- "Tôi bỏ một phiếu ủng hộ anh Bình ứng cử Quốc hội. Mong anh noi gương những đại biểu bản lĩnh, trí tuệ được dân mến mộ trong nhiệm kỳ khóa XII vừa qua", ông Phạm Tiến Lăng, cử tri lão thành phường Nam Đồng, Hà Nội nêu ý kiến trong hội nghị tiếp xúc cử tri nơi cư trú của ứng viên Nguyễn Cảnh Bình.


Tuần qua, các tỉnh thành gấp rút "chạy đua" tổ chức lấy ý kiến tín nhiệm cho người ứng cử ĐBQH khóa XIII. Hà Nội là nơi tập trung nhiều ứng viên nhất cho cuộc bầu cử lần này: 11 vị được Trung ương giới thiệu và 71 người của thành phố (30 tự ứng cử).

Các ứng viên phải có được sự tín nhiệm của 2 nơi: nơi cư trú và nơi công tác. Hội nghị lấy ý kiến cử tri được đảm bảo thực hiện đúng luật, với sự có mặt của đại diện của UBMTTQ thành phố, quận huyện.

"Sao không được tổ chức giới thiệu?"

Thông thường, hội nghị nơi công tác diễn ra trong giờ hành chính, còn hội nghị nơi cư trú được tổ chức vào buổi tối, để tạo điều kiện cho cử tri tham gia đầy đủ. Có tổ dân phố tổ chức trang trọng nơi hội trường, nhưng cũng có nơi chọn ngay sân khu tập thể, chăng thêm vài ngọn đèn và kê dăm bộ bàn ghế là thành hội nghị. Nếu các ứng viên được giới thiệu (đặc biệt ứng viên Trung ương) đều đạt tỷ lệ ủng hộ gần như tuyệt đối, thì với người tự ứng cử, hội nghị lấy ý kiến diễn ra vô cùng sôi nổi, thậm chí gay cấn và kịch tính.

Có người chưa hiểu vì sao một ứng viên tự giới thiệu mình có đức, tài nhưng không được tổ chức giới thiệu, lại phải tự ứng cử. Nhưng nhiều người khác lại ủng hộ bản lĩnh của những người tự ứng cử. Họ mong có thêm nhiều người tự ứng cử sẽ trúng cử, tạo tiền đề khích lệ nhiều người tài mạnh dạn tham gia các khóa QH sau này.

Giám đốc công ty Alpha Books Nguyễn Cảnh Bình không giấu được sự hồi hộp trước buổi lấy ý kiến nơi cư trú, bởi anh tự nhận, sống ở khu phố hai mươi năm nay, song do mải mê học hành, lập nghiệp, anh có ít thời gian tham gia sinh hoạt tổ dân phố, dọn vệ sinh, lao động.


Cử tri tại phường Nam Đồng bỏ phiếu tín nhiệm. Ảnh: Lê Nhung


Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú về anh Nguyễn Cảnh Bình diễn ra tối 28/2 kéo dài tới hai tiếng đồng hồ, với hàng loạt ý kiến tranh luận trái ngược nhau về tài năng, bản lĩnh, đạo đức của người trẻ "cả gan" tự ứng cử ĐBQH, việc chưa từng xảy ra ở khu phố ngay trung tâm Thủ đô.

Nếu có nhiều người trẻ bản lĩnh

Trong khi một số người "lăn tăn" chuyện anh ít gặp gỡ, chào hỏi, giao lưu với bà con thì các cử tri lão thành vốn là cựu lãnh đạo, cán bộ nghỉ hưu lại nhiệt thành bày tỏ tin tưởng vào năng lực của anh Bình.

Bằng giọng hoan hỉ, ông Phạm Tiến Lăng tin tưởng: "Với kiến thức tích lũy lâu nay, và năng lực điều hành doanh nghiệp cũng như tinh thần hoạt động xã hội tích cực, tôi tin rằng anh Bình xứng đáng trở thành ĐBQH. Nếu đất nước có nhiều thanh niên trẻ cũng bản lĩnh như anh thì QH sẽ đổi mới".

Theo ông Lăng, khóa XII chỉ có duy nhất một người tự ứng cử trúng cử nhưng xu hướng này sẽ thay đổi dần trong các khóa tới, bởi bản thân những người dũng cảm ra ứng cử QH đã thể hiện sự cam kết trách nhiệm. "Mong rằng ngày càng nhiều người tài, đức tự tin ứng cử QH", ông Lăng nói.

