- Bộ Y tế đề xuất bãi bỏ quy định thanh toán đối với trường hợp khám, chữa bệnh tại nước ngoài vì thực tế rất khó kiểm soát chi phí, quỹ BHYT còn hạn hẹp.

Chiều 6/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật Bảo hiểm y tế (BHYT).
{keywords}
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: Minh Thăng
UB Các vấn đề xã hội cho rằng việc sửa đổi phải đảm bảo tính đồng bộ giữa luật BHYT với chính sách tài chính y tế và một số chính sách, pháp luật.

Đó là việc thực hiện BHYT toàn dân phải gắn liền với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, từng bước chuyển dần từ việc cấp ngân sách nhà nước trực tiếp cho bệnh viện sang hỗ trợ trực tiếp cho người dân tham gia BHYT gắn với việc sửa đổi chính sách, cơ chế về tổ chức bộ máy y tế và BHYT.

Ngoài ra, vấn đề chất lượng khám chữa bệnh, y đức đóng vai trò quan trọng đối với hiệu quả của chính sách BHYT. Đồng thời, quá trình thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa đối với y tế đã xuất hiện những vấn đề bất hợp lý giữa khám chữa bệnh cho bệnh nhân BHYT với bệnh nhân khám chữa bệnh theo yêu cầu, làm ảnh hưởng đến chính sách BHYT.

Do đó, cần phải định hướng xử lý đồng bộ những vấn đề trên.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật BHYT sẽ có nhiều thay đổi quan trọng liên quan đến mức đồng chi trả 5% của người nghèo, mức trần thanh toán tối đa, thanh toán trong trường hợp người bệnh chủ động vượt tuyến.

Theo đó, Bộ Y tế đề xuất bỏ quy định cùng chi trả 5% với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; hạ tỷ lệ cùng chi trả với hộ cận nghèo, thân nhân người có công từ 20% xuống 5%.

Về mức trần thanh toán tối đa, dự thảo quy định mức cùng chi trả tối đa/năm và gắn với số năm tham gia BHYT liên tục, khi vượt quá mức này thì người bệnh không phải thực hiện cùng chi trả.

Vấn đề thanh toán khám chữa bệnh BHYT trái tuyến, vượt tuyến cũng sẽ có thay đổi lớn. Theo luật hiện hành thì quỹ BHYT chi trả bệnh nhân vượt tuyến, trái tuyến (cả nội, ngoại trú) theo mức 70%, 50%, 30% (tùy hạng bệnh viện).

Sau 4 năm thực hiện quy định này, tình trạng vượt tuyến tăng nhanh, từ 3 triệu lượt năm 2010 lên 11,6 triệu lượt năm 2012.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định quỹ BHYT sẽ chi trả cho trường hợp khám chữa bệnh BHYT trái tuyến, vượt tuyến với các ca bệnh điều trị nội trú, còn với người đi khám ngoại trú thì quỹ BHYT chỉ chi cho một số bệnh, mức chi cụ thể giao cho Chính phủ quy định.

Bộ Y tế đề xuất bãi bỏ quy định thanh toán đối với trường hợp khám bệnh, chữa bệnh tại nước ngoài vì thực tế rất khó kiểm soát chi phí và không khuyến khích việc khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài trong điều kiện quỹ BHYT còn hạn hẹp.

UB Các vấn đề xã hội cũng đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu việc thành lập Hội đồng quản lý quỹ BHYT với sự tham gia của các bộ ngành, do Bộ trưởng Y tế đứng đầu.

Cẩm Quyên