- Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội QH Nguyễn Văn Tiên nhận định không thể "bắt" quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chịu hết trách nhiệm vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường, Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm toàn diện.
Trao đổi với VietNamNet bên hành lang QH sáng nay (29/10) về việc TP. Hà Nội khẳng định quận Hai Bà Trưng phải chịu trách nhiệm chính về mặt quản lý nhà nước trong vụ bác sĩ ném xác khách hàng xuống sông, ông Nguyễn Văn Tiên cho rằng: "Quận không thể chịu trách nhiệm tất cả".
Phó
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội QH Nguyễn Văn Tiên: Bệnh viện không biết thì nghe vô lý. Ảnh: Bình Minh |
Cái tay to hơn cái đầu?
- Theo ông, trong vụ việc này, có thể quy trách nhiệm thế nào là thỏa đáng?
Tất nhiên quận có trách nhiệm vì cơ sở này nằm trên địa bàn quận. Nhưng theo luật quy định, nhìn toàn diện thì Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm về những vấn đề xảy ra trong lĩnh vực y tế. Còn trách nhiệm cụ thể thì xảy ra ở tỉnh nào tỉnh đó phải lo.
Trong vụ việc này, trước hết bản thân bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường phải chịu trách nhiệm rất lớn, trách nhiệm chính, giống như lái xe mà không có bằng đâm chết người.
Tại cuộc họp chiều qua với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Giám đốc BV Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh lý giải: Pháp luật không có quy định bác sĩ phải báo cáo BV khi làm thêm ngoài giờ, mở phòng khám tư. Nhiều bác sĩ mở phòng khám tư giấu BV, không báo cáo nên không thể quản lý được. |
Người quản lý bệnh viện Bạch Mai nơi bác sĩ Tường công tác cũng không thể không có trách nhiệm. Đây cũng là một bài học sâu sắc cho bệnh viện Bạch Mai.
Bộ Y tế có trách nhiệm tìm ra giải pháp để bác sĩ ở các bệnh viện công ra làm ngoài thì phải quản lý được. Theo luật Khám chữa bệnh, bác sĩ làm ngoài phải là ngoài giờ và có sự đồng ý của giám đốc bệnh viện. Trường hợp này thì sao, bệnh viện có biết không? Bệnh viện mà không biết thì nghe vô lý.
Những cơ quan nhà nước như quận, sở có trách nhiệm liên đới ở việc thanh tra, kiểm tra không thường xuyên, để một cơ sở không có giấy phép vẫn hoạt động.
- Theo ông, đâu là bài học về quản lý qua vụ việc này?
Có thể thấy bố trí lực lượng thanh tra là chưa đủ. Cả Sở Y tế Hà Nội chỉ có 4 thanh tra trong khi có khoảng 3.000-4.000 cơ sở hành nghề y tế tư nhân, thì có đủ sức đi làm không? Ba đầu sáu tay cũng không thể làm được.
Phó Chủ tịch quận Hai Bà Trưng Cao Sỹ Phong cho rằng trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương quá nặng nề. Cả phòng y tế chỉ có 9 cán bộ, trong đó có 3 bác sĩ trong khi địa bàn quận có trên 550 cơ sở hành nghề nên khó bao quát hết. |
Đây là một điều để cho các nhà quản lý suy nghĩ. Nhà nước pháp quyền thì bộ máy cán bộ cũng phải theo hướng pháp quyền, không thể để cái tay to hơn cái đầu. Người thanh tra chính là cái đầu đi kiểm tra, vai trò rất lớn.
Giờ ta cứ tràn lan các loại cán bộ, đủ loại biên chế, ăn lương nhà nước để đi làm những việc cạnh tranh với tư nhân thì có nên không?
Hà Nội đang có hai trường cao đẳng y tế và hàng loạt trường cao đẳng y tế tư nhân. Nếu Hà Nội mạnh dạn bỏ bớt một trường cao đẳng y tế đi, lấy biên chế đó làm thanh tra y tế thì mới thường xuyên được.
Nhân đây, tôi cũng cho rằng qua vụ việc này ta có cơ hội để đánh giá, chứ trong các bệnh viện công nếu xảy ra các sai sót có thể sẽ ít được mổ xẻ, ít được giám sát. Nhưng ở các bệnh viện tư thì sẽ bộc lộ rất rõ. Do đó, đây là cơ hội để ta nhìn lại cơ chế quản lý y tế của chúng ta như thế nào cho thích hợp.
Chung Hoàng