Một cử tri khác, ông Bùi Thế Tâm cho biết thêm: "Qua nói chuyện và nghe tiểu sử, lai lịch học hành của anh Bình, tôi thấy anh xông xáo, có chính kiến, thẳng thắn, không ngại đụng chạm. Nếu trúng cử, hy vọng anh sẽ góp phần nâng cao tính phản biện trong QH".

Anh Nguyễn Cảnh Bình đã nhận được 46/69 phiếu tán thành.

Hai hội nghị tại khu dân cư bán đảo Linh Đàm (với hiệp sĩ Công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng) và cụm Bồ Đề - phường Nhân Chính (lấy ý kiến về Trưởng Văn phòng công chứng Hà Nội, luật sư Lê Quốc Hùng) cũng diễn ra sôi nổi. Thậm chí, tại khu dân cư bán đảo Linh Đàm, cử tri còn tranh nhau nói, thảo luận ưu - nhược điểm của ứng viên khuyết tật duy nhất.

Những người chưa tin tưởng vào Công Hùng (phần lớn sống ở các tòa nhà khác) cho rằng "sức khỏe cậu yếu, đi lại khó khăn, năng lực, trình độ thế nào chưa ai biết". Song, tổ trưởng dân phố và nhiều cử tri trẻ tuổi đã tỏ ra tín nhiệm Công Hùng, mong trong QH có một đại diện cho 6,5 triệu người khuyết tật Việt Nam. Nghị lực, ý chí vươn lên và năng lực quản lý, điều hành của Giám đốc công ty cổ phần Nghị lực sống đã được nhiều người nhắc lại với lòng khâm phục.


100% cử tri biểu quyết tín nhiệm LS Lê Quốc Hùng. Ảnh: Lê Nhung

Tại cụm Bồ Đề - phường Nhân Chính, 100% cử tri biểu quyết ủng hộ luật sư Lê Quốc Hùng vì tin vào bề dày kiến thức pháp lý của ông cũng như bản lĩnh, trách nhiệm của một người dám tự ứng cử.

Doanh nhân Nguyễn Quang Huân, Giám đốc công ty cổ phần phát triển hạ tầng Thăng Long cũng nhận được 100% phiếu ủng hộ ở cả cơ quan và nơi cư trú. Hàng xóm của ông Huân thông cảm với việc kinh doanh bận rộn khiến ông ít khi tham gia các hoạt động chung của khu phố, song nhắc ông nếu trở thành ĐBQH, gần gũi và thâm nhập vào đời sống nhân dân là đòi hỏi quan trọng.

Tự tin, dõng dạc trình bày lý do và mục đích tự ứng cử, ông Huân còn chia sẻ rằng hoạt động của bản thân và công ty giúp ông có điều kiện tiếp xúc và lắng nghe tâm tư của người dân ở những khu vực đền bù giải tỏa nhường đất cho các dự án hạ tầng, vì vậy nếu được góp mặt ở nghị trường, ông sẽ giúp chuyển tải nguyện vọng của họ.  

Theo quy định, các ứng viên được dành thời gian trước khi cử tri bỏ phiếu để trình bày lý do tự ứng cử, chương trình hành động và giải đáp thắc mắc cử tri. Cả luật sư Lê Quốc Hùng và doanh nhân trẻ Nguyễn Cảnh Bình đều tận dụng thời gian ít ỏi để giới thiệu vắn tắt và đối thoại với cử tri. Song nhiều cử tri tỏ ra tiếc nuối vì nếu ứng viên được phát biểu ngay từ đầu, có lẽ sức thuyết phục sẽ cao hơn.

29/3 là hạn chót lấy ý kiến tín nhiệm ở Hà Nội.

Nếu mức độ tín nhiệm dưới 50% ở nơi cư trú, người ứng cử sẽ không được đưa vào danh sách chính thức.

Phía trước các ứng viên là cả một quá trình sàng lọc và lựa chọn. Kết quả sẽ được báo cáo tại Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 ở trung ương và địa phương, chốt danh sách chính thức ứng viên ĐBQH khóa XIII.


Lê Nhung - Thủy Chung