- Buông lỏng việc giám sát, đánh giá chuẩn mực công chức cũng có nghĩa là mở cửa cho mua bán chức quyền, mua bán ngay từ đầu vào tuyển dụng.

 

LTS: Sau 10 năm (2001 - 2010) triển khai với nhiều mục tiêu không đạt, Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) lại sắp bước sang giai đoạn 10 năm mới (2011 - 2020). Bản dự thảo chương trình này sẽ được Thường trực Chính phủ bàn thảo, sau đó trình Thủ tướng phê duyệt. VietNamNet giới thiệu bài viết về động lực CCHC của PGS-TS Nguyễn Thu Linh, nguyên giảng viên cao cấp Học viện Hành chính quốc gia, hiện là Phó Viện trưởng Viện Các vấn đề phát triển.

Hành chính và kinh tế thường được ví như hai đường ray xe lửa. Hành chính là để tạo khuôn khổ cho kinh tế - xã hội phát triển. Bản thân những thành tựu kinh tế đã giành được trong 25 năm chuyển đổi cơ chế tự nó cũng đặt ra ngày càng nhiều đòi hỏi mới gay gắt đối với hành chính. Cơ quan có trọng trách trong CCHC cho rằng chặng đường 10 năm qua: 2001- 2010, họ đã làm được nhiều việc, với thành tựu về thể chế như: đã ban hành được nhiều văn bản để thực hiện quyền giám sát của người dân đối với các hoạt động của nhà nước, để rà soát các thủ tục hành chính (TTHC), để đổi mới doanh nghiệp, để xã hội hóa các dịch vụ công… Người dân cũng ghi nhận bước tiến trong việc xin giấy khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, chứng thực bản sao... 

Tuy vậy, tại sao kết quả CCHC vẫn không được lòng dân, doanh nghiệp và các tổ chức khác? Tình trạng khiếu kiện của cá nhân, tập thể vẫn tăng lên cùng với vấn nạn tham nhũng, xách nhiễu của công chức. Tham nhũng còn tràn sang cả đội ngũ viên chức trong các cơ quan dịch vụ công về y tế, giáo dục… Phải chăng CCHC 10 năm qua mới chỉ đi ở bề nổi, ở thành tích về số lượng mà chưa hướng vào thực chất của cải cách? 

 

Tác giả - Nguyễn Thu Linh (đứng) giảng dạy tại một khóa đào tạo công chức

Công chức kém có bị thanh lọc?

Việc cơ cấu lại bộ máy hành chính là để tạo ra mô hình làm việc phù hợp với phát triển của kinh tế, xã hội song việc sáp nhập các bộ, các tỉnh như vừa qua mới là phép cộng mà hậu quả là trong khi lương công chức không đủ sống, họ lại phải làm việc trong điều kiện "bộ máy không ổn định, làm sao chuyên nghiệp được. Mỗi lần tách - nhập, tài liệu phân tán, tài sản mất mát" - nhận định của một phó giám đốc sở Nội vụ tại hội thảo ngày 12/10 do Bộ Nội vụ chủ trì. 

Giao thông ách tắc, đô thị ngập lụt, đất công bị lấn chiếm, môi trường ô nhiễm, xây dựng công trình sai phép, tài nguyên bị cạn kiệt… đều có nguyên nhân từ yếu kém, thất bại của CCHC giai đoạn vừa qua do Bộ Nội vụ chủ trì. Thất bại bởi CCHC không có động lực. Động lực của cuộc cải cách này không phải ở Chính phủ, ở người dân hoặc ở doanh nghiệp mà phải tìm động lực ở chính ngay đội ngũ công chức - những người thực thi CCHC. Nhưng điều này lại không được chính cơ quan chủ trì CCHC và cũng là cơ quan có trọng trách quản lý đội ngũ công chức quan tâm đúng mức.

Trách nhiệm nuôi dưỡng giá trị nghề công chức trước hết thuộc trọng trách của Bộ Nội vụ thông qua việc ban hành và giám sát các công sở trong việc thực thi các tiêu chuẩn quản lý công chức. Các tiêu chuẩn này nhằm vào củng cố hai cột trụ: tiền lương công chức phải ở mức trung bình, trung bình khá trong xã hội và phải tôn vinh được công chức là một nghề cao quý trong xã hội như các nghề giáo viên, thầy thuốc. Hiện nay, hai cột trụ này đều yếu kém.

Tiền lương công chức hiện đang là nỗi nhức nhối không chỉ với công chức mà còn là sự quan tâm của xã hội. 10 năm qua, dù tiền lương công chức đã qua 3 lần điều chỉnh song khoảng cách vẫn ngày một xa so với lạm phát. Đây cũng là một nguyên nhân khiến gia tăng tình trạng công chức phải xách nhiễu dân hoặc chân trong chân ngoài để kiếm sống khi nhà ở, học hành của con cái họ đều thả nổi cho thị trường.

Trả lời báo chí mới đây, Bộ trưởng Nội vụ cho rằng việc đặt vấn đề đầu tư cho lương là đầu tư cho phát triển chỉ là góp ý của những ai đó. Xin được nhắc ông: đây là quan điểm chỉ đạo của Đảng. Nghị quyết Hội nghị TƯ 7 khóa VIII (năm 1999) đã xác định quan điểm giải quyết tiền lương - thu nhập của công chức và người lao động trong quá trình chuyển đổi là “trả lương đúng cho người lao động là đầu tư cho phát triển”.

