- 2 tuần sau phiên thảo luận tổ, 3 tuần trước khi ấn nút biểu quyết thông qua, đại biểu QH có cả ngày hôm nay để thảo luận về dự thảo Hiến pháp sửa đổi.

Theo nghị trình, mở đầu ngày thảo luận được truyền hình trực tiếp này, Chủ nhiệm UB Pháp luật, Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp Phan Trung Lý trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ và giải trình về những vấn đề có ý kiến khác nhau.

Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tập trung về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau nổi lên và dự thảo nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).

{keywords}

Ảnh: Minh Thăng

Theo bản báo cáo của đoàn thư ký kỳ họp tổng hợp ý kiến của ĐBQH thảo luận tổ, đã có 247 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến. Các ý kiến nhìn chung cơ bản tán thành với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và cho rằng, dự thảo được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, có nhiều điểm mới so với bản trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.

Về một số nội dung cụ thể, có ý kiến nhấn mạnh nội dung của dự thảo sửa đổi rất nhiều so với Hiến pháp năm 1992 (chỉ giữ lại 7 điều). Vì vậy, đề nghị giải thích rõ tại sao không lấy tên gọi là Hiến pháp năm 2013 mà lấy tên gọi là Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).

Băn khoăn vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước

Điều 51 của dự thảo đề cập về nền kinh tế Việt Nam, trong đó quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo" khiến một số ĐBQH băn khoăn. Ý kiến chung cho rằng quy định như vậy mâu thuẫn với quy định “các thành phần kinh tế bình đẳng” (tại khoản 2 của điều luật này). Hơn nữa, thực tế vừa qua cho thấy, nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện được vai trò chủ đạo và đã có nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động không hiệu quả (10 ý kiến ở 7 tổ).

Có một ý kiến đề nghị sửa lại khoản này thành: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, có định hướng, quản lý và điều tiết của nhà nước, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Kinh tế nhà nước bao gồm ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, tài nguyên quốc gia, tài sản nhà nước và doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.

Trong khi đó, có ý kiến đề nghị quy định phân biệt rõ giữa “kinh tế nhà nước” và “doanh nghiệp nhà nước” để tránh nhầm lẫn, làm rõ vai trò của sở hữu nhà nước với kinh tế nhà nước.

Không nên quy định cứng thu hồi đất

Thu hồi đất đai là nội dung có nhiều ý kiến đóng góp (liên quan khoản 3 điều 54). Trong khi có 11 vị ĐBQH ở 8 tổ nhất trí quy định về thu hồi đất và cho rằng dự thảo luật đất đai sửa đổi đã có sự thống nhất thì cũng có 4 vị ở 3 tổ cho rằng việc quy định cụ thể đối với các trường hợp thu hồi đất cần được quy định chi tiết trong luật.  

Vấn đề thu hồi đất cho phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều ý kiến khác nhau và không có tính ổn định. Có 4 ý kiến ở 3 tổ đề nghị cân nhắc không quy định trong dự thảo Hiến pháp. Ý kiến khác đề nghị bỏ quy định “phát triển kinh tế - xã hội” (8 ý kiến ở 4 tổ).

Đề nghị quy định thu hồi đất đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội phải rõ ràng, minh bạch, cơ chế, giá đền bù cụ thể (4 ý kiến ở 4 tổ). Đề nghị nghiên cứu thể hiện nội dung thu hồi đất cho phát triển kinh tế - xã hội chặt chẽ hơn, tránh trường hợp dễ tùy tiện trong thu hồi (7 ý kiến ở 5 tổ). Đề nghị quy định chặt chẽ việc kiểm tra, giám sát thu hồi đất, nhất là đối với thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội (2 ý kiến ở 2 tổ).

Hạn chế thành viên Chính phủ là ĐBQH?

Bản tổng hợp cũng ghi nhận ý kiến liên quan đến các nội dung về nhân sự cấp cao, trong đó có ý kiến đề nghị quy định rõ Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội do ai giới thiệu để bầu, vì các chức danh khác đều có người giới thiệu.

Liên quan quy định về Chính phủ (điều 95), 1 vị ĐBQH đề nghị bổ sung quy định để hạn chế việc thành viên Chính phủ đồng thời là đại biểu Quốc hội. Trong khi đó, 1 ý kiến đề nghị Hiến pháp thể hiện rõ trách nhiệm của Chính phủ trước Quốc hội đối với những vấn đề được Quốc hội giao như: thực thi ngân sách, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, triển khai dự án quan trọng quốc gia.

Về chính quyền địa phương, báo cáo tổng hợp ghi nhận 22 ý kiến ở 12 tổ tán thành với quy định về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương như dự thảo. Quy định khái quát như vậy tạo sự linh hoạt cho việc đổi mới tổ chức chính quyền địa phương trong luật (22 ý kiến ở 12 tổ).

Song có ý kiến đề nghị cân nhắc việc sử dụng thuật ngữ “chính quyền địa phương” vì Nhà nước Việt Nam là đơn nhất, không theo cấu trúc liên bang nên không có chính quyền trung ương và chính quyền địa phương.

Ý kiến của 13 vị ĐBQH ở 10 tổ đề nghị quy định cụ thể hơn, xác định rõ mô hình chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính (chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo), đặc khu kinh tế, khu hành chính đặc biệt trong Hiến pháp phù hợp với thực tiễn hiện nay, trên cơ sở tổng kết thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, làm cơ sở cho việc cụ thể hóa trong luật sau này.

Linh Thư