- Nhiều ĐBQH đồng tình với việc đưa thêm định chế ly thân vào dự thảo luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi, tạo thêm một sự lựa chọn khi hai vợ chồng rạn nứt tình cảm.

{keywords}

Ảnh Lê Anh Dũng

Chiều 14/11, QH thảo luận tại tổ về dự án luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi).

Đề xuất định chế hôn nhân “tạm thời”

Rất nhiều ĐB đồng tình với việc đưa thêm định chế ly thân vào trong dự thảo luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi vì cho rằng định chế này sẽ tạo hiệu ứng tích cực, giảm bớt ly hôn và tạo thêm một sự lựa chọn khi hai vợ chồng rạn nứt tình cảm có thời gian suy nghĩ cân nhắc có nên tiếp tục chung sống hay không.

ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) nhận định ly thân làm hạn chế ly hôn chứ không phải thúc đẩy ly hôn, vì khi ly thân người ta sống riêng, tài sản rõ ràng, nếu thấy có thể hàn gắn, họ hủy án đi để chung sống lại. Người ta tổng kết các nước trên thế giới có chế định ly thân thì ly hôn giảm đi.

ĐB Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre) cho rằng nếu ly thân cần xem xét, quyền và nghĩa vụ tài sản phát sinh trong thời gian đó, bởi đã có trường hợp hai vợ chồng cùng làm ăn sau đó nợ, họ ly hôn giả và chuyển hết tài sản sang người khác để tránh liên đới, nhiều cặp vợ chồng liên tục gửi đơn rồi rút đơn đến phường về việc ly hôn, ly thân để thực hiện mục đích này.

ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) còn đề xuất nên có một chế định là hôn nhân tạm thời trong khoảng 2-3 năm, nếu không đẻ được con, không hợp về tính tình thì chia tay sẽ dễ dàng, tìm kiếm bạn đời khác cũng đỡ khó khăn do tuổi đời còn trẻ.

Ranh giới mong manh

“Mang thai hộ hợp pháp nhưng em bé sinh ra không bình thường thì ai nhận? Sinh 2 sinh 3 nhưng chỉ nhận 1 thì số còn lại ai nuôi?”. Đây là băn khoăn của ĐB Lê Minh Hiền (Khánh Hòa).

ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) lo lắng nếu người mang thai hộ là họ hàng thì có thể dẫn tới tranh chấp bởi người mẹ có thể phát sinh tình cảm với đứa trẻ trong quá trình thai nghén, khi sinh con xong họ không muốn trả lại thì phải làm thế nào?

ĐB Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa - Vũng Tàu) thì nêu: “Người mang thai hộ bị tai biến, rủi ro trong quá trình thai sản thì sẽ tính sao?”
 
Cho rằng ít người tự nguyện mang thai hộ mà hầu hết những người có nhu cầu đều phải đi nhờ, các ĐB nhận định ranh giới giữa tính nhân đạo với tính thương mại trong vấn đề mang thai hộ rất mong manh, khó phân định, thậm chí có thể có khả năng trước là vì nhân đạo nhưng sau lại vì thương mại.

“Đâu là ranh giới? Đứng về góc độ y tế thì quy định thế này chưa đủ, cần thiết kế lại và có đóng góp nhiều hơn của giới chuyên môn”, bà Phạm Khánh Phong Lan, ĐB TP HCM đề nghị.

Đồng quan điểm này, ĐB Lê Trọng Sang (TP HCM) cho rằng mục đích nhân đạo mang thai hộ xét về định tính thì được nhưng định lượng thì không thể.

“Hiện không có số thống kê người phụ nữ mang thai hộ là người giàu hay người nghèo nhưng theo tôi đa số là người nghèo, vì mục đích mưu sinh mà họ mang thai hộ. Vì thế điều luật này nên quy định trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của người mang thai hộ thì tôi đồng tình, nhưng phải hết sức cân nhắc, tính toán chi li”, ông Sang cho hay.

ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) không đồng tình cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo bởi đây vẫn là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, chưa phù hợp với văn hóa Việt Nam, có thể gây ra nhiều xung đột.

“Lobby” ĐBQH công nhận hôn nhân đồng giới


ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho biết ông nhận được nhiều tài liệu của các tổ chức xã hội dân sự “loppy” với mong muốn lần sửa luật tại kỳ họp này sẽ chấp nhận hôn nhân đồng tính.

“Tôi đồng cảm được ý kiến của họ. Tuy nhiên, tại thời điểm này, dự thảo luật đưa ra chưa chấp nhận hôn nhân đồng tính là phù hợp. Ngay bây giờ chấp nhận kết hôn đồng tính đưa vào trong luật là không được”, ông nói.

Trao đổi với VietNamNet, ông Xuyền cho rằng, trong tương lai cũng cần phải chấp nhận hôn nhân đồng giới, nhưng phải có lộ trình có thể 5 năm hay 10 năm nữa, khi xã hội chấp nhận được chúng ta sẽ sửa luật.

ĐB Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) hoan nghênh việc sửa luật mang tinh thần đổi mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đời sống hôn nhân gia đình ở nước ta hiện nay song nếu nói không cấm cũng không thừa nhận thì rất khó hiểu.

Cẩm Quyên - Tá Lâm