Trả lời của Bộ trưởng về tiền lương cho thấy ông chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm của người đứng đầu một bộ được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý đội ngũ lao động đặc biệt này. Khi Bộ trưởng trả lời: "Hiện nay ở nước ta có đặc thù kinh tế chưa phát triển, lương ở các khu vực chưa chênh lệch nhiều lắm" thì Bộ đã khi nào chủ động đề xuất tiến hành điều tra mức chênh lệch về lương này chưa? Cũng không thể đánh đồng “tinh giản biên chế” là “tinh giản bộ máy” như trả lời của Bộ trưởng. 

Bộ Nội vụ đã thanh tra cho thôi việc, kỷ luật bao nhiêu công chức để tinh giản được những người không xứng đáng? Tăng như vậy, nhưng bộ máy có thanh lọc được những cán bộ, công chức kém năng lực? Việc để tăng từ 6 tổ chức chính trị - xã hội được Nhà nước bao cấp những năm 19 90 đến nay lên gần 30 tổ chức và nhiều tổ chức thành lập cấp vụ như Đoàn Thanh niên có tới 32 vụ, Hội Nông dân cũng thành lập vụ… có liên quan đến trách nhiệm quản lý các tổ chức này của Bộ Nội vụ? 

Lẽ ra, chuyển từ cơ chế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường phải gắn liền với việc tạo điều kiện để các tổ chức chính trị - xã hội tách dần khỏi quỹ lương từ tiền thuế của dân. Không thực hiện được nhiệm vụ này chẳng những làm tăng gánh nặng ngân sách mà còn làm hạn chế tính chính danh của các tổ chức này trong điều kiện xuất hiện kinh tế thị trường. Đảng, nhà nước, đoàn thể là một thể thống nhất, song nếu đồng nhất ba vai trò này sẽ không tạo ra phát triển. 

Không chỉ người dân không hài lòng về công chức mà chính ngay phần đông công chức cũng bất mãn, chán nản với chức nghiệp của mình. Một bộ phận công chức giỏi đã chuyển sang khu vực tư trong khi đầu vào lại không tuyển được người có năng lực. Giá trị cao quý của nghề công chức cũng đang bị tụt dốc. Vậy giá trị của nghề công chức là phục vụ công dân bị suy thoái bởi đâu? Không chỉ bởi tiền lương thấp mà còn vì sự đánh giá bằng khen thưởng, thăng tiến chức nghiệp cho các công chức giỏi, mẫn cán, công tâm trong công vụ đã bị coi nhẹ khi các ưu đãi này đặt không đúng người. 

Cấp bách điều chỉnh lương

Bộ Nội vụ đưa ra tiêu chí thi lên ngạch phải dựa trên bằng cấp nhưng lại coi nhẹ việc giám sát chất lượng thi chuyển ngạch, chất lượng bằng cấp do các trường thuộc sự quản lý của Bộ cấp. Vụ trưởng Vụ CCHC, Bộ Nội vụ nhận xét công chức: “Muốn được thi, phải đủ tiêu chuẩn, trong đó có các chứng chỉ, bằng cấp... Điều này rất đáng quý, nhưng chất lượng bằng cấp, chứng chỉ ấy như thế nào là cả một câu chuyện". Hiện tượng công chức chạy theo bằng cấp, biến bằng cấp từ chỗ là phương tiện để nâng cao năng lực thành mục đích của sự học, liệu có liên quan đến tiêu chuẩn đánh giá công chức chỉ dựa theo bằng cấp mà Bộ đưa ra?  

Buông lỏng việc giám sát, đánh giá chuẩn mực công chức cũng có nghĩa là mở cửa cho mua bán chức quyền, mua bán ngay từ đầu vào tuyển dụng. Là mở cửa cho việc sang ngang không qua thi tuyển nhiều người từ các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp sang nắm giữ các vị trí quan trọng trong các cơ quan công quyền. 

Hành chính đòi hỏi tính liên tục trong cung cấp các dịch vụ công, nhất là trong hải quan, thuế, địa chính… Khi một bộ phận nhỏ công chức “tinh hoa” là những người không giữ chức vụ nhưng có trọng trách trong xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch… đã bị coi nhẹ, suy giảm do họ không được trọng dụng, không có đường thăng tiến, do đồng lương thấp kém phải chăng là nguyên nhân khiến chính sách những năm gần đây thường ở tình trạng "sáng đúng chiều sai, ngày mai lại đúng". 

Hiện nay vướng mắc trong TTHC không phải ở bản thân thủ tục mà ở ngay đội ngũ công chức - người thực thi các TTHC. Bộ trưởng đưa ra giải pháp: “Việc cần thiết là tổ chức sản xuất kinh doanh hiệu quả, cùng với nâng cao trách nhiệm công chức, quản lý chặt chẽ tiền ngân sách, chống tham nhũng tiêu cực thì mới có điều kiện cải thiện dần tiền lương”. Chỗ này logic của phát triển đã bị lộn ngược. 

Tư duy lãnh đạo cần được đổi mới: Không thể có sản xuất kinh doanh hiệu quả khi doanh nghiệp gặp quá nhiều rào cản hành chính, khi giao thông ách tắc thì người tài năng cũng ngang bằng anh thất nghiệp… Công chức phải “mở đường” bằng thực thi tốt chính sách, pháp luật cho phát triển kinh tế. Không thể nâng cao trách nhiệm công chức, chống tham nhũng chỉ bằng hô khẩu hiệu khi mà cột trụ tiền lương và chuẩn mực nghề nghiệp công chức bị suy thoái.

Cấp bách tập trung điều chỉnh lương cho công chức đương nhiệm nên được xem là khâu đột phá trong tạo động lực cho CCHC. Xây dựng hai cột trụ: tiền lương và phục vụ công dân là giá trị cao quý của nghề công chức, trước hết, thuộc trách nhiệm của Bộ Nội vụ.

Nguyễn Thu Linh