Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ đạo các ngành tố tụng TƯ khẩn trương minh oan, đền bù và khôi phục quyền lợi hợp pháp cho ông Nguyễn Thanh Chấn.

Văn phòng Chủ tịch nước vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu Bộ trưởng Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo giải quyết vụ án oan sai liên quan ông Nguyễn Thanh Chấn theo đúng quy định của pháp luật.

{keywords}
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Làm rõ sai phạm của tập thể, cá nhân thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố, xét xử oan. Ảnh: Lê Anh Dũng

Chủ tịch nước yêu cầu khẩn trương minh oan, đền bù, khôi phục đầy đủ quyền lợi hợp pháp của người bị oan; điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh người phạm tội và những sai phạm của các tập thể, cá nhân thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố, xét xử oan đối với ông Nguyễn Thanh Chấn và báo cáo Chủ tịch nước kết quả giải quyết.

Bộ trưởng Công an: Xem xét trách nhiệm để án oan sai

Ngày 5/11, trả lời câu hỏi của phóng viên về vụ việc phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn được tạm đình chỉ thi hành án để chờ xét xử theo thủ tục tái thẩm, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho biết: Vụ án này đã xảy ra cách đây hơn 10 năm.

{keywords}
Bộ trưởng Công an, Đại tướng Trần Đại Quang. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ngày 26/3/2004, Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Giang đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thanh Chấn và đã ra bản án tuyên bị cáo phạm tội giết người với mức án chung thân; bị cáo Chấn kêu oan và làm đơn kháng cáo.

Ngày 26-27/7/2004, Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án, tuyên y án sơ thẩm; bản án đã có hiệu lực pháp luật và bị cáo đã chấp hành bản án.

Trong quá trình thi hành án, phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn kêu oan, ban giám thị trại giam đã chuyển đơn của phạm nhân đến Viện KSND Tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao để xem xét theo thẩm quyền.

Các cơ quan chức năng đã nghiêm túc xem xét, điều tra, xác minh và Viện KSND Tối cao đã có quyết định ngày 4/11/2013 về việc tạm đình chỉ thi hành bản án số 1241/PTHS, ngày 27/7/2004 của Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội để chờ đưa ra xét xử theo thủ tục tái thẩm.

Theo Bộ trưởng Trần Đại Quang: Đây là việc làm cần thiết và đúng đắn. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử đòi hỏi các cơ quan bảo vệ pháp luật phải tuân thủ nguyên tắc “trọng chứng hơn trọng cung”; mỗi chứng cứ đều được điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và hội thẩm với tinh thần trách nhiệm kiểm tra, xem xét, đánh giá đảm bảo khách quan, toàn diện về tất cả các tình tiết của vụ án theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong trường hợp để xảy ra sự việc như trên, Bộ trưởng Trần Đại Quang nêu rõ: Trong các giai đoạn tố tụng hình sự, kể cả ở giai đoạn thi hành án, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án có trách nhiệm phát hiện và khắc phục kịp thời những sai sót, vi phạm, nhất là oan, sai. Quy định của pháp luật tố tụng hình sự của Nhà nước ta rất chặt chẽ, đầy đủ, cụ thể; cho nên nếu để xảy ra oan, sai, thì đó là điều rất đáng tiếc.

Sắp tới, vụ việc liên quan đến phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn, Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ xem xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật theo trình tự tái thẩm.

“Nếu Tòa án kết luận phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn bị kết tội oan, thì phải kịp thời minh oan, khôi phục đầy đủ quyền lợi hợp pháp, bồi thường Nhà nước cho người bị kết tội oan; điều tra, xử lý nghiêm người phạm tội; đồng thời, phải điều tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến oan, sai, xác định trách nhiệm, xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân thuộc cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố, xét xử oan đối với ông Nguyễn Thanh Chấn theo quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định.

Bộ Công an đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ về các tình tiết có liên quan đến vụ án để xử lý đảm bảo đúng pháp luật.

PV - theo VGP