- Hơn một tuần nay, dư luận xã hội, báo chí và cả bầu không khí nghị trường Quốc hội cũng bị nóng lên. Có thể nói "sôi lên" cũng được, trước thông tin gây chấn động và vô cùng phẫn nộ về hành vi vừa vô đạo đức (chứ không chỉ là y đức) và vô lương tâm, không còn một chút lý trí của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường.

{keywords}

Nguyễn Mạnh Tường tại cơ quan điều tra.

Y là một con người nhưng đã hành xử không xứng đáng với tư cách một con người, không chỉ vi phạm pháp luật - chưa có giấy phép hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ mà đã vì tiền mà làm liều, tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ - rồi làm chết bệnh nhân. Và hành vi tiếp theo còn đáng bị lên án gấp ngàn lần, là đã ném xác nạn nhân xuống sông Hồng để phi tang.

Việc lên án hành vi vô nhân tính của Nguyễn Mạnh Tường cũng như sự lên tiếng cảnh báo chung về tình trạng sa sút đạo đức, y đức, cũng như sự thiếu trách nhiệm ở mức độ khác nhau của những cá nhân, cơ quan các cấp quản lý về chuyên môn và hành chính là rất cần thiết.

Thế nhưng..., lúc này mà nói "thế nhưng" e là không phải lúc, và cũng rất dễ bị dư luận "ném đá". Thế nhưng, nếu là vì lẽ phải, vì đạo lý, vì sự tỉnh táo và công bằng của công luận, thì tác giả cũng xin được góp thêm một tiếng nói.

Hơn lúc nào hết, qua sự việc trên, dư luận đòi hỏi sự thức tỉnh trách nhiệm của toàn xã hội, cũng như của từng địa chỉ có liên quan là có lý. Song, hành vi của Nguyễn Mạnh Tường là hành vi của một kẻ không những không còn lương tâm, đạo đức, mà cũng không có cả một chút lý trí cần phải có của một con người. Cứ cho là y đã gây nên hậu quả ngoài ý muốn chứ không cố tình làm chết chị Huyền.

Song, nếu là một người có đạo đức, có y đức, hoặc có lý trí lành mạnh và tỉnh táo, thì sự lựa chọn không phải là theo cách như Nguyễn Mạnh Tường đã lựa chọn. Khi mà cơ sở thẩm mỹ Cát Tường nằm đối diện sát cổng Bệnh viện Bạch Mai, một bệnh viện lớn, nơi chính y làm việc.

Chỉ cần một cú điện thoại, y có thể cậy nhờ đồng nghiệp sang cùng giúp cứu chữa; hoặc, chỉ trong vài phút y có thể chuyển nạn nhân sang Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu... Và cứ cho là sau khi "đã tận tình cứu chữa nhưng chị Huyền không qua khỏi" thì cũng đừng có dấn sâu thêm vào tội ác, hứa tăng lương cho bảo vệ để lôi kéo anh ta cùng tham gia vào việc ném xác chị Huyền xuống sông Hồng...

Đến hôm nay, đã có quá nhiều bài báo, nhiều ý kiến đòi hỏi phải xử lý, phải quy trách nhiệm cá nhân, tập thể nơi này nơi khác... Thật ra, người đáng bị xử lý, bị quy trách nhiệm, đồng thời là thủ phạm số một đã nằm trong tay pháp luật và nào có ai định tha thứ anh ta! Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Công an thành phố Hà Nội đã bắt giam khẩn cấp!

Rồi tiếp đến là nhân vật tòng phạm Đào Quang Khánh - nhân viên bảo vệ - bây giờ cũng đang cùng chờ ngày lĩnh án. (Án nặng nhẹ ra sao thì sẽ được tòa xử nghiêm minh theo pháp luật). Và các cơ quan chức năng của thành phố cũng đang tích cực vào cuộc, đang kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của từng cấp, từng người. Kể cả việc cấp bách lúc này, khó như mò kim đáy bể, các cấp, các ngành, các lực lượng đang đi tìm xác nạn nhân.

Xử lý một việc hy hữu, bất thường, thì không thể cực đoan, hấp tấp. Phải bằng lý trí và pháp luật để soi vào trách nhiệm của từng tập thể và cá nhân. Người đáng bị lên án, bị quy trách nhiệm, chính là thủ phạm gây ra vụ việc - là bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường. Các cơ quan pháp luật cần khẩn trương điều tra, xét xử cho nghiêm minh, đủ sức răn đe, cảnh tỉnh.

Và nếu cần phải nói là phải xử cho thật nghiêm khắc cũng không có gì là oan, nặng. Còn những địa chỉ, những người khác, chúng ta cũng phải công bằng với họ về nghĩa vụ và trách nhiệm. Nhất là, mỗi khi "mất bò mới lo làm chuồng", khi mà cơ chế cho phép mở phòng khám, mở bệnh viện tư, cho phép bác sĩ được làm thêm, làm ngoài đang quá thoáng như hiện nay.

Lúc này, lên án, phê phán có nặng nề đến mấy cũng là chưa đủ đối với hành vi của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường. Nhưng xin đừng vì thế mà lại nói quá lời về đông đảo những người thầy thuốc chân chính, những người rất có lương tâm và trách nhiệm đang hằng ngày, hằng giờ tận tình chăm sóc, cứu chữa cho mọi người. Mà họ mới là đa số. Và không phải trong bộ máy quản lý các cấp chỉ toàn là những người hư hỏng.

Liệu có khả thi với những ý kiến đang đặt ra về yêu cầu phải làm rốt ráo biện pháp thanh tra, kiểm tra, suốt 24/24 giờ rà soát, túc trực ở mọi phòng khám? Liệu có thủ trưởng bệnh viện nào 24/24 giờ kiểm soát, giám sát được đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế của mình?

Hoặc, sau sự kiện này, chúng ta tăng số lượng nhân viên thanh tra y tế lên gấp 100 lần hiện nay, suốt ngày thăm viếng các cơ sở khám chữa bệnh tư để giám sát, xét hỏi từng ca điều trị? Liệu khi đó, dư luận có để cho họ yên, hay sẽ là sự lên án về việc quấy nhiễu, cản trở quá đáng công việc chuyên môn của các phòng khám chữa bệnh hiện đang hành nghề?

Đúng là chúng ta đang buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát không chỉ với việc khám, chữa bệnh. Những người thiếu trách nhiệm, gây hậu quả xấu cần phải bị xử lý nghiêm. Để không tái diễn vụ việc như trên, vấn đề căn bản và cần thiết hơn nhiều là phải rà soát, chấn chỉnh lại điều kiện, yêu cầu, tiêu chuẩn của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân.

Và nói thêm điều này cũng không thừa, những người tự tìm đến các dịch vụ khám, chữa bệnh tư nhân, cũng cần phải cân nhắc kỹ trước khi phó thác cơ thể và tính mạng của mình vào những nơi mình lựa chọn.

Giữa lúc dư luận đang nóng sôi sùng sục, tác giả bài báo này mạo muội đưa ra một ý kiến..., liệu có được dư luận chia sẻ, lắng nghe?

Minh Dân