- “Chúng ta đẻ ra quá nhiều ghế. Từ tất cả các nơi, bộ máy phình ra không ngân sách nào chịu nổi” - ĐB Trần Du Lịch phát biểu.
Sáng nay (2/11), QH thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014; sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 và phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016.
Giật gấu vá vai
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) chỉ ra 5 nguyên nhân dẫn đến tình trạng căng thẳng ngân sách mà ông dùng từ “giật gấu vá vai” để diễn tả. Theo ông, 2 nguyên nhân đầu tiên có tính tích cực, gồm nỗ lực đẩy nhanh quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật ở đô thị, xã hội và thực hiện chính sách xã hội giảm việc phân hóa giàu - nghèo, cách biệt nông thôn, đô thị, thực hiện các chương trình quốc gia.
ĐB Trần Du Lịch dùng từ "giật gấu vá vai" và "vung tay quá trán" để nói về căng thẳng ngân sách |
3 nguyên nhân còn lại là những nguyên nhân tiêu cực, gồm thể chế phân bổ ngân sách kiểu xin cho, “vung tay quá trán” trong chi tiêu cũng như nới rộng bộ máy, kỷ cương ngân sách chưa nghiêm gây thất thoát.
Theo ông Lịch, việc duy trì thể chế ngân sách kiểu xin - cho đã quá lâu khiến mọi thứ không rạch ròi cái nào là ngân sách quốc gia, cái nào là địa phương.
Ông cho rằng với chủ trương tái cơ cấu vừa rồi, những nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ là rất tích cực, kịp thời nhưng vẫn chịu giới hạn trong khuôn khổ, nếu không thay đổi thể chế phân bổ ngân sách thì tác dụng không hiệu quả.
Ông cũng nêu việc “vung tay quá trán” trong chi tiêu, sự nới rộng quá lớn bộ máy nhà nước: “Chúng ta đẻ ra quá nhiều ghế, từ tất cả các nơi, bộ máy phình ra không ngân sách nào chịu nổi”.
ĐB Danh Út (Kiên Giang) phát biểu trước đó cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề này khi cho rằng tổ chức bộ máy như hiện nay đang quá cồng kềnh, kém hiệu quả, lãng phí cán bộ công chức, không kích thích người lao động thi đua, ngân sách chi trả lương ngày càng tăng.
Nêu thực trạng hiện nay không còn bộ nào chỉ có 4 thứ trưởng như quyết định 36 của Chính phủ đề ra, có bộ có đến 9 thứ trưởng, 4 bộ có 7 thứ trưởng, 9 bộ có 6 thứ trưởng, 7 bộ có 5 thứ trưởng, ông Út cho rằng bộ máy như vậy sao không tăng chi ngân sách được.
ĐB Danh Út đề nghị khẩn trương khoán lương theo vị trí việc làm |
“Đề nghị Chính phủ khẩn trương khoán lương theo vị trí việc làm, vừa tiếp kiệm chi cho bộ máy, vừa có điều kiện cải cách tiền lương. Chính phủ cần rà soát và xây dựng bộ máy. Về cơ cấu tổ chức, bộ máy các cơ quan đơn vị, nếu ai làm sai quy định phải xử lý kiên quyết, ai làm không được vị trí công việc thì kiên quyết thay đổi”, ông nói.
Xem lại 4 dự án đã giảm được 15.000 tỷ đồng
Nguyên nhân tiêu cực thứ ba khiến ngân sách căng thẳng mà ĐB Trần Du Lịch nêu ra là kỷ cương, kỷ luật trong ngân sách, thất thoát trong xây dựng cơ bản.
Ông lấy ví dụ trong lĩnh vực giao thông: “Tôi rất hoan nghênh Bộ trưởng Đinh La Thăng đã mạnh tay xử lý những thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực đầu tư về giao thông. Tôi nghe nói có 4 dự án Bộ trưởng xem xét lại người ta nâng quy mô lên một cách vô lý đã giảm được hơn 15.000 tỷ, nếu không làm như vậy thì đất nước này phải đóng thuế, phải nai lưng trả nợ cho những điều vô lý đó”.
Vị ĐB TP.HCM cũng nêu ví dụ có những cầu mở rộng quốc lộ, cây cầu cũ đang đi bình thường ở sông rạch đó dài hơn 70m, vậy thì làm cầu mới 450m để làm gì? Phải chăng ở đây có ý đồ nào đó trong vấn đề tăng dự án lên.
Theo những tính toán của ĐB Trần Du Lịch, nếu cứ duy trì tốc độ chi tiêu như hiện nay thì đến sau năm 2015, Việt Nam sẽ phải dùng đến 1/3 nguồn thu ngân sách để trả nợ. “Lâu nay chúng ta thường nói 65% nợ công là an toàn, nhưng đây là vấn đề không còn an toàn nữa”, ông nói.
ĐB Danh Út (Kiên Giang) đồng tình nâng mức bội chi từ 4,8% lên 5,3% nhưng kiến nghị Chính phủ cần thực hiện nguyên tắc dựa vào cơ cấu thu để quyết định cơ cấu chi. Hụt thu thì phải giảm chi vì nếu cứ chi kiểu như hiện nay thì nợ công sẽ tăng lên, không giảm vào năm 2015 như Chính phủ đề ra.
Báo cáo trước QH, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết ngân sách hụt 63.630 tỷ đồng so với dự toán có nhiều nguyên nhân khác nhau (như giảm thu nội địa, thực hiện chính sách giãn thuế, miễn giảm thuế, tăng trưởng kinh tế chưa đạt kế hoạch, quản lý điều hành chưa hiệu quả v.v…).
Việc phát hành trái phiếu trong bối cảnh ngân sách căng thẳng được các ĐB hết sức lưu ý. ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) nêu ý kiến: “Tới đây, trong thời gian rất ngắn, chúng ta sẽ chi ra một lượng tiền rất nhiều. Chi thế nào phải tính cho kỹ, phải giải quyết những mục tiêu ưu tiên theo lộ trình phát hành trái phiếu. Đồng tiền chi ra phải giải quyết được ngay những bức xúc của nhân dân, của đất nước”.
Cẩm Quyên - Ảnh: Minh Thăng