- Phòng ngừa tham nhũng là quan trọng, nhưng phòng ngừa mãi mà có những vụ sờ sờ ra đó không xử được thì sao dân chấp nhận - Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Đinh Thế Huynh nhận định.

To thành nhỏ rồi treo - dân nghi "chạy án"

Thảo luận tại tổ về tình hình phòng, chống tham nhũng chiều 29/10, Phó đoàn ĐBQH TP Cần Thơ Huỳnh Văn Tiếp phản ánh đi tiếp xúc cử tri, "các cụ về hưu phàn nàn nhiều rằng phòng, chống tham nhũng chưa thấy chuyển biến, mà ĐB thấy rất khó giải thích".

Trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa còn kể: Dân cứ hỏi sao có ban chỉ đạo trung ương mới do Tổng bí thư làm trưởng ban được gần một năm rồi mà vẫn "im" thế.

Cùng với việc tỉ lệ tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ các cơ quan rất thấp, chủ yếu do tố giác của quần chúng và báo chí, việc xử lý các vụ án tham nhũng cũng khiến dân không hài lòng.

"Sau khi tham nhũng xảy ra thì khởi tố, điều tra kéo dài, lúc đầu thông tin lớn lắm nhưng dần dần nhỏ lại, khi kết thúc điều tra thì teo lại, khi xét xử thì án treo, các cụ cho là có 'chạy án'", ông Huỳnh Văn Tiếp chia sẻ. "Tài sản bị tham nhũng thu hồi về cũng chỉ khoảng 10%, vậy nguyên nhân do luật hay khâu nào?".

{keywords}
ĐB Huỳnh Văn Tiếp: Các cụ về hưu phàn nàn, cho là có "chạy án" tham nhũng. Ảnh: Chung Hoàng

Theo ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình), tuy là những vụ nhỏ nhưng "treo" nhiều khiến dân mất lòng tin. "Lập luận nhiều vụ án tham nhũng xét xử án treo theo quy định là đúng rồi, nhưng nếu lập luận ngược lại, án tham nhũng là nghiêm trọng, cần xử nghiêm khắc", ông Thường nói. "Thực tế án tham nhũng treo luôn cao hơn các án khác, sự chênh lệch đó ảnh hưởng đến lòng tin vào pháp lý".

ĐB Vũ Công Tiến (Lâm Đồng) cho rằng phải làm công bằng dù vụ nhỏ hay lớn, chứ không để "vụ lớn xử chậm, không kiên quyết, trong khi vụ nhỏ làm nhanh" như hiện nay, dân đặt câu hỏi liệu có gì lấn cấn.

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền thì kể: "Có tỉnh tôi đến giám sát thấy vụ thiệt hại hàng tỷ đồng nhưng chỉ xử lý kỷ luật nội bộ chứ không truy cứu trách nhiệm hình sự. Tôi hỏi vi phạm này có đến mức xử lý hình sự không thì tất cả im lặng không trả lời, đó là biểu hiện chưa nghiêm minh".

Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cũng không hài lòng khi thấy tham nhũng là tội phạm nguy hiểm nhất nhưng Chính phủ đánh giá trong báo cáo ngang với các tội phạm khác. "Nguyên nhân sâu xa của việc dân mất lòng tin chính là xuất phát từ chỗ này, chứ không phải mấy vụ chuyện trộm cắp do bần cùng sinh đạo tặc đâu. Tham nhũng dẫn đến phân hóa xã hội, gia tăng khoảng cách giàu nghèo", ông Sơn nói.

Con bài cuối cùng chống tham nhũng

Theo ĐB Vũ Công Tiến, tham nhũng tăng cho thấy đạo đức xã hội xuống cấp, đạo đức trong bộ máy công quyền đáng lo. "Có thực trạng trong cán bộ, công chức: anh trong sạch, không có vấn đề gì liệu có khôn hơn anh phong bì bỏ túi? Ai dại ai khôn?", ông Tiến nói. "Cần tập trung nâng cao sức đề kháng ngay trong bộ máy công quyền, đồng thời có chế tài xử lý nghiêm khắc nếu sai phạm".

{keywords}
ĐB Đỗ Văn Đương: Chống tham nhũng hiện nay toàn bắt ruồi. Ảnh: Lê Anh Dũng

Chia sẻ nhận định này, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng chống tham nhũng "phải đi vào chỗ tập trung nhiều tiền, làm được vài vụ thôi cũng bằng hàng ngàn các vụ khác".

"Phải tập trung vào chiến dịch bắt hổ, chứ hiện nay toàn bắt ruồi thôi", ông Đương nói. "Để tình trạng nhức nhối thế này, cán bộ thủ quỹ, nhân viên xã phường, dăm ba triệu cũng tham nhũng, xây nhà tình nghĩa cũng tham ô, hối lộ, thử hỏi còn ra gì nữa".

Ông Nguyễn Đình Quyền chỉ ra: "Cứ trông vào cơ chế phòng ngừa hiên nay là việc kê khai tài sản tôi e là chả có hiệu quả gì. Biện pháp hiệu quả nhất, có tác dụng nhất là công khaiminh bạch, từ bổ nhiệm cán bộ, đấu thầu, làm dự án...".

Nếu cứ dàn trải bằng các biện pháp cũ thì không làm được gì, mà người dân thì ngày càng ngại tố giác tham nhũng vì sợ hậu quả, ông Quyền nhận định.

Theo Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơnviệc đưa cơ quan cao nhất về phòng, chống tham nhũng từ Chính phủ về Đảng đã là "con bài chiếu tướng, con bài cuối cùng".

Là thành viên Ban chỉ đạo TƯ phòngchống tham nhũng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Đinh Thế Huynh cho biết: Ban chỉ đạo kiên quyết trong năm nay, chậm nhất là quý I/2014 phải xử được 8 vụ án lớn.

"Vướng khâu nào xử lý khâu đó, không thể chỉ vì vướng một khâu (giám định) mà chậmTội đến đâu xử đến đó, kể cả hình phạt cao nhất. Làm công khai, đích đáng, đường đường chính chính thì nhân dân sẽ tin", ông Huynh nói. "Phòng ngừa đúng là quan trọng, nhưng phòng ngừa mãi mà có những vụ sờ sờ ra đó mà không xử được thì sao dân chấp nhận".

T.Chung - T.Lâm - X.Linh - C.Quyên