- ĐBQH đặt câu hỏi: "một người tham nhũng 1 tỷ đồng với một người ra quyết định làm lãng phí 5-7 chục tỷ đồng, ai là người gây thiệt hại cho dân, cho đất nước nhiều hơn?"

Chống lãng phí mới chạm ngọn, bỏ sót gốc

Thảo luận tại phiên họp sáng nay (4/11) của Quốc hội, ĐB Kim Thúy cho rằng, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chỉ mới chạm tới phần ngọn mà bỏ qua cái gốc.

Theo ĐB Thúy, cái gốc gây lãng phí mà chúng ta vẫn chưa diệt tận gốc là người ban hành chính sách không phù hợp, quyết định thiếu chính xác dẫn đến lãng phí hàng nghìn tỷ đồng. Theo nữ đại biểu, người ra quyết định cùng lắm cũng chỉ bị phê bình, khiển trách.

{keywords}
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy. Ảnh: Minh Thăng

“Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là một quyết định sử dụng ngân sách nhà nước sai ngay từ khi lúc ban hành vậy lãng phí đã hình thành ngay từ khi ra quyết định. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quá trình triển khai liệu còn có tác dụng gì?”, bà Thúy nói.

Nữ đại biểu Đà Nẵng cho hay, thực tế có nhiều công trình, dự án như là mía đường, xi măng lò đứng, sân bay, bến cảng, thủy điện... thiếu vốn, không sử dụng được hoặc sản xuất bị lỗ hoạt động cầm chừng theo kiểu “bỏ thì thương, vương thì tội”.

“Sự lãng phí đó do các quyết định đầu tư đó thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa dựa trên các yếu tố bảo đảm tính kinh tế - xã hội, chưa căn cứ vào khả năng thu xếp vốn dẫn đến tiêu tốn nhiều nghìn tỷ đồng mà không phát huy tác dụng”, bà Thúy nhận định.

Để dẫn chứng rõ hơn, ĐB Thúy đưa ra so sánh một người tham nhũng 1 tỷ đồng với một người ra quyết định làm lãng phí 5-7 chục tỷ đồng. Từ đó, nữ đại biểu đặt vấn đề, ai là người gây thiệt hại cho dân, cho đất nước nhiều hơn?

“Vì vậy, lần này sửa luật cần phải tìm lỗ hổng của cơ chế để bít nó lại nếu không mọi nỗ lực của chúng ta sẽ không mang lại kết quả như mong đợi. Nếu chưa thể bít được thì chí ít cũng làm cho nó nhỏ đi”, bà Thúy đề nghị.

Đồng tình với quan điểm này, ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đề nghị, bổ sung thêm một khoản vào Điều 16 của dự thảo luật quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc ra quyết định đầu tư thiếu căn cứ khoa học, không bám theo quy hoạch đã được phê duyệt hoặc đầu tư thiếu đồng bộ để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước.

“Phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thất thoát lãng phí do quyết định của mình gây ra”, bà Minh đề nghị.

30% công chức cắp ô là lãng phí

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, quan niệm lãng phí cũng cần tính đến việc sử dụng đúng định mức, tiêu chuẩn nhưng lại không đem lại hiệu quả và không đạt mục tiêu thì cũng nên coi là lãng phí.

{keywords}
ĐBQH Tô Văn Tám. Ảnh: Minh Thăng

“Có người từng nói, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của nhà nước hiện có khoảng 30% làm việc không hiệu quả vì không đủ năng lực và trình độ, sáng cắp ô đi và tối cắp ô về. Số cán bộ công chức này vẫn thực hiện đúng tiêu chuẩn chế độ và thời gian quy định nhưng tôi cho đấy là một sự lãng phí”, ông Tám nói.

Đồng tình, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) lấy ví dụ, một cơ quan 100 biên chế, nếu 30 người không làm việc thì lương tối thiểu của 30 người trong một tháng mất 75 triệu, 1.500 m 2 nhà làm việc.

“Nếu tính 10 triệu/m2 như nhà ở xã hội là mất bao nhiêu tiền, chưa kể đi công tác, xăng xe, những chuyện khác. Hệ lụy còn có vấn đề tuyển tụng, để tuyển dụng 30 người này lại phải đẻ ra hội đồng, đẻ ra chấm thi, đề thi... Tôi đề nghị việc này Quốc hội giám sát thật kỹ để chống những chuyện tiêu cực. Số không làm việc họ thừa thời gian ngồi bàn tán gây mất đoàn kết nội bộ”, bà An đề nghị.

ĐB Trương Thái Hiền (Kiên Giang) đề nghị, Chính phủ tiến hành rà soát, sắp xếp và bố trí lại bộ máy nhà nước từ TƯ đến địa phương, tinh giản biên chế để giảm gánh nặng ngân sách nhà nước.

Luật sắp ấn nút, nảy sinh lãng phí

ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) nêu 2 vấn đề nảy sinh lãng phí vào thời điểm chuẩn bị “ấn nút” thông qua Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thứ nhất, việc sử dụng tiền đóng góp của cán bộ, công chức ngân hàng chính sách xã hội để chi 75 triệu/bộ hài cốt liệt sĩ tìm được cho nhà ngoại cảm vừa gây lãng phí vừa không chấp nhận được.

“Chẳng có quy chuẩn, chẳng có tiêu chuẩn, chẳng có định mức, ưng thì chi không thì thôi một cách rất tùy tiện”, ông Châu nói.

Thứ hai, Nghị định 145 có hiệu lực từ tháng 12 tới đây, trong đó qui định không tặng quà, biểu trưng, biểu tượng (logo), không tổ chức chiêu đãi… trong các buổi lễ, nhưng đã nói lên mầm mống của sự thất bại.

“Có ý kiến nói rằng, đối với doanh nghiệp tư nhân, việc tặng quà cho khách hàng hay tặng các biểu tượng, logo của doanh nghiệp là quyền của họ, họ không thực hiện cũng chẳng làm gì họ. Như vậy rõ ràng chúng ta đưa ra một quy định kêu gọi không làm thì thôi. Đó không phải là luật”, ông Châu lý giải.

Tá Lâm