Theo khảo sát của UNDP và UB TƯ MTTQ VN, người dân ở TP.HCM, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế hài lòng hơn cả về chất lượng dịch vụ hành chính công. Yên Bái, Kon Tum đứng cuối bảng. 

Lần đầu tiên, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) được Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam và UNDP công bố hôm nay (31/3) tại Hà Nội.

Ý kiến đánh giá của 5.568 người dân thuộc mọi tầng lớp dân cư ở 30 tỉnh và thành phố trên toàn quốc cho thấy hiệu quả của công tác quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công ở cấp tỉnh.


Người dân có biết các thủ tục giấy tờ để làm sổ đỏ không, cán bộ hành chính có giải thích và hướng dẫn không… Ảnh: VietNamNet

Từ tháng 6 đến tháng 10/2010, các điều tra viên đã đến gặp trực tiếp từng người dân được chọn lựa theo phương pháp ngẫu nhiên để hỏi họ về những trải nghiệm thực tế của chính họ với các cơ quan công quyền và các thủ tục hành chính.

Câu hỏi được đưa ra trực diện và cụ thể: người dân có biết các thủ tục giấy tờ để làm sổ đỏ không, cán bộ hành chính có giải thích và hướng dẫn không…

Các câu trả lời thu nhận được từ 5.568 người được tổng hợp và thể hiện thành 6 trục đánh giá.

Trục đánh giá 1 về sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở tìm hiểu xem người dân có hiểu các chính sách và các vị trí lãnh đạo của cấp gần họ nhất là thôn, ấp, tổ dân phố không, họ có trực tiếp bầu ra những chức danh này không, có giám sát các dự án cộng đồng không…

Trục đánh giá thứ 2 về công khai minh bạch chỉ ra người dân có biết những thông tin như danh sách hộ nghèo, thu chi của xã phường hay quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không… Điều này không chỉ cho thấy mức độ quan tâm của họ mà còn cho thấy cả mức dộ đáp ứng thông tin của chính quyền địa phương đối với những nhu cầu chính đáng này.

Nếu trục thứ 2 thể hiện mức độ “dân biết” đối với việc làm của chính quyền, thì trục thứ 3 về trách nhiệm giải trình lại chỉ ra mức độ “dân kiểm tra ” - những thắc mắc của họ đã được chính quyền trả lời và trả lời thấu đáo chưa.

Trục thứ 4 đánh giá mức độ kiểm soát tham nhũng, điều mà phần lớn công dân khi nghĩ đến các cơ quan công quyền đều có phần nghi ngại. Có thể nói ở trục này, những cái gọi là “tham nhũng nhỏ”, “tham nhũng vặt” được thể hiện qua chính những câu trả lời của người dân về những lần “hối lội”, “lót tay”, “bôi trơn”…

Trục đánh giá thứ 5 về các thủ tục hành chính như công chứng, xin cấp sổ đỏ và giấy phép xây dựng chỉ ra mức độ hài lòng của công dân với những việc mà “gần như ai cũng phải làm” với các cơ quan hành chính. Đây cũng là những thủ tục khiến người dân băn khoăn nhất khi nhắc đến “hành là chính”.

Nhưng hành chính không chỉ là thủ tục, giấy tờ, mà còn là y tế, giáo dục, nhà ở, an ninh trật tự…, những dịch vụ công mà nhà nước có trách nhiệm cung cấp cho dân. Điều này được đánh giá ở trục thứ 6 về cung ứng dịch vụ công.

Kết quả chung của cuộc khảo sát cho thấy TP.HCM, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế… có chỉ số PAPI cao nhất. Yên Bái, Kon Tum đứng cuối bảng. Hà Nội cùng một số tỉnh, thành lớn như Bình Phước, Đồng Nai, Hải Phòng, Phú Thọ, Vĩnh Long… nằm ở những vị trí không thực sự cao trong bảng xếp hạng PAPI.

Thủy Chung