- Bên hành lang QH, nhiều đại biểu đồng loạt lên tiếng chiều 5/11 về vụ ông Nguyễn Thanh Chấn - người ngồi tù 10 năm cho án chung thân vừa được thả.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hải Phòng Trần Ngọc Vinh, ủy viên UB Pháp luật: Play
Về vật chất cũng như tinh thần theo tôi là không thể nào bù đắp được. Bây giờ chúng ta phải khắc phục như thế nào để giải quyết oan sai, và có chế tài để xử lý mà những cơ quan, những người được giao nhiệm vụ thực thi pháp luật không đúng.
Trách nhiệm ở đây thuộc về các cơ quan điều tra, rồi các cơ quan truy tố và có một phần của cơ quan xét xử. Cơ quan xét xử hiện nay như đã nói là xử theo cáo trạng, còn có cái điều tra, nhưng nếu anh làm cẩn thận, anh xét thấy tất cả những hành vi mà phát hiện oan sai thì anh có thể trả lại hồ sơ và yêu cầu điều tra lại, nhưng anh cũng cho qua thì anh phải chịu trách nhiệm liên đới.
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai:Play
Trước hết phải đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan tư pháp Trung ương đã phát hiện ra vấn đề, xem xét rất cẩn trọng và cũng trả lại tự do cho ông Chấn. Tuy nhiên để đi đến bước cuối cùng, chúng ta còn phải thực hiện một số quy trình tố tụng nữa.
Về vấn đề trách nhiệm chúng tôi thấy rằng căn cứ vào bộ luật Tố tụng hình sự, đề nghị các cơ quan tư pháp Trung ương xem xét toàn bộ quá trình để xem xét trách nhiệm.
Và một việc quan trọng nữa là sau khi xem xét xác định trách nhiệm của các cơ quan cá nhân trong quá trình thực hiện vụ việc này thì phải khẩn trương bồi thường cho cá nhân ông Chấn. Tôi nghĩ đây là điều rất quan trọng. Để cho một người dân oan sai trong thời gian dài như thế thì không thể không nói đến trách nhiệm của các cơ quan tư pháp có liên quan đến vấn đề này. Việc bồi thường tuy không thể khắc phục được toàn bộ mất mát về tinh thần, thể xác nhưng tôi nghĩ đó là trách nhiệm của Nhà nước đối với người dân.
ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh):
Tôi thấy vụ việc xảy ra là hết sức là đau lòng, tức là một người bị án oan sai kéo dài 10 năm. Nếu gia đình họ không kiên trì và bản thân họ không kiên trì đi khiếu nại thì không biết cuộc đời họ sẽ đi đến đâu.
Như chúng ta đã biết "nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại". Trách nhiệm lớn nhất là của các cơ quan chức năng, đặc biệt là khối tư pháp. Chúng ta hình như trong quá trình điều tra xét xử không biết về năng lực hay là một lý do gì mà để loại tội phạm nghiêm trọng như thế bị thay thế bởi một người khác. Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp và đã nghe nhiều trường hợp bị oan sai như thế, tôi muốn là dư luận cũng như là pháp luật phải tập trung làm rõ, vì luật Bồi thường nhà nước chắc chắn sẽ bồi thường nếu được xử, phục hồi. Nhưng không có số tiền nào có thể trả lại uy tín và danh dự của một con người.
Bao nhiêu năm gia đình người ta sống vất va vất vưởng như thế, người vợ vừa lo kiếm sống nuôi con vừa phải tiếp tục đi khiếu nại. Lương tâm, trách nhiệm của người làm công tác điều tra xét xử đến đâu, có khi nào họ day dứt không? Phải để cho dư luận xã hội làm rõ vấn đề này.
T.Lý - X.Quý - L.A.Dũng - H.Nhì -
B.Tuấn - B.Minh