- Để tìm ra đột phá trong phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng người tài, Ban Tổ chức Trung ương đã được giao xây dựng Chiến lược quốc gia về nhân tài, dự kiến hoàn thành vào năm 2012.


Loay hoay tìm lời giải

Nhiều ĐB dự hội nghị sáng nay (30/3) tại Hà Nội đều băn khoăn không hiểu vì sao các bộ, ngành, cơ quan, viện nghiên cứu từng nhiều lần xây dựng kế hoạch thu hút nhân tài, trải thảm đỏ... nhưng cho đến nay vẫn loay hoay đi tìm lời giải cho bài toán "chảy máu chất xám".

TS Lê Minh Thông (trái): Sẽ đánh giá thực trạng sử dụng nhân tài từ trong lịch sử. Ảnh: Lê Nhung
Nhận định về tầm quan trọng của việc xây dựng chiến lược cấp quốc gia, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hồ Đức Việt nói, "vừa qua, quy trình đánh giá, tuyển chọn, sử dụng cán bộ còn nhiều mặt yếu, chưa phát huy đầy đủ dân chủ, còn hạn chế về tính công khai, minh bạch".

Nhiều người tài đã không được phát hiện, trọng dụng, chính sách thu hút chưa đủ hấp dẫn để kêu gọi được người tài trong và ngoài Đảng vào làm việc trong hệ thống chính trị. Đặc biệt Việt kiều.

Cũng theo ông Việt, nhiều nơi chưa tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để nhân tài phát triển năng lực, toàn tâm toàn ý cho công việc.

"Nên nhiều người tài rời bỏ khu vực công, các chính sách thu hút còn tự phát, lẻ tẻ", ông Việt nhận định.

Nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho rằng tất cả do vẫn thiếu chương trình mang tính chiến lược, để theo dõi quá  trình phát triển của những mầm mống tài năng được phát hiện sớm từ trong nhà trường.

PGS.TS Lê Minh Thông (Ban Tổ chức Trung ương) giới thiệu, việc xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tập trung nghiên cứu nhân tài trong ba lĩnh vực: lãnh đạo quản lý, khoa học công nghệ và sản xuất kinh doanh.

Nhóm nghiên cứu sẽ xác định khái niệm cơ bản về nhân tài, điều kiện, yếu tố chi phối quá trình hình thành tài năng và cách sử dụng nhân tài.

Quan trọng nhất là khảo sát thực trạng sử dụng nhân tài cũng như định hướng các giải pháp sắp tới để không lãng phí chất xám của đội ngũ này.

Không đố kỵ

Góp ý cho dự thảo, một đại diện đến từ Vụ địa phương (Ban Tổ chức Trung ương) cho rằng, mấu chốt nhất là những người đứng đầu thực tâm muốn sử dụng người tài, với một thái độ cầu thị và cái tâm trong sáng, không đố kỵ. Chỉ như vậy mới tạo được môi trường cho người tài cống hiến.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc (phải): Không thể ngồi tại bàn mà nhận xét cán bộ hay chỉ xét duyệt trên bằng cấp. Ảnh: Lê Nhung
Đặc biệt, nhiều người tài với cá tính mạnh, không chấp nhận cách đánh giá cán bộ kiểu bỏ phiếu lấy ý kiến hay cầu cạnh, xin xỏ. Vì thế, người đứng đầu phải có thái độ thực sự trọng thị và tầm nhìn xa rộng.

Ông Phạm Ngọc Tùng (ĐH Quốc gia Hà Nội) bổ sung, các nhà nghiên cứu nên kế thừa thành tựu các dự án nghiên cứu trước đó về người tài để khai thác điểm mới và tìm ra đột phá về công tác cán bộ.

"Phải chỉ ra được những rào cản nào đang cản bước chân người tài, đẩy họ đi nơi khác. Những rào cản thuộc về thể chế, văn hóa, chính trị", ông Tùng nói.

Theo Vụ trưởng Vụ Bảo vệ chính trị nội bộ Phan Hữu Tích, nên rút ra bài học kinh nghiệm từ chuyện những người tài đã từng bị thui chột, không được trọng dụng.

Ông Tích cho rằng, quan trọng nhất để người tài phát huy là tạo lập môi trường, cơ hội để nhân tài phát lộ, không cứ gì phải đặt ra tiêu chuẩn về học vấn, trình độ. Chiến lược nhân tài phải tính tới đề xuất xây dựng môi trường hoạt động, làm việc cởi mở, tạo sân chơi cho người tài cũng như phong trào giới thiệu người tài ra làm việc.

Ông Tích đặt vấn đề, ngay cả những người tiến cử nhân tài, nếu tiến cử nhầm hay gặp sai sót, liệu có nên kỷ  luật vì giới thiệu chưa đúng người.

Một vấn đề nhiều đại biểu phân vân, là với thể chế Đảng lãnh đạo về công tác cán bộ, chiến lược phát hiện, sử dụng nhân tài phải được thiết kế hợp lý để áp dụng được trong bối cảnh hiện nay.

Chuyện bồi dưỡng, phát hiện và trọng dụng nhân tài không phải lần đầu được bàn. Nhất là ở những cơ quan chuyên môn về tổ chức cán bộ (như Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ), song, mong mỏi chung là một chiến lược khả thi và sát thực tiễn.

"Ta đang thảo luận chuyện trọng dụng nhân tài trong một bối cảnh bức xúc, nhưng đây không phải lần đầu tiên bàn thảo những chuyện này. Vậy nhưng có một câu hỏi chưa trả lời, đó là tại sao bàn bạc nhiều mà mọi thứ vẫn trên bàn nghị sự, vẫn là nỗi băn khoăn của những người thuộc giới trí thức", ông Đỗ Hải Nam (Viện KHXH) nêu ý kiến.

Theo ông Nam, quốc gia hưng vong phụ thuộc vào ba tầng lớp: lãnh đạo, trí thức và doanh nhân. Chiến lược nên đặt trọng tâm nghiên cứu những thành phần này mới mong có được bước đi phù hợp.

Tiếp thu các ý kiến trên, ông Hồ Đức Việt, chủ nhiệm đề tài khẳng định, ban soạn thảo sẽ làm rõ thêm khái niệm nhân tài, đồng thời, trong giới hạn nghiên cứu sẽ chú trọng phân tích, tìm hiểu môi trường để phát huy nhân tài, tạo đột phá về công tác sử dụng cán bộ.