- Thẩm tra dự luật Đầu tư công sáng nay (16/11), UB Kinh tế QH đề nghị nâng cao chế tài đối với các trường hợp phê duyệt dự án đầu tư sai.

{keywords}

Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu. Ảnh: Minh Thăng

Tờ trình của Chính phủ nêu: "Thực tế quản lý đầu tư công trong thời gian qua cho thấy lãng phí, thất thoát có nhiều nguyên nhân khác nhau: buông lỏng quản lý, đầu tư dàn trải, tham nhũng, bớt xén trong thi công... nhưng lãng phí lớn nhất là do chủ trương đầu tư không đúng, không hiệu quả".

Do tình hình trên đã kéo dài trong nhiều năm nhưng chưa có biện pháp khắc phục triệt để, dự luật chế định rõ hơn các nội dung, quy trình, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư một cách có căn cứ khoa học hơn.

Theo đó, dự luật đưa việc "quyết định đầu tư gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, tài nguyên của quốc gia, làm tổn hại, xâm phạm lợi ích của công dân và cộng đồng" vào các hành vi bị cấm.

Trong việc theo dõi, kiểm tra kế hoạch đầu tư công cũng bao gồm tình hình nợ đọng vốn trong đầu tư,  tình trạng lãng phí, thất thoát trong đầu tư công. Công tác giám sát của cộng đồng cũng phải phát hiện được những việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản thuộc dự án.

UB Kinh tế cho rằng dự luật cần xác định cụ thể hơn trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, người có thẩm quyền phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư để nâng cao tính chế tài của luật đối với các trường hợp phê duyệt dự án đầu tư sai, kém hiệu quả, tổng mức đầu tư tăng so với dự toán ban đầu, không cân đối được nguồn vốn để thực hiện, gây thất thoát, lãng phí.

Hiện trong dự thảo luật đang quy định về điểm nay như sau: "Người đứng đầu tổ chức, cơ quan phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình, dự án sai, kém hiệu quả, không cân đối được nguồn vốn để thực hiện gây thất thoát, lãng phí phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những tổn thất, lãng phí đối với nguồn lực và nguồn vốn đầu tư công thực hiện chương trình, dự án và phải bị xử lý kỷ luật.

Trường hợp người đứng đầu quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư sai, kém hiệu quả do kết quả thẩm định chương trình, dự án không đúng thì Chủ tịch hội đồng thẩm định và các thành viên tham gia thẩm định phải chịu trách nhiệm đền bù những thiệt hại do kết quả thẩm định của mình và phải bị xử lý kỷ luật".

Người quyết định chương trình, dự án sẽ phải chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc quyết định đầu tư chương trình, dự án. Trường hợp quyết định chương trình, dự án sai không đúng, dẫn đến đầu tư kém hiệu quả, dàn trải, lãng phí, thất thoát, phải chịu trách nhiệm đền bù những thiệt hại do quyết định thực hiện của mình theo quy định của pháp luật và phải bị kỷ luật.

Các ĐB sẽ thảo luận về dự án luật này tại tổ (18/11) và hội trường (27/11).

Đóng đủ 12 tháng được hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Trong sáng nay, QH đã biểu quyết thông qua luật Việc làm. Theo luật mới, áp dụng nguyên tắc “cộng dồn” các khoảng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp (liên tục hoặc không liên tục), người lao động đã đóng từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, được hưởng BHTN.

Đối tượng lao động giao kết hợp đồng không xác định thời hạn hoặc hợp đồng xác định thời hạn (từ đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng) được hưởng BHTN khi đã đóng từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng.

Luật Thi đua khen thưởng cũng được QH thông qua sáng nay.

QH cũng đã hoàn thành công tác nhân sự của kỳ họp.

Ông Nguyễn Lâm Thành trở thành Phó chủ tịch HĐ Dân tộc, các ông Phạm Trí Thức, Nguyễn Văn Tuyết, Đặng Thuần Phong và Vũ Hải Hà lần lượt trở thành phó chủ nhiệm các ủy ban Pháp luật, Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng, Các vấn đề xã hội và Đối ngoại.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền được bầu làm thành viên thứ 18 của UB Thường vụ QH.

Chung Hoàng