoạn 3 theo tờ trình của Chính phủ khoảng 273.167 tỷ đồng, chưa kể 23.000 tỷ cho 133km đường đi trùng với các dự án khác đã được bố trí nguồn vốn.

Như vậy, tổng mức đầu tư (tính tại thời điểm này) là khoảng 350.000 tỷ đồng.

Cẩm Quyên